17:56 02/12/2021

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đặt mục tiêu thu hút 75.000 – 90.000 tỷ đồng

Thanh Xuân

Trong những năm tới sẽ tiếp tục phát triển khu này thành 3 khu chính với trung tâm là địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Nghệ An ngày 25/11/2021 đã có quyết định số 4514/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Trên cơ sở quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000 ha, bao gồm 70.000 ha đất liền và 10.000 ha mặt nước biển; trong đó, diện tích khu công nghiệp chiếm khoảng 15.000 ha và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.

Dự kiến, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 19.912 tỷ đồng với nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước khoảng 1.050 tỷ đồng, vốn đầu tư từ doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển khoảng 17.838 tỷ đồng và nguồn khác là 1.024 tỷ đồng.

UBND tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu thu hút 120 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 75.000 – 90.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài dự kiến chiếm 2,26 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt trên 60% so với vốn đầu tư đăng ký.

Thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20-25% tổng thu ngân sách trên địa bàn và giải quyết khoảng 80.000 – 100.000 lao động…

Trong những năm tới, Nghệ An sẽ phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành 3 khu vực chính với trung tâm của khu kinh tế là địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò; phía nam là Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thu‌ộc đị‌a bàn TP. Vinh và huyện Hưng Nguyên; phía Bắc là khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi thu‌ộc đị‌a bàn thị xã Hoàng Mai…

Tỉnh Nghệ An tiếp tục xác định các nhà đầu tư lớn như: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt… là đối tác quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp – đô thị phân bổ đại bàn theo 3 khu vực chính của khu kinh tế; chú trọng thu hút thêm các nhà đầu tư khác phát triển kết cấu hạ tầng ngoài khu kinh tế, nhất là các khu công nghiệp Nghĩa Đàn, Trì Lễ, Sông Dinh, Tân Kỳ, Phủ Quỳ gắn liền với phát triển miền Tây Nghệ An.

Đồng thời, ưu tiên, khuyến kích thu hút các dự án đầu tư thứ cấp có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, trong đó xác định ưu tiên xúc tiến, thu hút từ các đối tác truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc với các nghành nghề như công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản…