Khơi thông nguồn lực để nghiên cứu khoa học không “xếp ngăn kéo”
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải tháo gỡ những điểm nghẽn về khoa học công nghệ theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, phải có cơ chế thu hút các nhà khoa học, nhân tài, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước…

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan về một số nội dung lớn của dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết Bộ đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến trao đổi, thảo luận để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Theo đó, về bố cục, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (giảm 12 điều so với dự thảo Luật trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội - gồm 8 chương và 95 điều). Về cơ bản, Bộ Khoa học và Công nghệ sắp xếp một số chương, mục cho phù hợp với nội dung của Luật và làm rõ hơn nội dung của một số điều.
Đồng thời, Bộ đã rà soát toàn bộ dự thảo Luật để đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; quán triệt sâu sắc các giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
TẠO HÀNH LANG THUẬN LỢI ĐỂ HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG NGHIÊN CỨU “XẾP NGĂN KÉO”
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã hoàn thiện quy định về tài chính; thể chế hóa tối đa các nội dung liên quan đến chính sách ưu đãi vượt trội, đặc thù trong Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đề cao vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân. Các quy định về tài chính, ưu đãi vượt trội, đặc thù đã được thể chế hóa tại Chương IV dự thảo Luật.
Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất sửa đổi các luật có liên quan tại Điều khoản thi hành (Luật Công nghệ cao; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Đất đai; Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Báo chí; Luật Sở hữu trí tuệ).
Về khoán đến sản phẩm nghiên cứu cuối cùng, công khai và minh bạch, phản biện xã hội và trách nhiệm giải trình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, tiếp thu tại dự thảo Luật các nội dung như: Có bộ chỉ số đầu ra đo lường hiệu quả tác động của nghiên cứu, không chỉ dựa vào hồ sơ tài chính, phân loại nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn với mức độ rủi ro (nhất là các nhiệm vụ có tính đột phá), tăng tính độc lập của hội đồng đánh giá, tăng cường hơn nữa minh bạch tài chính và công bố công khai, tăng tính phản biện của xã hội để tạo giám sát của dư luận, hạn chế gian lận, tình trạng nghiên cứu khoa học "xếp ngăn kéo", tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và tổ chức chủ trì nghiên cứu.

Cơ quan chủ trì thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị bố cục lại dự thảo Luật theo hướng logic hơn, bao quát những nội dung cơ bản nhất có liên quan trong lĩnh vực Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu kế thừa hợp lý nội dung Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, đồng thời cân nhắc về tên gọi của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp tên Luật và bố cục.
Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát thực hiện đúng với chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đảm bảo quy định ngắn gọn, đúng thẩm quyền theo hướng những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì quy định, còn những vấn đề đã giao cho Chính phủ hoặc đã có quy định giao Thủ tướng Chính phủ thì không nên quy định vào dự thảo Luật này.
BẢO ĐẢM HÀI HÒA GIỮA HỖ TRỢ TÀI CHÍNH VÀ TRÁNH TRỤC LỢI, LÃNG PHÍ
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cơ quan chủ trì thẩm tra đề nghị thể chế hóa tối đa Nghị quyết số 57-NQ/TW về các nội dung liên quan đến tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vấn đề lưu ý là làm sao bảo đảm hài hòa giữa mức độ thông thoáng trong các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các hoạt động quản lý nhà nước nhằm tránh lạm dụng, trục lợi chính sách dẫn đến lãng phí, thất thoát tài sản công.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi quan điểm về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cấu trúc của dự thảo Luật và tính đồng bộ của các quy định tại dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và các luật, dự thảo liên quan, cơ chế ưu đãi cho các nhà khoa học, quan tâm đến doanh nghiệp tư nhân...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là luật rất quan trọng vì nhiều quốc gia đều thay đổi tư duy tăng trưởng kinh tế trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Luật này cơ bản có nhiều vấn đề, nội dung trọng tâm đạt được yêu cầu nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, tháo gỡ những điểm nghẽn về khoa học, công nghệ trong thời gian qua theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc xây dựng luật phải thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có cơ chế thu hút các nhà khoa học, nhân tài, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước.
Dự án Luật đã có những điểm mới trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và tháo gỡ khó khăn cho các nhà khoa học nên cơ quan soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để giao nhiệm vụ, là cầu nối kết nối giữa các viện, doanh nghiệp trong việc đặt hàng, nghiên cứu, nghiệm thu đề tài, công trình khoa học.