10:36 19/06/2008

“Không kinh doanh bất động sản, chúng tôi đã phá sản”

Anh Quân

Việc Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) bị xem là đang gặp rủi ro lớn về tài chính đã khiến nhiều người giật mình

Phối cảnh dự án đường trục phía Tây tỉnh Hà Tây.
Phối cảnh dự án đường trục phía Tây tỉnh Hà Tây.
Việc Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) bị xem là đang gặp rủi ro lớn về tài chính đã khiến nhiều người giật mình.

Liệu đầu tư vào kinh doanh bất động sản có phải là nguyên nhân của sự việc này? Trao đổi thẳng thắn với VnEconomy, ông Thân Đức Nam, Tổng giám đốc Cienco 5 nhìn nhận hệ số nợ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là cao, nhưng cho rằng tình hình tài chính Cienco 5 vẫn lành mạnh

Ông Nam nói:

- Vừa rồi, một số cơ quan thông tin đại chúng dẫn nguồn của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước có đưa ra quan điểm rằng Cienco 5 có hệ số nợ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 42, vì vậy sẽ gặp rủi ro về tài chính.

Nhưng cũng cần phải hiểu, vốn vay lớn là đặc thù của kinh doanh bất động sản.

Trong những năm từ 2006 trở lại đây, Cienco 5 đã thực hiện nhiều dự án kinh doanh bất động sản quy mô lớn. Do điều kiện phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp còn hạn chế, ngoài phần vốn vay từ các ngân hàng thương mại, chúng tôi đã phải huy động thêm từ những tổ chức, các nhân có nhu cầu nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ chung cư, và vốn góp từ các nhà đầu tư thứ cấp để đưa vào triển khai dự án.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ và nội dung báo cáo quyết toán tài chính doanh nghiệp, thì các khoản thu từ việc huy động nguồn vốn kinh doanh như vậy không được tính vào phần vốn chủ sở hữu mà phải tính là khoản nợ phải trả, khi chưa đủ điều kiện ghi nhận là doanh thu hay kết quả sản xuất kinh doanh.

Trên thực tế, đây chính là doanh thu “treo” và một phần là lợi nhuận của doanh nghiệp sau này, khi đã hoàn thành dự án và bàn giao cho chủ sở hữu chính thức của bất động sản.

Với nhiều dự án bất động sản lớn, trải rộng trên phạm vi cả nước, đến cuối năm 2007, khoản vốn huy động và chưa hạch toán của Cienco 5 là rất lớn, lên đến 1.302 tỷ đồng, lớn hơn so với khoản vay từ các ngân hàng thương mại là 1.038 tỷ đồng.

Mới đây, chúng tôi đã có báo cáo Bộ Tài chính về việc này. Con số mà chúng tôi tính toán đưa ra là hệ số nợ vốn vay trên vốn chủ sở hữu chỉ 8,17 lần. Bộ cũng đã có văn bản trả lời ngày 16/6, nói rõ rằng: “Bộ Tài chính ghi nhận tình hình tài chính của Tổng công ty.”

Như vậy, có thể cho rằng tình hình tài chính đơn vị vẫn lành mạnh. Cienco 5 không bị áp lực với các khoản nợ phải trả.

Song rõ ràng, hệ số 8,17 lần vẫn là quá cao?


Với những doanh nghiệp sản xuất hay kinh doanh dịch vụ thì đây quả là hệ số cao. Tuy nhiên, với doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, tình hình không hẳn như vậy. Việc Cienco 5 đầu tư nhiều dự án quy mô lớn thì đương nhiên phải vay lượng vốn lớn.

Ngoài phần vốn chủ sở hữu, còn có thể tính thêm triển vọng hiệu quả các dự án đang triển khai và uy tín của thương hiệu Cienco 5, một nhân tố có vai trò lớn trong xúc tiến các dự án bất động sản mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được.

Tôi cho rằng nếu tính hết giá trị các nguồn lực thuộc quyền quản lý, sở hữu của Cienco 5, con số sẽ thấp hơn nữa.

Còn về rủi ro đối với các khoản vay, khi lập và trình phương án vay vốn đến các tổ chức tín dụng, các dự án của chúng tôi luôn được đánh giá là đủ khả năng trả nợ vốn vay. Chưa có dự án nào bị từ chối cho vay từ phía các ngân hàng.

Tất cả các khoản vay đều có thế chấp đảm bảo và được sử dụng đúng mục đích như đầu tư vào hạ tầng, xây dựng công trình nhà ở... làm gia tăng giá trị cho các diện tích đất trong dự án. Nhiều dự án kinh doanh địa ốc có hiệu quả kinh tế cao khiến Cienco 5 không gặp phải khó khăn nào trong việc trả nợ vốn vay.

Nhưng Cienco 5 đã đầu tư “mạnh tay” vào những lĩnh vực ngoài ngành nghề được giao...


Tôi có thể khẳng định kinh doanh bất động sản là cứu cánh của doanh nghiệp chúng tôi.

Ngay mới đây thôi, cuối năm 2004, Cienco 5 tưởng như sẽ phải tuyên bố phá sản. Giá nguyên liệu cùng với chi phí đầu vào tăng cao, điều chỉnh giá trị thanh toán không theo kịp thực tế khiến cho chi phí thi công vượt cả giá trúng thầu. Nhiều dự án chịu lỗ nặng.

Cộng thêm vấn đề cố hữu trong xây dựng cơ bản là thanh toán chậm, trong khi lạm phát tăng cao khiến lợi nhuận thu về thấp. Lúc đó, Cienco 5 đã rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ vốn vay.

Trong tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty mở rộng sang đầu tư kinh doanh bất động sản, một lĩnh vực gần gũi và Cienco 5 cũng có đủ khả năng đảm nhận.

Chỉ sau vài năm kinh doanh hiệu quả, Cienco 5 đã thoát khỏi tình trạng tài chính yếu kém, thiếu khả năng thành khoản vốn vay. Hàng trăm tỷ đồng đã được thanh toán, dư nợ vay ngân hàng giảm đáng kể. Cơ cấu nợ hiện nay chủ yếu là đầu tư vào kinh doanh địa ốc có tài sản đảm bảo.

Hiện kinh doanh bất động sản được cho là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thưa ông?


Tham gia vào mọi lĩnh vực, doanh nghiệp chỉ có thể giảm thiểu rủi ro chứ không tránh được hoàn toàn. Nếu cứ cố tránh bằng được rủi ro, doanh nghiệp sẽ chỉ còn biết tự bó mình mà chẳng làm ăn được gì.

Nếu không đi vào kinh doanh bất động sản, Cienco 5 đã phá sản từ 3 năm trước.

Với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế đất nước, vào đời sống của người dân.

Chúng tôi cho rằng khi thị trường vẫn còn đang thiếu nguồn cung như hiện nay, cơ hội “làm ăn” cho doanh nghiệp vẫn còn. Thị trường bất động sản có thể đóng băng trong một thời gian, nhưng sẽ hồi phục khi nền kinh tế ổn định trở lại.

Khi tham gia vào lĩnh vực này, chúng tôi đạt được nhiều mục tiêu. Đối với người lao động trong doanh nghiệp, đời sống được đảm bảo hơn. Với xã hội có thêm nhiều công trình nhà ở, khu đô thị, trung tâm thương mại văn minh, hiện đại hơn. Người dân cũng được thoả mãn nhu cầu về nhà ở.

Nhưng điều này sẽ khiến lĩnh vực hoạt động chính của Cienco 5 là thi công các công trình giao thông bị ảnh hưởng?


Tôi không cho là như vậy.

Cần phải khẳng định rằng thi công các công trình giao thông không phải là lĩnh vực Nhà nước chủ trương độc quyền. Có hàng ngàn đơn vị cả quốc doanh và tư nhân tham gia vào lĩnh vực này và tình trạng thiếu dự án luôn làm đau đầu nhiều doanh nghiệp.

Tuy mở rộng kinh doanh đa ngành nghề, nhưng Cienco 5 vẫn luôn giữ vị trí dẫn đầu, vai trò chủ lực trong ngành giao thông, tham gia vào hầu hết các dự án hạ tầng lớn của đất nước như dự án cầu Rạch Miễu hơn 104 tỷ đồng, dự án đường Hồ Chí Minh trị giá gần 200 tỷ đồng, dự án cao tốc Sài Gòn - Trung Lương trị giá khoảng 600 tỷ đồng và gần đây là dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khoảng 700 tỷ đồng...

Với việc kinh doanh đa ngành nghề nhưng có sự gần gũi với ngành nghề chính, chúng tôi có được nhiều thuận lợi hơn. Từ nguồn lợi nhuận do kinh doanh địa ốc đem lại, nhiều đơn vị đã đủ năng lực tài chính đầu tư trở lại cho giao thông, tham gia đầu tư các dự án cầu, đường, đầu thầu theo hình thức BOT, BT, góp phần xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đất nước.

Hồi cuối tháng 4 năm nay, Cienco 5 đã khởi công dự án đường trục phía Tây tỉnh Hà Tây và các khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, Mỹ Hưng - Cienco 5 với tổng mức đầu tư lên đến gần 13.000 tỷ đồng. Phần kinh phí làm đường trên 6.200 tỷ đồng hoàn toàn do Cienco 5 chịu trách nhiệm đầu tư.

Để bù đắp cho Cienco 5, Nhà nước căn cứ phần vốn Tổng công ty đầu tư vào dự án để khấu trừ vào thuế sử dụng đất của các dự án bất động sản nói trên.

Đây là mô hình đầu tư mới trong thời điểm cắt giảm đầu tư công hiện nay, làm giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước mà vẫn đảm bảo thực hiện được các công trình hạ tầng phục vụ mục đích kinh tế và dân sinh.