Không cần khai báo thẻ nhập cảnh khi tới Malaysia
Từ ngày hôm nay, 1/8, khách du lịch nhập cảnh vào Malaysia không còn phải điền thông tin khai báo trên phần mềm ứng dụng truy vết Covid-19 có tên MySejahtera của nước này…
Thông báo được Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin đưa ra ngày cuối tháng 7, với mục đích đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho du khách đến Malaysia. Giới chức nước này cho biết, quyết định trên được ban hành sau khi xem xét hệ thống y tế hiện tại của đất nước và mọi thứ đều ở mức tốt, được kiểm soát. Tuy nhiên, Bộ Y tế Malaysia cho biết sẽ luôn tăng cường theo dõi các triệu chứng của du khách tại tất cả các điểm nhập cảnh quốc tế vào Malaysia.
Khi nhập cảnh, thông qua máy đo nhiệt độ, nếu du khách được phát hiện bị sốt hoặc không khỏe thì sẽ được đề nghị đến khám lại tại một phòng y tế đã được chuẩn bị. Sau khi khám, nếu du khách được cho là có triệu chứng liên quan đến bệnh truyền nhiễm thì sẽ được giới thiệu đến cơ sở y tế gần điểm nhập cảnh để điều trị. Ông Jamaluddin cũng khuyến cáo khách nên tự theo dõi sức khỏe, tuân thủ các quy trình phòng chống dịch tại Malaysia và đi khám nếu không khỏe.
MySejahtera (gần giống như thẻ thông hành Thailand Pass của Thái Lan) là một ứng dụng được thiết lập trong đại dịch, giúp chính phủ truy vết, liên hệ và quản lý các ca nhiễm. Nó cũng có tác dụng như cuốn hộ chiếu vaccine. Khách khi nhập cảnh Malaysia đều phải tải ứng dụng này vào điện thoại và điền cụ thể mọi thông tin cá nhân, lịch trình du lịch, ngày khởi hành, thời gian đến, kê khai loại vaccine đã tiêm...
Cùng với sự phát triển của thị trường nội địa, chính sách tập trung mở cửa biên giới sớm đã giúp Malaysia nhanh chóng đón thêm nhiều du khách quốc tế. Nếu như trong quý đầu năm 2022, tổng số người nước ngoài nhập cảnh vào Malaysia chỉ là 98.053 người thì từ đầu tháng 4 (thời điểm mở cửa biên giới) đến nay, nước này đã đón hơn 2,38 triệu lượt khách du lịch, chủ yếu từ Ấn Độ, Saudi Arabia, Philippines, Thái Lan và Indonesia.
Số liệu này không bao gồm du khách tới Malaysia bằng đường bộ qua biên giới đất liền với Singapore. Người đứng đầu Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa, Nancy Shukri cho biết, nếu tính cả số lượng khách này, đã có hơn 3 triệu lượt khách tới Malaysia trong nửa đầu năm nay. Con số này đã vượt mục tiêu mà ngành du lịch Malaysia đặt ra trước đó là đón khoảng 2 triệu lượt du khách với doanh thu 8,6 tỉ ringgit. “Mục tiêu tiếp theo là 4,5 triệu lượt với doanh thu 11,1 tỉ ringgit và sẽ được xem xét lại vào tháng 9. Chúng tôi lạc quan sẽ đạt được con số cao hơn”, ông Norisyam Odzali, Phó giám đốc Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia tại Việt Nam cho biết.
Từ đầu tháng 5 vừa qua, Malaysia đã miễn kiểm dịch để chào đón những du khách quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ, gồm cả trẻ em từ 17 tuổi trở xuống. Bảo hiểm du lịch cũng không phải là điều kiện tiên quyết đối với người nước ngoài nhập cảnh. Các nhà phân tích dự đoán, 6 tháng cuối năm, khu du lịch giải trí cao nguyên Genting sẽ bùng nổ lượng khách tới tham quan khi nơi đây được hưởng lợi từ việc triển khai các điểm tham quan mới tại công viên giải trí Resorts World Genting.
Giải thích cho việc khách đến Malaysia sau ngày mở cửa khá đông, người đứng đầu Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa, bà Nancy Shukri cho biết: "Mọi người thích đến vì chính sách phòng ngừa dịch bệnh thoải mái, du khách không bị cách ly, không cần làm thêm các xét nghiệm hay bắt buộc mua bảo hiểm chi trả Covid-19. Trước đây, chúng tôi còn cần huy động các tình nguyện viên tại các sân bay để hỗ trợ khách du lịch sử dụng ứng dụng MySejahtera, nhưng giờ cũng không cần thiết nữa". Các nhà hàng, quán bar mở cửa phục vụ khách với khung giờ thoải mái cũng là yếu tố thu hút khách du lịch.
Hiện tại, Bộ trưởng Du lịch quốc gia Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo năng lực để làm sao mỗi người dân địa phương có thể trở thành một “người kể chuyện.” Malaysia đang đề xuất có các chính sách phù hợp khuyến khích người trẻ tuổi ở lại địa phương và tham gia vào ngành du lịch, thay vì dịch chuyển tới các thành phố lớn.