17:32 10/05/2021

Không thay đổi chiến lược chống dịch

Tiến Dũng

Cuộc họp Ban Chỉ đạo diễn ra vào sáng ngày 10/5 đã thảo luận về tình hình dịch bệnh, việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, bảo đảm tài chính… phục vụ công tác phòng, chống dịch...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Một số nơi nói về việc thay đổi chiến lược, đấy chỉ là cách diễn đạt khác nhau, còn chiến lược và nguyên tắc của chúng ta hoàn toàn không có gì thay đổi". Ảnh: VGP/Đình Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Một số nơi nói về việc thay đổi chiến lược, đấy chỉ là cách diễn đạt khác nhau, còn chiến lược và nguyên tắc của chúng ta hoàn toàn không có gì thay đổi". Ảnh: VGP/Đình Nam.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì sáng 10/5, các chuyên gia xác định có 4 nguồn dịch trong cộng đồng trong 10 ngày qua. Các nguồn bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới Trung ương cơ sở 2 và nguồn dịch mới xuất hiện tại Hải Dương với ca nhập cảnh trái phép từ Lào, từ đó lây sang 26 tỉnh, thành phố. 

Các chuyên gia nhận định về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh.

Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn. Thực tế cho thấy trong đợt dịch lần này, có nhiều trường hợp chỉ tếp xúc gần vài ngày, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0; lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường… 

"XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC RẺ HƠN NHIỀU GIÃN CÁCH XÃ HỘI VÔ LÝ"

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: các địa phương chỉ nên giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết.

"Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng, chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên; chúng ta đang nỗ lực khắc phục cách ly, phong tỏa…", vị chuyên gia cho hay.

Bên cạnh đó, ông Phu cũng cho rằng cần phải xét nghiệm sàng lọc càng nhiều càng tốt, ví dụ Hà Nội tăng cường xét nghiệm tại sân bay, bệnh viện và nhiều nơi khác trong thời gian tới.

“Xét nghiệm sàng lọc nhiều vẫn rẻ hơn phải giãn cách xã hội một cách vô lý”, TS. Trần Đắc Phu nhận định. 

 
PGS.TS Trần Đắc Phu"Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng, chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên; chúng ta đang nỗ lực khắc phục cách ly, phong tỏa…"
PGS.TS Trần Đắc Phu
"Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng, chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên; chúng ta đang nỗ lực khắc phục cách ly, phong tỏa…"

Bên cạnh đó, chuyên gia y tế này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K (“Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế”) bởi có thể vẫn còn những “ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn”. 

“Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì”, chuyên gia Trần Đắc Phu khẳng định.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến từ các nhà chuyên môn cũng lưu ý rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì ngăn chặn - phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch và điều trị. Trong từng khâu phải thực hiện chặt chẽ hơn.

Ví dụ, ngăn chặn phải ngay trong khu cách ly bằng cách kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh lây nhiễm chéo hoặc lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng. Bộ Y tế đã nâng thời gian cách ly lên 21 ngày, yêu cầu quản lý chặt chẽ sau cách ly. Ngoài ra, cần phải đa dạng hoá công nghệ xét nghiệm, đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát ở những khu vực có nguy cơ cao. Đặc biệt, mỗi người phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc…

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 12h ngày 10/5, Việt Nam có tổng cộng 2.012 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 442 ca.

Bên cạnh đó, phân tích các nguồn dịch cho thấy virus lây lan nhanh trong môi trường kín như quán bar, karaoke, cơ sở mát-xa…

Do đó, khi phát hiện ca bệnh, năng lực lấy mẫu và xết nghiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng để đưa ra các biện pháp khoanh vùng, dập dịch hợp lý, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh.

KHÔNG LÀM XÁO TRỘN ĐỜI SỐNG KINH TẾ HƠN MỨC CẦN THIẾT

Tại cuộc họp, đề cập tới chiến lược chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ở một số địa phương nói về việc thay đổi chiến lược. Tuy nhiên, đây chỉ là các cách diễn đạt khác nhau, còn nguyên tắc chiến lược của Việt Nam không có gì thay đổi. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (đứng phát biểu) cho biết phải dự trù, lường trước các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm. Ảnh: VGP/Đình Nam
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (đứng phát biểu) cho biết phải dự trù, lường trước các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đây cũng là nội dung đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quán triệt kỹ trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với các địa phương ngày 7/5.

"Đầu tiên, chúng ta phải ngăn chặn, kiểm soát biên giới, cũng như người tại trung tâm cách ly tập trung hoặc đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, không để cho lây nhiễm vào cộng đồng. Chúng tôi đã chỉ đạo rất cụ thể, bây giờ phải thực hiện thật nghiêm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh,

Tiếp đến, để phát hiện nhanh nhất các ca bệnh, Phó Thủ tướng cho rằng phải có khám, sàng lọc, không chỉ theo dấu các F1, F2, F3 mà cần sàng lọc định kỳ, sử dụng các biện pháp xét nghiệm khác nhau ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, các chỗ tập trung đông người.

Còn về khoanh vùng, dập dịch, Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục triển khai các biện pháp như trước đây. Đó là, khi có ca nghi ngờ thì triển khai khoanh vùng và “vì mục tiêu kép” thì phải khoanh gọn nhất có thể. Nếu chưa đủ điều kiện để xác định chỉ khoanh một thôn, một xã thì ngay lập tức có thể khoanh rộng hơn nhưng phải làm ngay các biện pháp sàng lọc, điều tra dịch tễ cần thiết để xác định đúng điểm mà cần khoanh vùng.

 

"Tất cả các tỉnh khi có dịch phải bình tĩnh, có các giải pháp thực sự cần thiết, không làm xáo trộn và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động kinh tế hơn mức cần thiết".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

“Chúng ta khoanh gọn mà chặt, mà nghiêm thì mới tốt chứ rộng mà hổng thì không hiệu quả. Có ý kiến cho rằng thay vì truy đuổi dịch phải chăng chiến lược mới là ngăn chặn. Khoanh vùng chính là ngăn chặn, đó chỉ là cách diễn đạt khác. Sở y tế phải tham mưu lãnh đạo địa phương, Bộ Y tế củng cố lại hoạt động của tổ chuyên gia, có hướng dẫn cần thiết để khoanh vùng cho đúng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết kinh nghiệm rút ra từ công tác khoanh vùng tại các ổ dịch ở Đà Nẵng, Vĩnh Phúc là trước khi quyết định cách ly, khoanh vùng, các địa phương, cần xem xét tạm dừng hoặc kiểm soát chặt hơn những hoạt động dịch vụ trong không gian kín như karaoke, vũ trường, quán bar...

"Tất cả các tỉnh khi có dịch phải bình tĩnh, có các giải pháp thực sự cần thiết, không làm xáo trộn và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động kinh tế hơn mức cần thiết. Còn khi chưa có dịch thì không được lơ là, chủ quan bởi người mang mầm bệnh đã có trong cộng đồng, trong điều kiện giao thông thuận lợi bất kỳ chỗ nào cũng có thể bùng phát dịch", Phó Thủ tướng quán triệt. 

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn.

"Mỗi người phải trách nhiệm trước hết với mình và người thân của mình, sau đó là với đất nước, với cộng đồng”, Phó Thủ tướng kêu gọi.