Không gian sum họp đầy ánh sáng tại Đồng Nai
Niềm vui sum họp, phương thức tương tác trực tiếp giữa con cái với cha mẹ, sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình… chính là nguồn cảm hứng để các kiến trúc sư thiết kế nên dự án có tên là The Gather House này…
Con người ngày càng xa rời thực tế và chọn cách giao tiếp khác bằng thiết bị kỹ thuật số, điện thoại thông minh, máy tính bảng… Các thành viên trong gia đình sống chung dưới một mái nhà nhưng lại ít nhìn thấy nhau, ít nghe những câu chuyện của nhau hơn là xem những bức ảnh và đọc các dòng status trên mạng xã hội. Liệu có cách nào để tất cả chúng ta có thể kết nối, giao tiếp và cảm thấy hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình, đặc biệt là một ngôi nhà giữa đô thị?
Đây là một ngôi nhà ở thị trấn Trảng Bom, huyện Đồng Nai, là tổ ấm của một gia đình năm người gồm cha mẹ và 3 đứa con. Gia đình theo đạo Thiên Chúa và ngôi nhà ngay gần một nhà thờ Công giáo của địa phương. Nằm trên diện tích đất 260m2, nhóm KTS Story Architecture đã thiết kế một không gian dựa trên ý tưởng tối ưu cách thức giao tiếp giữa bố mẹ và con cái, giúp quá trình tương tác của họ diễn ra thường xuyên và tự nhiên hơn.
Tầng trệt phía trước là khu để xe có mái che làm bằng lam để có sự thông thoáng và không chắn tầm nhìn của các không gian bên trong. Bên trong gồm phòng khách, bếp, phòng ăn, phòng ngủ bố mẹ, phòng làm việc. Phòng bếp và bàn ăn được thiết kế liền mạch và nằm ngay dưới khoảng thông tầng rộng thoáng, đây cũng là không gian rất thích hợp để cả gia đình quây quần cùng những vị khách ghé chơi.
Phương án này kết hợp với khoảng thông tầng, tạo ra không gian cao thoáng cho toàn bộ ngôi nhà và giúp gia chủ cảm thấy dễ chịu, thư thái. Lên đến tầng 2 là không gian dành cho các con gồm 3 phòng ngủ, các phòng ngủ này hướng ra sảnh và hành lang chung, khu vực mà lũ trẻ có thể giao lưu, kết nối thường xuyên.
Không gian chiếu nghỉ cầu thang được thiết kế rộng để kết hợp làm nơi đọc sách, hành lang rộng còn kết hợp quầy bar để cả nhà cùng nhau thư giãn. Từ sảnh, hành lang, cầu thang tầng 2, 3 có thể quan sát và liên thông khu vực bếp ăn, phòng khách nhờ khoảng giếng trời, nhờ đó các bé có thể xem mẹ nấu ăn, và cảm nhận hương vị món ăn. Khu vực tầng 3 phía trước là nơi tĩnh tâm cầu nguyện của gia đình với cửa sổ nhìn ra nhà thờ và sân thượng trồng cây xanh, đầy thư giãn.
Đặc biệt, các không gian xanh thoáng đãng trong nhà sẽ giúp gia chủ sống chậm lại, thêm cảm giác tĩnh tại mỗi khi trở về nhà. Với những mảng xanh quấn quýt dọc theo hành lang và cầu thang, nhóm kiến trúc sư đặt yếu tố liên kết giữa con người với thiên nhiên và giữa các thành viên trong gia đình lên hàng đầu. Các khoảng mở trong nhà ở cũng giúp làm dịu không khí, nhiệt độ vào những ngày trời oi bức. Một cánh cửa nhỏ mở ra lối đi dọc nhà, kết hợp với giếng trời cuối nhà, giúp phân phối và luân chuyển khí tươi hiệu quả.
Phía sau là không gian dự kiến phát triển thành phòng trưng bày kỷ vật gia đình, không gian phơi đồ. Không gian mái ở giữa nhà được làm bằng những thanh bê tông kết hợp với mái kính giúp lấy ánh sáng tự nhiên, và với tinh thần của một gia đình Công giáo khi Chúa tạo ra thế giới này, ngày đầu tiên đã tạo ra ánh sáng. Vì vậy, ánh sáng tự nhiên rất quan trọng, việc cắt nhiều ô cửa ở các vị trí khác nhau kết hợp với mái kính ở giữa nhà tạo nhiều tia sáng xen kẽ trên tường giúp không gian trở nên thú vị.
Để tạo ra cảm giác nhẹ nhàng cho ngôi nhà, các kiến trúc sư đã lấy tông màu trắng làm chủ đạo, phối thêm màu xám và màu gỗ làm cho ngôi nhà trở nên thanh thoát hơn. Các cửa sổ mái và mặt tiền có thiết kế hình chóp để phù hợp với hình dạng của nhà thờ gần đó, tạo nên một tổng thể hài hòa về ngoại thất, trong khi nội thất được thiết kế đơn giản và dễ hiểu. Lấy ánh sáng tự nhiên làm điểm nhấn, để tự ánh sáng ấy thay đổi hàng giờ, tạo nên tính thẩm mỹ riêng không gây nhàm chán.