Khối ngoại đẩy mạnh mở tài khoản chứng khoán, cá nhân trong nước ngày càng hạn chế
Cũng trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 216 tài khoản, tăng 24% so với tháng trước đó. Sự gia tăng mở tài khoản của khối ngoại phù hợp với giao dịch của nhóm này trong thời gian vừa qua.
Số liệu mới nhất từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong tháng 11 vừa qua, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 88.479 tài khoản chứng khoán, giảm nhẹ so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 88.334 tài khoản và các tổ chức mở mới 145 tài khoản. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và là tháng thứ 6 liên tiếp sụt giảm.
Tính đến cuối tháng 11, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,74 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,7% dân số. Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số của cả 4 năm 2018, 2019, 2020 và 2021 cộng lại.
Cũng trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 216 tài khoản, tăng 24% so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp số lượng tài khoản mở mới của khối ngoại có sự gia tăng. Về cơ cấu, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 199 tài khoản trong khi tổ chức nước ngoài mở mới 17 tài khoản trong tháng 11. Thời điểm 30/11/2022, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 42.458 tài khoản.
Sự gia tăng mở tài khoản của khối ngoại phù hợp với giao dịch của nhóm này trong thời gian vừa qua. Khối ngoại đẩy mạnh mua vào trong tháng, với tổng giá trị mua ròng đạt 16,9 nghìn tỷ đồng trên 3 sàn, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018 (+22,8 nghìn tỷ đồng). Nhờ sự tham gia gia tích cực, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đạt 14% trong tháng 11, cao hơn mức 11,1% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân 11 tháng đầu năm 2022.
Thu hút dòng tiền mạnh từ khối ngoại là các mã vốn hóa trụ cột đầu ngành, chủ yếu ở nhóm Bất động sản (VHM +1,7 nghìn tỷ, KDH +1,2 nghìn tỷ, VIC +842 tỷ), Tài chính (STB +13, nghìn tỷ, SSI +1 nghìn tỷ, CTG +745 tỷ), Tiêu dùng (MSN +1 nghìn tỷ, VNM +648 tỷ).
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng mạnh trong tháng 11 với giá trị bán ròng gần 19.000 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường do đó cũng sụt giảm đáng kể. Giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn trong tháng 11 giảm 22,3% so với cùng kỳ xuống còn 20.862 tỷ đồng. Thanh khoản bình quân của HOSE đạt 17.696 tỷ đồng/phiên giảm 19,6%, trong khi chỉ tiêu này của HNX và UPCOM lần lượt đạt 2.023 tỷ đồng/phiên giảm 36,0% và 1.142 tỷ đồng/phiên giảm32,8%.
Giá trị giao dịch bình quân phiên của VNMID tăng 11,3% svck. Giá trị giao dịch
bình quan phiên của VN30 và VNSML giảm lần lượt 36,1%/8,0% svck. Dòng tiền chảy mạnh khỏi các nhóm ngành Ngân hàng, Thép, Vật liệu xây dựng và Chứng khoán, trong khi đó, chỉ có Bán lẻ, Hóa chất và Điện thu hút dòng tiền chảy vào trong năm 2022.