12:49 02/12/2022

Không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại

Dũng Hiếu

Giới chuyên gia cảnh báo, các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới sẽ quay trở lại trong mùa đông này, khi tốc độ tiêm phòng chững lại và những biện pháp phòng dịch không còn là quy định bắt buộc ở nhiều nơi...

Cần thúc đẩy kế hoạch ứng phó các đợt bùng phát mới. Ảnh: Trần Hải
Cần thúc đẩy kế hoạch ứng phó các đợt bùng phát mới. Ảnh: Trần Hải

Thực tế này đe dọa gia tăng áp lực lên hệ thống y tế toàn cầu, vốn đã chao đảo do cuộc khủng hoảng nhân lực trầm trọng.

Xu thế thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 ngày càng lan rộng trên khắp thế giới khi các quốc gia nỗ lực đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.

SỐ CA MẮC MỚI COVID-19 ĐANG TĂNG TRỞ LẠI

Ðại dịch Covid-19 dần được kiểm soát nhờ những bước tiến đột phá trong công tác nghiên cứu, phát triển vaccine cùng chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Tuy nhiên, những ngày qua, ở nhiều khu vực trên thế giới lại chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca mắc Covid-19.

Phát biểu trước Quốc hội Pháp ngày 29/11, Thủ tướng Pháp – bà Elisabeth Borne cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại khi trung bình mỗi ngày nước này phát hiện hơn 40.000 ca mắc mới. Thủ tướng Pháp nêu rõ dịch Covid-19 đang bắt đầu tấn công trở lại. Trong vòng 1 tuần, số ca nhập viện đã tăng khoảng 10%, số ca phải chăm sóc đặc biệt tăng 22%. Đáng chú ý, tuần trước ghi nhận tới 400 ca tử vong do mắc Covid-19. Bà Borne nhấn mạnh làn sóng lây nhiễm mới này nhắc nhở rằng virus SARS-CoV-2 vẫn chưa biến mất.

Mới đây nước Ðức mới đây ghi nhận gần 114.200 ca nhiễm mới trong ngày và tỷ lệ mắc bệnh trong bảy ngày có chiều hướng liên tục tăng lên. Bộ Y tế liên bang Ðức cảnh báo, có thể số ca nhiễm thực tế cao gấp ba lần so với con số được công bố. Mỹ mỗi ngày ghi nhận hàng trăm ca tử vong do Covid-19.  Canada, tính đến ngày 3/10, nước này có 5.070 ca mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị, cao hơn gấp hai lần so cùng kỳ năm ngoái.

Tại Italy, Liên đoàn các cơ quan y tế và bệnh viện Italy (FIASO) công bố ngày 30/11, số ca mắc Covid-19 phải nhập viện ở nước này đã tăng 19,5% trong tuần kết thúc ngày 29/11 vừa qua. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện tại Italy tăng ở mức hai con số, sau mức tăng 24% một tuần trước đó. Số bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt cũng tăng 9%.

Các nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, số ca mắc mới Covid-19 đang tăng mạnh trở lại. Tại Trung Quốc, chỉ riêng trong ngày 26/11, Trung Quốc đã ghi nhận gần 40 nghìn ca mắc mới Covid-19. Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.

Tính đến hết 26/11, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng hơn 307 nghìn ca mắc Covid-19.  Trong đó, phần lớn là các ca không triệu chứng. Các vùng dịch lớn tập trung ở các thành phố như Quảng Châu - miền Nam Trung Quốc và thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam. Còn  Hàn, số ca mắc mới Covid-19 tại Hàn Quốc đều duy trì ở mức trên dưới 50 nghìn ca…

MỖI QUỐC GIA CẦN TIẾP CẬN CÁC LÀN SÓNG DỊCH MỚI VỚI TẤT CẢ “KHO VŨ KHÍ”

Thực tế nêu trên đã gióng lên lời nhắc nhở toàn thế giới rằng, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc; vi-rút SARS-CoV-2 đang tồn tại, không ngừng biến đổi và đe dọa gây ra những đợt bùng phát mới vào bất kỳ thời điểm nào. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của Covid-19 có thể làm dịch bệnh trở nên phức tạp, gia tăng trở lại.

Mới đây, giới chức y tế Ấn Ðộ cảnh báo về mối đe dọa từ biến thể Omicron BF.7 khi Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Gujarat phát hiện trường hợp đầu tiên trong nước nhiễm biến thể này. Ngành y tế Singapore cũng đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và tác động của làn sóng lây nhiễm biến thể phụ XBB, còn được biết đến là BA.2.10, tới hệ thống y tế quốc gia.

Hiện nay tâm lý lơ là, chủ quan của một bộ phận người dân cùng các yếu tố như mùa đông lạnh giá đang đến gần, các biện pháp phòng dịch được nới lỏng là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 có thể lây lan mạnh. Mới đây, chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng  Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhận định dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán.

Ở nước ta, đến nay đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%). Tháng 10 cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với tháng trước; 15 ca tử vong, giảm 16 ca. Đáng chú ý, trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, mới nhất là biến thể phụ BA.2.75.

Với tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vaccine, Việt Nam được đánh giá đã kiểm soát được dịch bệnh. Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả rất tích cực, đất nước đạt nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Thế giới đánh giá cao các thành tựu, kết quả của Việt Nam.

Tuy nhiên, "bóng ma" Covid-19 vẫn còn quanh quẩn, nguy cơ dịch có thể bùng phát mạnh trở lại, cùng sự gia tăng của các ca mắc cúm mùa vào mùa đông, có thể đẩy hệ thống y tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam vào khó khăn.  Chưa kể, hội chứng Covid kéo dài với các triệu chứng như khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh, sương mù não khiến nhiều người lao động từng mắc Covid-19 không thể quay trở lại với công việc, dẫn tới lỗ hổng về nhân lực.

Do đó các quốc gia trong đó có Việt Nam vẫn cần thúc đẩy kế hoạch ứng phó các đợt bùng phát mới, đồng thời sẵn sàng ứng phó bất kỳ đại dịch nào khác xuất hiện trong tương lai. Như khuyến cáo của WHO: Mỗi quốc gia vẫn cần tiếp cận các làn sóng mới với tất cả "kho vũ khí" từ trước tới nay như tiêm chủng, xét nghiệm, giãn cách xã hội và khẩu trang.