12:04 22/02/2024

Khối ngoại xả hàng đột biến, thị trường tiếp tục rung lắc

Kim Phong

Các đợt chốt lời tiếp tục xuất hiện trong phiên sáng nay khiến gần như toàn thời gian VN-Index chìm trong sắc đỏ. Khả năng cân bằng giữa các nhóm cổ phiếu trụ tuy không giúp thị trường phục hồi được nhưng cũng giúp duy trì biên độ hẹp. Tuy nhiên giao dịch bán của nhà đầu tư trong nước không quá lớn, sức ép đáng kể lại đến từ khối ngoại...

Các cổ phiếu vốn hóa lớn giằng co chỉ đủ duy trì thế cân bằng ở chỉ số VN-Index sáng nay.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn giằng co chỉ đủ duy trì thế cân bằng ở chỉ số VN-Index sáng nay.

Các đợt chốt lời tiếp tục xuất hiện trong phiên sáng nay khiến gần như toàn thời gian VN-Index chìm trong sắc đỏ. Khả năng cân bằng giữa các nhóm cổ phiếu trụ tuy không giúp thị trường phục hồi được nhưng cũng giúp duy trì biên độ hẹp. Tuy nhiên giao dịch bán của nhà đầu tư trong nước không quá lớn, sức ép đáng kể lại đến từ khối ngoại.

Chỉ số đại diện thị trường chốt phiên sáng giảm nhẹ 0,52 điểm tương đương -0,04% so với tham chiếu, so với mức giảm tối đa -3,9 điểm tại đáy lúc 10h50 thì dao động là khá hẹp.

Hiện tượng rung lắc này không khác nhiều so với hôm qua, khi vẫn là sự bập bênh giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn. VCB quay đầu giảm 0,88% là cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Toàn nhóm ngân hàng chỉ có 6/27 mã tăng giá và nâng đỡ chỉ số cũng duy nhất SHB tăng 2,1%. Những mã trong Top 20 vốn hóa thị trường đều đỏ trừ TCB tăng nhẹ 0,13%, BID tham chiếu, còn lại CTG, VPB, MBB, ACB, HDB giảm.

Ngược lại phía tăng cũng chỉ có VNM tăng 1,26%, MSN tăng 1,32% là đáng kể. VIC, VHM, GAS không có được sức mạnh như vài phiên trước nên hiệu quả đẩy điểm số kém hơn. Nhóm trụ thay thế ngân hàng này chỉ đủ để hỗ trợ VN-Index hồi lại dần sát tham chiếu mà chưa thể đột phá được.

Dù vậy chỉ số lình xình là việc của nhóm trụ. Thị trường tỏ ra không coi trọng lắm các diễn biến như vậy. Bằng chứng là độ rộng duy trì độ phân hóa tốt với 208 mã tăng/229 mã giảm. Thậm chí nhìn theo phân bổ dòng tiền thì nhóm tăng giá vẫn nhỉnh hơn với hơn 51% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE, trong khi nhóm giảm chỉ chiếm xấp xỉ 40%. Ngoài ra, dòng tiền vẫn hỗ trợ giá đáng kể ở nhiều mã, toàn sàn này vẫn có 78 cổ phiếu tăng trên 1% với tổng thanh khoản đóng góp 27% giá trị sàn. Ngoài các blue-chips như SHB, VNM, MSN, đáng kể có PVD tăng 3,51% thanh khoản 232 tỷ đồng; PC1 tăng 2,44% với 181,5 tỷ; LCG tăng 3,03% với 134,3 tỷ; BCG tăng 2,47% với 76,3 tỷ…

Việc thị trường phân hóa là trạng thái tích cực vì nếu nhìn từ VN-Index, thị trường đang khá rủi ro khi tiệm cận ngưỡng kháng cực mạnh là đỉnh cao năm 2023. Mặt khác sự xoay vòng các trụ không còn rõ nét, sức mạnh ở nhóm cổ phiếu thay thế mờ nhạt trong khi ngân hàng vẫn suy yếu khiến cơ hội kéo dài đà tăng của VN-Index đang thấp dần. Khi cổ phiếu vẫn giữ được sự phân hóa với nhiều mã tăng tốt, hút dòng tiền, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đánh giá cơ hội vẫn còn và nỗ lực tập trung nguồn lực vào đó.

Khối ngoại xả hàng đột biến, thị trường tiếp tục rung lắc - Ảnh 1

Nhà đầu tư nước ngoài là bên chốt lời rất mạnh sáng nay khi bán ròng tới 472 tỷ đồng tại HoSE. Đây là mức rút vốn trong phiên sáng lớn nhất kể từ đầu tháng 12/2023. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng 381,5 tỷ đồng. Loạt mã bị xả là HPG -72,1 tỷ đồng ròng, MSN -68,2 tỷ, MWG -56,4 tỷ, VPB -41,2 tỷ, STB -39,6 tỷ, VNM -21,6 tỷ. Ngoài ra còn có VCG -48,3 tỷ, EVF -46,1 tỷ, GEX -33,2 tỷ. Phía mua chỉ có DGC +27,5 tỷ, PVD +28,8 tỷ.

Việc khối ngoại tăng mạnh cường độ bán và riêng trong tháng 2 xả ròng gần 1.000 tỷ đồng cổ phiếu sàn HoSE đã đảo ngược vị thế mua ròng trong tháng 1. Đây có thể là hoạt động chốt lời thông thường vi thị trường cũng đã tăng khá mạnh từ đầu năm tới nay.

Hiện tượng rung lắc liên tục xuất hiện trong 3 phiên trở lại đây phản ánh tâm lý dò đỉnh của nhà đầu tư. Hiện VN-Index đã có nhịp tăng kéo dài 3 tháng với rất nhiều cổ phiếu đạt biên độ lợi nhuận khả quan. Không có xu thế tăng nào kéo dài mãi mà không điều chỉnh, nhất là khi thị trường tiến gần đến ngưỡng kháng cự quan trọng mà ai cũng nhìn thấy.