18:06 27/11/2019

"Không phải là Quốc hội không quan tâm đến Luật Biểu tình"

Hà Vũ

Không phải là Quốc hội không quan tâm đến Luật Biểu tình mà đến giờ này Chính phủ chưa trình sang

Tổng thư ký Quốc hội  Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo - Ảnh: Quang Phúc
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo - Ảnh: Quang Phúc

Không phải là Quốc hội không quan tâm đến Luật Biểu tình mà đến giờ này Chính phủ chưa trình sang, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định tại buổi họp báo ngay sau khi kỳ họp thứ 8 của Quốc hội kết thúc, chiều 27/11.

Trước đó, phóng viên nêu câu hỏi, trong phiên thảo luận gần đây tại kỳ họp thứ 8, có ý kiến đại biểu cho rằng Quốc hội đang lơ trách nhiệm với Luật Biểu tình và Luật Về hội, vậy Uỷ ban Pháp luật có kế hoạch "trả nợ" cho dân hai luật này thế nào?

Trả lời luôn câu hỏi này chứ không chuyển cho vị phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật bên cạnh, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chính phủ đang chuẩn bị dự án luật này, khi nào Chính phủ chuẩn bị thấu đáo thì trình ra Quốc hội.  

Đến nay thì Chính phủ chưa báo cáo để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ông Phúc cho biết.

Một câu hỏi khác được đặt ra tại cuộc họp báo là tại nghị trường kỳ họp này có tình trạng khi thảo luận một chính sách thì có 1 số đại biểu đề cập tần suất rất dày, lặp đi lặp lại. Có ý kiến cho rằng đại biểu phát biểu theo đặt hàng của nhóm lợi ích nào đấy, đề nghị Tổng thư ký cho biết ý kiến về vấn đề này?

Không khẳng định có việc "đặt hàng" hay không, ông Phúc cho rằng nếu có phần mềm phân tích được có hay không việc đó thì tốt.

Phát biểu là quyền của đại biểu, đại biểu có kinh phí thuê chuyên gia để phát biểu, cùng vấn đề đại biểu có thể phát biểu góc này, góc khác thì sẽ trùng, không thể nào không trùng được. Quốc hội khuyến khích đại biểu phát biểu càng nhiều càng tốt, trùng cũng không sao cả, ông Phúc nói.

Phóng viên tiếp tục nhấn mạnh hoạt động vận động hành lang theo "đặt hàng" có thể ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của Quốc hội và nhiệm kỳ trước cũng có đại biểu đã dẫn chứng là có chuyện bốn đại biểu cùng đọc một bài, có chi tiết không chính xác cũng đọc giống y như nhau. 

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tiếp tục trả lời, có thể có việc nhiều đại biểu cùng đề cập một vấn đề nhưng không vì như thế mà thay đổi tình thế, làm lệch lạc chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước.

Ông Phúc lấy ví dụ quá trình sửa Bộ luật Lao động, lúc đầu nhiều đại biểu đề nghị nghỉ thêm 1 ngày 28/6 là ngày gia đình Việt Nam, chỉ số ít đề nghị nghỉ thêm một ngày dịp Quốc Khánh. Đó là ý kiến rất cá biệt nhưng tập thể phân tích thấy rất đúng rất trúng nên khi lấy phiếu xin ý kiến thì tỷ lệ tán thành nội dung này rất cao, ông Phúc nói.