15:37 06/01/2020

Không kích tướng Iran, quyết định mạo hiểm và quyết đoán của ông Trump

Kiều Oanh

Một thông điệp của ông Trump từ vụ không kích khiến tướng Iran thiệt mạng: Mỹ sẽ tìm ra được kẻ thù ở bất kỳ đâu trên thế giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty/CNBC.

Giữa lúc đang thưởng thức kỳ nghỉ Giáng sinh và đón năm mới hàng năm ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống Donald Trump bất ngờ triệu tập một cuộc họp với các cố vấn an ninh cấp cao nhất của ông.

Trước đó ít hôm, một cuộc tấn công bằng tên lửa do một nhóm du kích được Iran hậu thuẫn đã nhằm vào một căn cứ của Mỹ ở Iraq, khiến một nhà thầu người Mỹ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Theo hãng tin CNBC, trong cuộc họp nói trên, các cố vấn của ông Trump đưa ra cho ông chủ Nhà Trắng một vài lựa chọn để đáp trả vụ tấn công này. Trong đó, biện pháp mạnh nhất là tiêu diệt tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu của đơn vị đặc nhiệm Quds Force thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và là nhân vật được cho đứng sau cái chết của hàng trăm binh sỹ Mỹ ở Trung Đông những năm qua.

Một quyết định từng bị né tránh

Ngay từ đầu, ông Trump muốn phương án nhằm vào ông Soleimani. Đây là một quyết định mà các Tổng thống tiền nhiệm của Mỹ đã tránh đưa ra, đồng thời cũng là một quyết định có khả năng thổi bùng căng thẳng vốn dĩ đã "nóng" giữa Washington với Tehran.

Bởi vậy, trong vài ngày sau đó, ông Trump cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mark Esper, và cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien đã bàn thêm về các lựa chọn khác, bao gồm đánh bom căn cứ của nhóm du kích gây ra vụ tấn công khiến nhà thầu Mỹ thiệt mạng.

Mặc dù vậy, ông Trump vẫn tập trung vào phương án tiêu diệt tướng Soleimani, và điều này khiến các cố vấn cấp cao của ông ngạc nhiên bởi ông Trump từ trước đến nay vốn không muốn gia tăng sự dính líu quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Và đến ngày thứ Năm tuần trước, giới chức Mỹ tin rằng họ có đủ thông tin tình báo cho thấy ông Soleimani đang âm mưu tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu Mỹ. Ngay lập tức, ông Trump chốt lựa chọn tấn công vị tướng này.

Đây không phải là lần đầu tiên khu nghỉ dưỡng sang trong Mar-a-Lago của ông Trump trở thành nơi chứng kiến một quyết định quan trọng về vấn đề an ninh quốc gia Mỹ.

Hồi tháng 2/2017, cũng tại khu nghỉ dưỡng này, ông Trump đã đưa ra phản ứng với một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên. Hai tháng sau đó, từ Mar-a-Lago, ông Trump ra lệnh không kích Syria trong lúc đang có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cuộc tấn công khiến nhà thầu Mỹ thiệt mạng đã phủ bóng lên kỳ nghỉ vừa rồi của ông Trump. Khi được một nhà báo hỏi về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ với Iran, ông Trump - trong bộ lễ phục tuxedo - nói rằng ông muốn "có hòa bình".

"Và Iran nên muốn có hòa bình hơn bất kỳ ai khác", ông Trump nói. "Bởi vậy tôi không cho là chiến tranh sẽ xảy ra. Tôi không nghĩ là Iran muốn chiến tranh xảy ra. Việc này sẽ trôi qua nhanh thôi", ông Trump nói hôm thứ Sáu, chưa đầy một ngày sau khi tướng Soleimani thiệt mạng.

Lời cảnh báo của ông Trump

Ông Trump không hề hé lộ bất kỳ chi tiết nào về việc ông đã đi đến quyết định không kích vị tướng Iran ra sao. Tuy nhiên, câu chuyện đã được thuật lại với CNBC bởi nhiều quan chức và cố vấn Nhà Trắng, những người đều đề nghị không tiết lộ danh tính.

1

Tướng Qassem Soleimani của Iran - Ảnh: Anadolu/CNBC.

Quay trở lại với quyết định tiêu diệt tướng Soleimani mà ông Trump đưa ra, sau khi Tổng thống đã chốt phương án này, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ bắt đầu bàn về việc sẽ thực hiện cuộc tấn công ở đâu.

Hầu hết các quan chức không muốn thực hiện cuộc tấn công ở Iraq, xét tới việc lính Mỹ đang hiện diện ở nước này và tình hình trên mặt đất vốn dĩ đã căng thẳng. Một số cho rằng nên thực hiện cuộc tấn công khi ông Soleimani tới Lebanon hoặc Syria. Nhưng rồi họ được biết vị tướng Iran sẽ tới Baghdad vào ngày 2/1, và việc tấn công ông này ở sân bay là cơ hội tốt nhất.

Giới chức Mỹ cũng tin rằng họ có căn cứ hợp pháp cho kế hoạch này, là các thông tin tình báo đáng tin cậy nói rằng ông Soleimani đi tới các quốc gia Trung Đông để hoàn tất kế hoạch tấn công vào các mục tiêu là giới ngoại giao, binh sỹ và các cơ sở của Mỹ ở Iraq, Lebanon và Syria.

Cuối cùng, lệnh tấn công cuối cùng được ông Trump đưa ra nhanh đến nỗi, ở thời điểm chỉ còn vài giờ nữa là cuộc không kích được tiến hành tại sân bay quốc tế ở Baghdad vào buổi sớm ngày thứ Sáu theo giờ Iraq, các kế hoạch dự phòng trong trường hợp Iran trả đũa vẫn còn đang được hoàn tất. Ê-kíp truyền thông của Nhà Trắng thậm chí không được báo trước về cuộc tấn công, khiến họ khá bất ngờ và lúng túng khi tin về cuộc không kích được lan truyền.

Ông Trump nói với một người thân tín của ông sau vụ tấn công rằng ông muốn gửi đi một lời cảnh báo tới Iran, rằng nước này không nên "đùa" với các tài sản Mỹ. Ông cũng nói ông muốn chứng tỏ sức mạnh của nước Mỹ trên toàn cầu và khẳng định lại thông điệp mà ông tin là minh đã gửi đi vào năm ngoái khi phê chuẩn cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS): nước Mỹ sẽ tìm ra được kẻ thù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Tuy vậy, giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng việc tiêu diệt tướng Soleimani đặt ra nguy cơ lớn về sự trả đũa của Iran. Sau vụ tấn công, Bộ Quốc phòng Mỹ đã vội điều thêm gần 3.000 bộ binh tới Trung Đông.

Trong bài phát biểu toàn quốc vào ngày thứ Sáu sau cái chết của vị tướng Iran, ông Trump nói rằng việc vị tướng này "dùng nỗi sợ hãi để chế ngự" đã không còn nữa. "Chúng tôi hành động vào đêm qua để ngăn chặn một cuộc chiến tranh. Chúng tôi không hành động để gây chiến", ông nói.