“Không để thủ tục hành chính cay nghiệt hành dân”
Bằng kỹ sư, cử nhân kinh tế… có giá trị suốt đời, sao bắt riêng nghề dược phải 5 năm một lần?
“Phải làm sao đảm bảo để mọi người được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, không để những thủ tục hành chính cay nghiệt “hành” dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dược (sửa đổi), sáng 23/2.
Chứng chỉ và hai phương án
Liên quan đến chứng chỉ hành nghề dược, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra dự án luật - cho biết qua thảo luận tại kỳ họp thứ 10 cùa Quốc hội, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo luật là cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần, kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn, và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm, khi mà cải cách hành chính có tiến bộ.
Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề dược 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.
Do còn hai loại ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban đề nghị trình ra Quốc hội hai phương án: phương án cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần. Sau đó, luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số đại biểu Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì dược là một nghề, không phải chức vụ, quy định 5 năm một lần cấp lại chứng chỉ hành nghề chỉ làm phát sinh rắc rối phiền hà, thậm chí tạo điều kiện cho tiêu cực.
“Tôi đề nghị chỉ cấp chứng chỉ hành nghề một lần, trong quá trình hoạt động có vi phạm thì xử lý nghiêm”, ông Hiện nói.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Bằng kỹ sư, cử nhân kinh tế… có giá trị suốt đời, sao bắt riêng nghề dược phải 5 năm một lần?
“Vấn đề là nhà thuốc phải đáp ứng tiêu chuẩn và thường xuyên được kiểm tra, nhất là không để xảy ra tình trạng cho thuê bằng. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì rút giấy phép kinh doanh. Phải làm sao đảm bảo để mọi người được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, đừng để những thủ tục hành chính cay nghiệt “hành” dân”, ông lưu ý.
Hài hoà lợi ích
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với việc dự thảo luật quy định về sản xuất thuốc trong nước tại luật này, theo hướng làm rõ trách nhiệm của các bộ Công Thương, Y tế, “làm sao để người Việt được sử dụng những loại thuốc tốt nhất từ những dược liệu tốt nhất của Việt Nam”.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý thêm, tuy ưu tiên sử dụng thuốc nội, nhưng cũng cần hài hòa giữa lợi ích của nhà sản xuất với người tiêu dùng. “Đưa ra yêu cầu đảm bảo về số lượng, chất lượng thuốc rồi, nhưng còn giá thành sản xuất trong nước cũng phải có quy định để người tiêu dùng không phải chịu giá cao”, ông nói.
Về chứng chỉ hành nghề dược, ông Lưu băn khoăn: “Chứng chỉ hành nghề dược khác với bằng tốt nghiệp; không nhất thiết có giá trị vĩnh viễn như bằng đại học. Cần phân tích rõ hơn để quyết định cấp có thời hạn hay không”.
Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu, trình Quốc hội cả hai phương án: cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và chỉ cấp một lần để Quốc hội xem xét, quyết định.