11:19 18/09/2009

Khối ngoại liên tiếp bán ròng, vẫn tạo hấp dẫn?

Nhóm tác giả

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tạo ra sự hấp dẫn cho thị trường, dù liên tục bán ròng từ đầu tháng 9 đến nay

Động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại từ đầu tháng 9 này cùng với việc VN-Index rơi vào vùng kháng cự mạnh ở các mức 560, 583 và 600 điểm đã và đang tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư - Ảnh: Quang Liên.
Động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại từ đầu tháng 9 này cùng với việc VN-Index rơi vào vùng kháng cự mạnh ở các mức 560, 583 và 600 điểm đã và đang tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư - Ảnh: Quang Liên.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tạo ra sự hấp dẫn cho thị trường, dù liên tục bán ròng từ đầu tháng 9 đến nay.

Khối ngoại liên tiếp có những phiên bán ròng, nhưng chúng tôi thấy họ vẫn duy trì sức mua ở mức cao cộng với việc họ liên tiếp đẩy mua trần ở một số mã cổ phiếu lớn trong nhiều ngày qua, điều này vẫn tạo ra sự hấp dẫn trong giao dịch của khối này cho thị trường.

Từ mua sang bán

Từ thời điểm tháng 3 đến giữa tháng 6, chỉ số VN-Index có chuỗi ngày phục hồi ấn tượng từ mức 235 điểm lên mức 512 điểm, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là khá cân bằng. Họ tập trung bán ròng các mã cố phiếu được dự báo có kết quả khó khăn từ hoạt động kinh doanh chính trong năm như TTF, REE, SAM, ANV, AGF, GMD…, một số mã cổ phiếu có chuỗi ngày tăng điểm mạnh như ITA, LCG, HSG…, và một số blue chips HAG, SJS, BCI… Trong khi đó họ tập trung mua ròng các cổ phiếu blue-chips tốt như DPM, FPT, HPG, VNM, TDH…

Từ thời điểm giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, VN-Index đã có 1 đợt điều chỉnh mạnh từ mức 512 điểm về 410 điểm rồi tăng mạnh trở lại ở mức 548 điểm, khối ngoại có giá trị mua ròng kỷ lục. Trong thời kỳ này chỉ xuất hiện một vài phiên giao dịch họ bán ròng mang tính chất đơn lẻ. Khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung mua ròng các cổ phiếu blue-chips tốt như DPM, FPT, HAG, HPG, KDC, PPC, SSI, STB, VNM…, và bán ròng các mã cổ phiếu CII, GMD, REE, LCG, VCB, ANV…

Từ đầu tháng 9 đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh bán ra, tính đến thời điểm kết thúc phiên ngày 17/9 họ bán ra khoảng 3.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, nhưng họ vẫn duy trì mua vào ở mức cao: 2.198 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm khác với 2 đợt trên là họ tập trung bán ròng nhiều cổ phiếu tốt, có chuỗi tăng điểm ấn tượng như HPG, KDC, GMD, REE, SJS, VNM, VSH, DPM, CII, DHG… Ngược lại, họ chỉ tập trung mua ròng một số mã như FPT, HAG, SSI, PVD, BCI, CTG…

Đi tìm lý giải

Một giả thiết đầu tiên được đưa ra liên quan đến việc Quỹ đầu tư Indochina Capital Vietnam (ICV) tuyên bố thoái vốn khỏi thị trường Việt nam ngày 3/9. Trong danh sách các cổ phiếu được bán ra mạnh từ đầu tháng 9 có các cổ phiếu đáng chú ý của ICV bao gồm GMD, VNM và HPG. Các mã cổ phiếu này có mức độ tăng giá mạnh trong thời gian ngắn vừa qua. Trong danh mục của ICV còn 2 cổ phiếu đáng chú ý là VCB và BVH nhưng chúng tôi thấy so với giá vốn mà họ đầu từ thì vẫn còn lỗ rất nhiều nên có thể ICV chưa thực hiện bán ngay, trong khi ICV có 18 tháng để thoái vốn.

Trong danh sách các mã được nước ngoài bán mạnh có cổ phiếu REE do các quỹ đầu tư của Dragon Capital thực hiện thoái vốn tại công ty này. Nhưng đây chỉ là trường hợp họ tái cơ cấu lại danh mục đầu tư trên thị trường. Trong báo cáo gần đây về tình hình thị trường, quỹ này có nhận xét tới các yếu tố như thanh khoản, lòng tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế và gói kích cầu thứ hai giúp thị trường có xu hướng tốt.

Các mã cổ phiếu được bán mạnh còn lại như: SJS, DPM, KDC, CII, DHG… cùng với các cổ phiếu trong giả thiết được ICV bán ra là VNM, GMD, HPG, chúng tôi thấy đây là các cổ phiếu blue-chips tốt của thị trường, được khối ngoại mua mạnh trong gian điều chỉnh vào tháng 7.

Như vậy ngoài việc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện cơ cấu danh mục đầu tư, có một giả thuyết rằng họ bán ra để thực hiện hóa lợi nhuận trong ngắn hạn.

Một điều đáng chú ý là hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự xuất hiện ngày càng nhiều hình thức chứng khoán phái sinh P-notes. Các nhà đầu tư nước ngoài không cần đến trực tiếp Việt Nam mà họ thông qua các tổ chức đã vào Việt nam như HSBC, Deutsche Bank…, thực hiện mua hộ dưới dạng P-notes. Có thể khẳng định đây đa phần là dòng vốn ngắn hạn và khó kiểm soát được vì chúng ta không biết ai là người đầu tư cuối cùng.

Trong thời gian qua chúng tôi thấy nhiều quỹ trực tiếp quản lý của các tổ chức lớn này đang thực hiện bán ra nhiều mã cổ phiếu, vì vậy giả thuyết dòng vốn nước ngoài thông qua P-notes đang thực hiện chốt lời là điều hoàn toàn có khả năng.

Trong các báo cáo gần đây của HSBC và Credit Suisse đều có những đánh giá thiếu tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc 2 tổ chức lớn này ra những khuyến cáo cho các nhà đầu tư nước ngoài cùng với thời điểm ICV tuyên bố thoái vốn theo chúng tôi đánh giá cũng góp phần tác động vào động thái giao dịch của khối này. Họ lần lượt đưa ra các mức dự báo P/E và P/B của thị trường Việt Nam không còn ở mức hấp dẫn so với khu vực.

Nhưng điều chúng tôi thấy, khối ngoại vẫn duy trì được lượng mua vào ở mức cao trong thời gian vừa qua. Tính từ đầu tháng 9 đến hết phiên giao dịch ngày 17/9, khối này đã thực hiện mua vào gần 2.200 tỷ đồng, tương đương với sức mức 2 tháng trước đó là tháng 7 và tháng 8. Dòng tiền của khối này vẫn vào thị trường.

Đối với nhiều tổ chức am hiểu thị trường Việt Nam, họ lại đưa ra những báo cáo trái chiều với HSBC và Credit Suisse. Vietnam Asset Management Ltd (VAM) có đánh giá lạc quan: “Dựa trên những đánh giá ước tính của VAM, giá của một số lĩnh vực tại Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn. Thị trường chứng khoán tăng điểm phản ánh bức tranh hồi phục của nền kinh tế Việt Nam và xu hướng tăng này sẽ còn tiếp tục trong trung hạn, mặc dù sẽ có một số điều chỉnh trong thời gian tới. Lợi nhuận doanh nghiệp về tổng thể có thể tiếp tục tăng với tốc độ 20% từ thời điểm này. Và vì vậy, chỉ số VN-Index sẽ tăng ít nhất với tốc độ đó trong 12 tháng tới và có thể đạt 650 - 700 điểm vào giữa năm 2010”.

Ảnh hưởng không quá lớn

Động thái bán ròng liên tiếp của khối nhà đầu tư nước ngoài từ đầu tháng 9 này cùng với việc VN-Index rơi vào vùng kháng cự mạnh ở các mức 560, 583 và 600 điểm đã và đang tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư trên toàn thị trường. Nhưng do làn sóng chia tách cổ phiếu và sự hé lộ kết quả kinh doanh ấn tượng của nhiều doanh nghiệp trong quý 3 tiếp tục đẩy thị trường lên các mức cao mới.

Cũng cần khẳng định, với việc tham gia đông đảo hơn các nhà đầu tư nội, giá trị giao dịch của toàn thị trường tăng đáng kể, gấp 2 - 3 lần trước đây, đã làm cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường hiện nay đã giảm xuống dưới mức 10%, dao động trung bình ở mức 6 - 7% toàn thị trường. Vì vậy việc bán ròng của khối này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường như trước đây.

Nhưng chúng tôi thấy khối ngoại vẫn duy trì sức mua ở mức cao. Đồng thời, họ đã tăng mua mạnh ở một số mã trong thời gian qua với số lượng lớn. Điều này là rất tốt cho thị trường. Sở dĩ tốt vì thị trường cần những trụ cột vững chắc khi lực toàn thị trường yếu. Việc họ liên tục đẩy mua giá trần nhiều mã trong nhiều ngày sẽ làm cho dòng tiền đầu cơ của khối nội tiếp tục ở lại thị trường và giúp thị trường vững bước đi lên.

* Nhóm tác giả thuộc Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Click&Phone.

Giao dịch mua bán của nhà đầu tư nước ngoài (Đơn vị: VNĐ)


MuaBánChênh lệch mua-bán
01/09 - 17/092,198,522,5643,000,468,550-801,945,986
Tháng 83,475,029,5892,854,253,634620,775,955
Tháng 74,047,428,4262,250,526,6941,796,901,732
Tháng 63,238,209,8103,341,918,344-103,708,534
Tháng 52,851,060,7172,183,094,059667,966,658
Tháng 41,580,007,9561,684,793,025-104,785,069
                                                                     (Nguồn: HOSE, HNX)