07:09 18/08/2014

“Không để nợ xấu Vietinbank vượt 3%”

Minh Đức

Tổng giám đốc Vietinbank lý giải các nguyên nhân về diễn biến nợ xấu nửa đầu năm 2014

Ông Lê Đức Thọ: “Trong mọi tình huống Vietinbank sẽ không để nợ xấu vượt quá 
3%. Chúng tôi quyết liệt thực hiện điều này, ngay cả trong năm tới, để 
nợ xấu luôn nằm trong tầm kiểm soát”.
Ông Lê Đức Thọ: “Trong mọi tình huống Vietinbank sẽ không để nợ xấu vượt quá 3%. Chúng tôi quyết liệt thực hiện điều này, ngay cả trong năm tới, để nợ xấu luôn nằm trong tầm kiểm soát”.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2014. Nợ xấu tăng khá mạnh và tín dụng tăng trưởng thấp là hai điểm đáng chú ý trong báo cáo.

Theo báo cáo trên, tổng tài sản của Vietinbank tiếp tục tăng trưởng đáng kể với hơn 10%, đạt 597,63 nghìn tỷ đồng - quy mô lớn nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, tính đến 30/6/2014.

Lợi nhuận trước thuế quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 2.415 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng gần 3.873 tỷ đồng. Theo đó, Vietinbank tiếp tục là ngân hàng thương mại có quy mô lợi nhuận lớn nhất trong hệ thống, xét về giá trị tuyệt đối.

Khá bất ngờ với số liệu gợi mở từ đại hội đồng cổ đông của ngân hàng này vừa diễn ra tháng trước, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng theo báo cáo tài chính lại ở mức rất thấp, chỉ 0,45%.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, cho biết, mức tăng trưởng trên được tính từ hoạt động cho vay trực tiếp đối với khách hàng. Còn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các khoản bảo lãnh, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng được xem là tín dụng.

Theo đó, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bao gồm cả những khoản trên của Vietinbank 6 tháng đầu năm nay tăng 2,8%, đến cuối tháng 7 tiếp tục tăng lên 3,8%.

Số liệu trên cũng liên quan đến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này - một điểm đáng chú ý trong kỳ kinh doanh nửa đầu năm nay.

Cuối năm 2013, Vietinbank là ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống, chỉ 0,82%. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất tính đến 30/6/2014, tỷ lệ này đã tăng mạnh lên 2,53%.

Ông Lê Đức Thọ cho biết, nếu tính theo tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (với mức tăng trưởng 2,8% chứ không phải 0,45% nói trên) thì tỷ lệ nợ xấu thấp hơn, ở mức 2,05%.

Dù vậy, Tổng giám đốc Vietinbank nhìn nhận diễn biến tăng nợ xấu trong nửa đầu năm nay là đáng chú ý, gắn với ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, nền kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi mà thậm chí xấu đi, ảnh hưởng đến năng lực trả nợ cho ngân hàng.

Thứ hai, Thông tư 09 về phân loại nợ và trích lập dự phòng (chặt chẽ và sát thực hơn) dù mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2014 nhưng đã tác động đến số liệu, là một nguyên nhân chính khiến nợ xấu của Vietinbank và nhiều ngân hàng khác nói chung tăng lên.

Thứ ba, cũng từ bối cảnh của nền kinh tế, thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục rõ ràng, việc xử lý nợ xấu bằng các tài sản đảm bảo là bất động sản gặp khó khăn.

Trong ba nguyên nhân trên, ông Thọ nhìn nhận, việc áp dụng Thông tư 09 là cần thiết để các ngân hàng minh bạch hơn, việc xác định nợ xấu chặt chẽ và sát thực hơn. Và đây cũng là áp lực chung đối với các ngân hàng từ nay đến cuối năm và trong năm tới (khi Thông tư 09 có hiệu lực đầy đủ).

“Tuy nhiên, trong mọi tình huống, Vietinbank sẽ không để nợ xấu vượt quá 3%. Chúng tôi quyết liệt thực hiện điều này, ngay cả trong năm tới, để nợ xấu luôn nằm trong tầm kiểm soát”, ông Lê Đức Thọ nói với VnEconomy.

Hướng xử lý nợ xấu mà Tổng giám đốc Vietinbank đưa ra là tăng cường hỗ trợ, hợp tác tư vấn với doanh nghiệp để cùng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền trả nợ; đẩy mạnh xử lý, bán lại các tài sản đảm bảo để thu hồi vốn; thực hiện cơ cấu lại nợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời nhưng vẫn có phương án kinh doanh tốt; tiếp tục bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), dù Vietinbank không nằm trong diện bắt buộc phải bán lại (nợ xấu dưới 3%).