10:26 30/07/2022

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ cấp xác nhận nơi sinh để xuất trình cùng hộ chiếu 

Tường Bách

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng cho biết các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực trao đổi để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc Đức tạm thời không công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam có bìa màu xanh tím than (bắt đầu với chữ “P”)…

Trong thông báo vào ngày 29/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho biết để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ở Đức được làm giấy phép cư trú và các thủ tục hành chính khác với các cơ quan của Đức, Đại sứ quán sẵn sàng cấp xác nhận bằng tiếng Đức về nơi sinh để xuất trình kèm theo hộ chiếu của công dân.

Những người yêu cầu cần có đơn đề nghị và xuất trình giấy tờ chứng minh về nơi sinh như giấy khai sinh hoặc hộ chiếu trước đây. Thông báo mới nhất nhấn mạnh, giấy chứng nhận này được cấp miễn phí.

Trước đó, Đại sứ quán Đức cho biết, dựa trên công hàm gửi cho Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 27/7, Cơ quan Nội vụ Đức tạm thời chưa công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam vì lý do hộ chiếu không ghi nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt nhiều trường hợp trùng họ. Đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được.  

Do đó, công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu theo mẫu mới  không thể nộp hồ sơ xin thị thực. Với những công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu theo mẫu mới và đã được cấp thị thực, phía Đức khuyến nghị không nên đến Đức do có nguy cơ bị từ chối cho nhập cảnh tại biên giới. Về diễn biến tiếp theo, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội lưu ý, theo quyết định tạm thời của các cơ quan chức năng nội địa Đức, quy định trên được áp dụng cho đến khi có thông báo khác. 

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, sở dĩ quyết định của phía Đức có tác động lớn vì bởi lẽ Đức cùng với Pháp và Italy là những cửa ngõ và điểm du lịch chính ở châu Âu hiện nay. “Chúng tôi bị ảnh hưởng trầm trọng vì chính sách bất ngờ từ phía Đức,” ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Vietfoot Travel cho biết. Hiện một số doanh nghiệp lữ hành đã phải hủy toàn bộ các điểm dừng chân tại Đức trong tour, đồng nghĩa với việc đổi vé máy bay, phòng nghỉ và lịch trình mới cho du khách (với người có hộ chiếu bị ảnh hưởng).

Đức cùng với Pháp và Italy là những cửa ngõ và điểm du lịch chính ở châu Âu.
Đức cùng với Pháp và Italy là những cửa ngõ và điểm du lịch chính ở châu Âu.

Theo trang Best Citizenships, nơi sinh (Place of Birth - POB) có lẽ là một trong những thông tin quan trọng nhất trong hộ chiếu ngày nay. POB cùng với DOB (Date of birth - ngày sinh) và các thông tin sinh trắc học (dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm nhận dạng) được dùng để kiểm tra, và phân biệt với những kẻ tình nghi, khủng bố nằm trong danh sách đen của mọi quốc gia. Không có thông tin này, nhiều nước sẽ từ chối chấp nhận thị thực, hoặc thậm chí từ chối nhập cảnh tại biên giới. Nhiều nước không cấp hộ chiếu cho công dân đi lại quốc tế nếu không có thông tin về nơi sinh.

Bên cạnh đó, nơi sinh là thứ không bao giờ thay đổi, bất kể bạn có bao nhiêu cuốn hộ chiếu, cấp bởi các quốc gia khác nhau. DOB cũng tương tự. Chúng là các thông số đi liền với một cá nhân cả đời, và giúp để định danh một người. Do vậy, POB bị thiếu hoặc trống thường được coi là mối đe dọa an ninh ở biên giới. Điều này khiến các cá nhân có thể dễ dàng che giấu danh tính của họ, khiến cơ quan an ninh khó phát hiện. Ví dụ: ông A. có thể sinh ở nước X. nhưng lại là một công dân nước Y. đã nhập quốc tịch, do đó không thể biết rõ "gốc" người này ở đâu.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) là cơ quan đặt ra tiêu chuẩn chung cho hộ chiếu. Dù vậy, theo ICAO, việc có gồm nơi sinh in trên hộ chiếu không lại nằm trong danh mục tùy chọn. Nghĩa là một quốc gia, tổ chức có trách nhiệm cấp hộ chiếu, giấy thông hành cho ai đó, được quyền lựa chọn hoặc bỏ qua việc in nơi sinh. Nhưng họ phải xem xét, cân nhắc mọi nhạy cảm chính trị liên quan.

Nhiều nước không cấp hộ chiếu cho công dân đi lại quốc tế nếu không có thông tin về nơi sinh ((Place of Birth - POB).
Nhiều nước không cấp hộ chiếu cho công dân đi lại quốc tế nếu không có thông tin về nơi sinh ((Place of Birth - POB).

Hiện nay, thông tin nơi sinh không được cho là quá quan trọng trong hệ thống định danh, quản lý công dân tại Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi Nhật Bản hiện tại sở hữu cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới theo dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). Thụy Sĩ cũng không ghi nơi sinh trong hộ chiếu mà chỉ có trường thông tin Quê quán (Place of Origin). Arabia Saudi cũng là một quốc gia nữa không còn ghi thông tin này trên hộ chiếu của mình. 

Một số nước như Canada và Áo thì cho phép công dân lựa chọn việc trên hộ chiếu, giấy thông hành của họ của họ có in nơi sinh hay không để tránh nguy cơ bị phân biệt chủng tộc hoặc quấy rối chính trị. Theo đó, người muốn bỏ thông tin này phải viết đơn yêu cầu và được chấp nhận bởi cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tương đối ít công dân Canada thực hiện yêu cầu này. Còn Chính phủ Canada cũng cảnh báo việc thiếu thông tin này sẽ gây ra nhiều vấn đề như bị từ chối visa, mất thời gian tại cửa khẩu, bị từ chối nhập cảnh tại một số quốc gia...

Trong khi đó, hộ chiếu Mỹ và nhiều quốc gia khác thì vẫn yêu cầu có thông tin về POB vì cho rằng đây là một phần không thể thiếu trong việc nhận dạng danh tính. Nơi sinh cũng giúp phân biệt cá nhân đó với những người trùng tên, ngày tháng năm sinh nhưng khác quốc tịch. Điều này góp phần giúp ngăn chặn việc ai đó đang cố gắng sử dụng danh tính của mình.