11:41 09/06/2009

Không nên duy trì việc giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo

Thúy Nhung

Giao chỉ tiêu trong xuất khẩu gạo không chỉ thể hiện lối tư duy cũ mà còn gây thiệt hại không nhỏ đối với bà con nông dân

Với cách giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo như hiện nay không chỉ doanh nghiệp mà người trồng lúa cũng gặp nhiều khó khăn.
Với cách giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo như hiện nay không chỉ doanh nghiệp mà người trồng lúa cũng gặp nhiều khó khăn.
Giao chỉ tiêu trong xuất khẩu gạo không chỉ thể hiện lối tư duy cũ mà còn gây thiệt hại không nhỏ đối với bà con nông dân.

PGS. TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) đã nhìn nhận như vậy khi trao đổi với Vneconomy xung quanh cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay ở nước ta.

Ông Nam nói:

- Nguyên nhân sâu xa của việc các cơ quan chức năng quản lý “chặt” đối với việc xuất khẩu gạo hơn so với những mặt hàng khác là do trước đây nước ta đã từng bị thiếu đói. Sau này xuất khẩu được gạo nhưng giá lại thấp.

Trước đây, hoạt động xuất khẩu gạo từng được giao toàn bộ cho hai tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam. Với cơ chế đó, giá xuất khẩu gạo của nước ta hoàn toàn do hai tổng công ty trên quyết định. Điều này một thời đã gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể vào cuối năm 1996, khi giá gạo trên thế giới ở mức khá cao nhưng do sự độc quyền về xuất khẩu, các tổng công ty này đã đưa ra giá thu mua rất thấp, lại không căn cứ vào tình hình sản xuất lúa gạo thực tế tại các địa phương nên đã làm cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Năm 1997, theo kiến nghị là 70% hạn ngạch xuất khẩu gạo nên được giao cho các tỉnh có sản lượng lúa lớn, 30% còn lại là của hai tổng công ty. Nhưng trên thực tế, hai tổng công ty này vẫn được giao tới 70% hạn ngạch  xuất khẩu.

Mãi đến năm 2001, 2002 khi hạn ngạch xuất khẩu gạo về cơ bản đã được xoá bỏ, thay vào đó là việc định hướng, tính độc quyền trong hoạt động xuất khẩu gạo mới được giảm dần.

Theo ông, giao việc điều hành xuất khẩu gạo cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có phải là điều phù hợp?

Xuất phát từ thực tế Chính phủ muốn nắm bắt được thời điểm nào nên xuất khẩu gạo và xuất bao nhiêu, do vậy đã giao việc này cho Hiệp hội thực hiện.

Trước đó, ở nước ta đã từng có hiện tượng các doanh nghiệp tranh bán khiến cho mức giá được đưa ra khi đấu thầu hay chào hàng với đối tác nhiều khi ở  mức rất thấp.

Khi bắt đầu có đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp lại tranh mua, điều này đã gây rối loạn về giá cả tại thị trường trong nước. Nếu trong một trường kinh doanh lành mạnh những doanh nghiệp nhỏ làm ăn kiểu đó đã bị các doanh nghiệp lớn “đo ván”.

Nhưng trên thực tế, Hiệp hội lại “lấn sân”, làm sai chức năng của mình. Hiệp hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nên chỉ có quyền khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thế nào, thời điểm nào nên xuất khẩu là có lợi nhất.

Hiệp hội chỉ được ra quyết định khi doanh nghiệp nào đó trong quá trình sản xuất đã vi phạm quy trình dẫn tới làm ảnh hưởng tới chất lượng, giá trị chung của hạt gạo Việt Nam, chứ không được can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

Còn đối với các doanh nghiệp có sai phạm khác, Hiệp hội cần phải có công văn gửi các công quan chức năng để có biện pháp xử lý. Bản thân Hiệp hội  không được quyền giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp.

Vậy việc điều hành hoạt động xuất khẩu gạo nên giao cho cơ quan nào đảm trách, thưa ông?

Cả Chính phủ và Hiệp hội đều không nên giao chỉ tiêu xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Đó là cách làm của thời kế hoạch tập trung bao cấp hiện nay đã không còn phù hợp. Cách điều hành này sẽ khiến cho nhiều khi mục tiêu không đạt được mà người nông dân còn phải gánh chịu thiệt thòi.  

Chính phủ chỉ cần định hướng như hiện nay. Các doanh nghiệp sẽ chủ động  trong việc thực hiện, nhưng phải có hệ thống theo dõi để đưa ra những cảnh báo cho doanh nghiệp. Khi sắp đạt “ngưỡng” định hướng, các doanh  nghiệp chỉ nên ký những hợp đồng có giá trị cao, nhưng nếu sản lượng còn nhiều, giá cả hợp lý thì nên khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm thêm khách hàng để thúc đẩy xuất khẩu.  

Trên thực tế, sản lượng thu hoạch và lượng xuất khẩu không tăng cùng chiều với nhau vì có những năm sản lượng thấp nhưng xuất khẩu vẫn tăng cao do lượng dự trữ được mang ra bán, nhưng cũng có khi ngược lại.

Còn đối với những doanh nghiệp không thực hiện theo khuyến cáo sẽ bị áp dụng mức thuế nhất định chứ không cần phải đưa ra quyết định cấm.

Nhưng nếu để các doanh nghiệp tự chủ trong hoạt động xuất khẩu gạo có thể lại xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp này ép giá đối với nông dân. Theo ông cần làm gì để hạn chế những tiêu cực đó?

Đúng là việc ép giá đối với nông dân vẫn có thể vẫn xảy ra, nhưng điều này  cũng không nguy hiểm bằng việc ép giá độc quyền do cơ chế như trước đây.

Hiện nay, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, người trực tiếp thu mua lúa của nông dân vẫn là những tiểu thương với những chiếc xuồng ba lá. Khi các hộ dân thu hoạch và gặt đập xong, lập tức các tư thương này sẽ áp thuyền tới.

Thực trạng trên chỉ có thể khắc phục bằng cách tổ chức lại phương thức sản xuất và cách bán sản phẩm của nông dân.

Với tiềm năng xuất khẩu gạo rất lớn của nước ta, tới đây thay vì tập trung cho số lượng, chúng ta cũng nên chú ý hơn đến chất lượng. Để làm được điều này, cơ quan chức năng cần phải có những cơ chế để khuyến khích các nhà đầu tư lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất ra những loại gạo đáp ứng theo đúng nhu cầu của từng thị trường với có giá bán cao hơn.

Những nhà công nghiệp lúa gạo này sẽ là những người chỉ huy sản xuất và  chọn thời điểm nào để bán với lợi nhuận cao nhất. Khi đó, mỗi khi vào chính vụ thu hoạch, lượng lúa gạo nhiều, Nhà nước cũng không phải bỏ tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua để tạm trữ như hiện nay.