13:09 06/05/2012

Không đủ tín nhiệm tại Quốc hội: Mấy lần thì từ chức?

Nguyên Thảo

Việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, ông Phan Trung Lý cho rằng phải làm rõ thêm tại sao hai lần không đủ phiếu tín nhiệm mới bãi nhiệm, nếu một lần không đủ mà lần sau mới xem xét bãi nhiệm thì vô lý- Ảnh: NH.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, ông Phan Trung Lý cho rằng phải làm rõ thêm tại sao hai lần không đủ phiếu tín nhiệm mới bãi nhiệm, nếu một lần không đủ mà lần sau mới xem xét bãi nhiệm thì vô lý- Ảnh: NH.
Cứ thêm một lần thảo luận lại có thêm băn khoăn xung quanh việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Xuất hiện tại đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng Ba vừa qua, đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm lập tức gây được sự chú ý của của cả cử tri và đại biểu Quốc hội. Dù, Hiến pháp,  Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát đã có quy định về việc này.

Tại phiên họp đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm là theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Theo đó, hằng năm tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó cho rằng, quy định các chức danh bỏ phiếu như vậy là quá rộng, và quy trình bỏ phiếu tín nhiệm cần được cân nhắc cẩn trọng.

Sau đó, ở hội nghị trực tuyến ngày 27/4 với 63 đoàn đại biểu Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm tiếp tục là vấn đề được thảo luận sôi nổi với các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết, song còn không ít băn khoăn về cách thức tổ chức thực hiện, vì thực tế đây là vấn đề không mới, nhưng vướng về quy trình cho nên đến tận bây giờ vẫn chưa thực hiện được.

Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm từ chức danh tương đương bộ trưởng trở lên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc bỏ phiếu nên bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ, vì năm đầu tiên rất khó đánh giá, trong điều kiện những vị được bỏ phiếu không công bố chương trình hành động khi được bầu.

Đại biểu Nga cũng băn khoăn về hậu quả pháp lý khi quy định là 2 năm liên tiếp mà không được quá bán thì miễn nhiệm. "Quãng thời gian của một bộ trưởng là 5 năm thì nên chăng những năm đầu bỏ phiếu cũng là một hình thức để nhắc nhở ông bộ trưởng này phải kiện toàn, phải tăng cường chỉ đạo điều hành như thế nào đó trong bộ để chấn chỉnh công việc tốt hơn. Theo tôi những năm đầu như thế chưa nên nghĩ đến hình thức miễn nhiệm ngay", bà Nga đề nghị.

Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cũng đưa ra câu hỏi là chức danh mà hai lần bỏ phiếu liên tiếp không đủ tín nhiệm của 50% đại biểu Quốc hội thì sẽ được miễn nhiệm hoặc từ chức lúc nào?

Đặt tình huống nếu như người được bỏ phiếu đạt phiếu quá thấp, như một bộ trưởng chỉ được 20% số phiếu ngay năm đầu thì giải quyết như thế nào? đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng nếu thế cũng nên từ chức hoặc có cơ chế nào để thôi không đảm nhiệm chức vụ nữa.

Theo ông, tình huống này cần phải được tính toán trong quá trình chuẩn bị nếu không việc triển khai sẽ lúng túng hoặc không thực hiện được. Mà nếu chỉ đạt 20% vẫn để làm bộ trưởng thì cũng không đảm bảo các điều kiện về uy tín hoặc các điều kiện khác để thực hiện tốt được các nhiệm vụ mà Quốc hội giao.

Không có gì cụ thể hơn, bản dự thảo mới nhất của đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng 5/5 vẫn nêu lại quy định "người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức".

Còn quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, ông Phan Trung Lý cho rằng phải làm rõ thêm tại sao hai lần không đủ phiếu tín nhiệm mới bãi nhiệm, nếu một lần không đủ mà lần sau mới xem xét bãi nhiệm thì vô lý.

Ông Lý cũng nhấn mạnh quy định tại luật hiện hành, trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm không được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai lại cho rằng, cho dù có hai lần không đủ số phiếu tín nhiệm thì cũng "khoan hãy nói từ chức".

Không đơn giản cứ hai lần không quá bán là nói đến từ chức, vì nếu có lý do khách quan thì sao? Mình chưa có kinh nghiệm thực tiễn vấn đề này nên phải thận trọng, bà Mai phát biểu.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng khoan hãy tính đến việc hai hay ba lần không quá bán thì miễn nhiệm hay từ chức, mà mong muốn là tất cả các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều đưa ra bỏ phiếu, còn quy trình cụ thể thì sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định rồi mới tiến hành.