15:25 04/03/2009

Khủng hoảng có khuôn mặt thần chết

“Trong thời buổi bấn loạn chung này, kẻ nào yếu bóng vía nhất sẽ lãnh đủ”

Marc Laliberté tự sát bằng dao sau khi giết cả gia đình.
Marc Laliberté tự sát bằng dao sau khi giết cả gia đình.
Đó là một chú bé tóc vàng, mắt xanh, khuôn mặt rạng rỡ và lém lỉnh, trên khung ảnh. Trong chiếc quan tài màu trắng còn chưa đóng nắp đặt tại nhà tang lễ Chicoutimi, một thị trấn nhỏ ở phía bắc Quebec, Louis-Philippe Laliberté, 4 tuổi, mặc chiếc áo sơmi xanh, thắt cà vạt vàng.

Nó như đang nằm ngủ, giống anh của nó Marc-Ange, 7 tuổi, và chị gái Joelle, 12 tuổi. Lễ chôn cất ba đứa bé diễn ra cùng lúc với ông bố Marc, 46 tuổi, vào ngày 10/1/2009 đã làm chấn động cả Canada.

Cái chết tang thương của họ đã phủ khuôn mặt thần chết trên những con số thống kê u ám nhưng trừu tượng đang diễn ra ở cả hai bán cầu: phá sản, đóng cửa nhà máy, sụp đổ thị trường chứng khoán... Bị thất nghiệp, cả hai vợ chồng ông, một người là nhân viên bất động sản, một người là nhân viên phân phối hàng hóa, oằn lưng dưới món nợ 71.000 Euro.

Tuyệt vọng, “cùng đường” như trong bức thư tuyệt mệnh để lại, Marc và Cathie Gaulthier-Lachanche, 36 tuổi, đã quyết định “cả nhà cùng chết”. Buổi tối ngày đầu năm mới, trong căn nhà xinh đẹp ở khu chung cư, ông bố đã tự sát bằng dao. Những đứa trẻ bị bóp cổ chết, Cathie tự cắt mạch máu.

Là người duy nhất sống sót, cô được đưa đi cấp cứu. Quá trễ. Vừa bị nằm viện, vừa bị kết tội giết chết ba con, cô không được phép dự tang lễ. Ngày cuối năm, cả năm người trong gia đình họ đã về thăm nội ngoại song không ai hay biết nỗi cơ cực nhà Laliberté - Lachance đang gánh chịu...

Ba đứa trẻ. Ba nạn nhân của cuộc khủng hoảng. Trẻ nhất cho đến nay của một tai họa toàn cầu đang tàn phá Phố Wall khiến các chủ ngân hàng và các nhà sản xuất ôtô dở sống dở chết, và làm cho rất nhiều sinh mạng phải ra đi. Ngay từ tháng 10/2008, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan đã từng cảnh báo trong một thông cáo gửi các quan chức y tế công cộng toàn cầu: “Trong tình hình kinh tế hiện nay, không có gì kinh ngạc khi các vụ tự sát và rối loạn tâm thần đang tăng vọt”.

Cảnh báo này đã trở thành sự thật tại Bắc Mỹ và châu Á (đặc biệt ở Ấn Độ, trong vài tuần qua đã có đến mấy chục người tự sát), cũng như ở châu Âu. Những sinh mạng mất đi thuộc mọi tầng lớp xã hội, đủ mọi lứa tuổi. Từ nhà tỉ phú, như ông trùm người Đức Adolf Merkle, 74 tuổi, lao vào xe lửa tối 5/1/2009, cách thành phố Stuttgart 40km. Những người làm công ăn lương hậu hĩ như Darren Liddle, người Anh, 26 tuổi, nhà kỹ sư toán ngoại hạng, đã nhảy từ tầng lầu 19 của một khách sạn.

Những người ky cóp cả đời, như Rajendra Gupta, nhà buôn gốc Ấn Độ, 40 tuổi, treo cổ tự sát bằng chiếc xà rông của vợ sau khi đem tiền đi nướng sạch trong thị trường chứng khoán. Còn chưa kể những người bình thường, tài sản không có gì khác hơn căn nhà vốn có được bằng lao động quần quật suốt cả đời.

Như Addie Polk, 90 tuổi, đã chụp lấy khẩu súng nòng 38mm chĩa vào ngực, cho nổ tung hai phát vào ngày 1/10/2008, khi cảnh sát tại Akron (thuộc bang Ohio, Hoa Kỳ) đến trục xuất khỏi nhà (đã đến lần thứ 31!) mà bà đã mua trả góp từ năm 1970 đến tận... 2034!

Họ chẳng có điểm nào giống nhau cả ngoại trừ việc bị “trắng tay” trong một cuộc đại khủng hoảng mà một số rất ít người hiểu được nguyên nhân, nhưng tất cả đều phải gánh lấy hậu quả... cho đến khi không còn chịu đựng nổi và buông xuôi.

Một nhà tâm lý học tại Paris, từng chữa trị cho nhiều khách hàng là lãnh đạo các công ty đang bị “tưng tửng”, cho biết: “Nếu các chủ ngân hàng nhảy lầu hàng loạt trong cuộc đại khủng hoảng 1929 đã được kinh tế gia John Kenneth Galbraith xác nhận chỉ là chuyện huyền thoại, thì tác động hủy hoại của nó trong dân chúng là rất thực, nhất là ở Hoa Kỳ”.

Tổng cộng chỉ có 20 chủ ngân hàng tại Phố Wall tự tử trong cuộc đại khủng hoảng của thế kỷ 20, nhưng lại có đến 23.000 người Mỹ - nông dân, công nhân, viên chức... - tự sát vào năm 1930, chiếm con số cao nhất, chưa từng thấy trong khoảng thời gian 12 tháng. Cùng năm đó, nước Mỹ có 12 triệu người thất nghiệp, chiếm kỷ lục trong một quốc gia nổi tiếng với “giấc mơ Mỹ”.

Một trùng hợp đáng buồn: số liệu công bố vào tháng 12/2008 cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ là 7,2%, tức 11,1 triệu người, và 20 triệu ngôi nhà... trả góp. Tình hình này đã gây ra mấy trăm vụ tự tử vào năm 2008, từ Florida đến Michigan, qua Minnesota hay Louisiana.

Theo một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Tâm lý Mỹ: “Cứ mười người Mỹ thì có tám người cho rằng kinh tế gây stress rất lớn cho cuộc sống của họ. Trong thời buổi bấn loạn chung này, kẻ nào yếu bóng vía nhất sẽ lãnh đủ”. Theo các chuyên gia tâm lý, hành động tự tử thường không từ một lý do duy nhất. Nhưng qua thư từ, nhật ký, điện thoại và những thổ lộ tâm tình, rất nhiều người chỉ rõ nguyên nhân là khủng hoảng kinh tế.

“Tôi biết con trai tôi bị áp lực công việc quá nặng, và nó đã sử dụng cả ma túy để đối phó”. Mẹ của Darren Liddle, nhà môi giới chứng khoán 26 tuổi đang phất lên của Crédit Suisse, tiết lộ với các nhà điều tra về nguyên nhân tự sát của con trai mình. Hai lần vào bệnh viện cao cấp Priory để chữa trị rối loạn tâm lý, anh chàng tóc vàng, to con, có nụ cười rất hấp dẫn đã không chịu nổi áp lực trong công việc.

Cũng giống như Vincent Ma, một người Anh gốc Hoa, 33 tuổi, đã lao ra cửa sổ vào tháng 1/2008 khi khủng hoảng mới chỉ diễn ra sáu tháng. Là giám đốc nghệ thuật của một công ty thiết kế thời trang với mức lương 150.000 Euro, anh ta chẳng thiếu gì cả. Nhưng luôn lo sợ.

Cô bạn gái Alison Gold kể cho cảnh sát: “Vincent mắc nợ rất nhiều. Ngoài nợ tín dụng, anh ta còn vay mượn của công ty. Anh ấy đã quá máu me làm tiền”. Tương tự như Christen Schnor, 49 tuổi, một nhà tài chính có máu lạnh, người Anh gốc Đan Mạch, sống ở London. Đã dùng đến gái và ma túy để giải sầu, cuối cùng ông bố của bốn đứa con đã phải dùng dây thắt lưng treo cổ trong một căn phòng sang trọng.

Thế nhưng Subhit Chakrvarty, 33 tuổi, sống ở bên kia bán cầu, nhân viên của một ngân hàng gần New Delhi, cũng yếu vía tương tự! Cô vợ người Đức đã bỏ anh ta trước đó mấy tuần, sau một cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Nghề nghiệp bất định và tình hình tài chính đã khiến anh ta suy sụp. Anh của anh ta đã phát hiện anh ta treo cổ tự vẫn trong nhà vào ngày 24/12/2008.

Kristy Hunt, 49 tuổi, phụ nữ tóc vàng cắt cao tại Joplin, bang Missouri, Hoa Kỳ cũng vậy. Hai lần ly dị, người mẹ của hai đứa con lớn Bobby và Rachel này đã cầm cố nhà cho Công ty Community Blank & Trust. Cô đã từ chức mấy ngày trước khi dùng dao trong nhà bếp đâm vào ngực mình tại căn nhà trên đại lộ Michigan vào ngày 16/12/2008. Nhà thể thao lặn và chơi tennis này đã chết vài giờ sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Không khá hơn với Itau, một trong các ngân hàng lớn nhất Brazil, nơi Paolo Sergio Silva, 36 tuổi, làm nhân viên môi giới chứng khoán. Thời gian gần đây anh ta mất hết tinh thần. Không phải vô cớ. Là chuyên gia trao đổi lãi suất, Paolo bị áp lực rất nặng nề. Trong vòng mấy tháng chứng khoán giảm 50%, trong lúc đồng real mất giá 1/3. Anh ta tự bắn vào ngực ngay giữa phiên giao dịch vào buổi chiều ngày 17/11/2008 ở bên ngoài trụ sở thị trường chứng khoán Sao Paulo. Hoạt động giao dịch phải bị đình trệ 15 phút khi xe cứu thương được điều đến cấp cứu.

Karthik Rajaram không phải là nhà môi giới nhưng tiền bạc vẫn ám ảnh anh từ nhiều tháng nay. Là người Mỹ gốc Ấn Độ, 45 tuổi, Karthik là chuyên gia tài chính, có bằng MBA, có máu kinh doanh. Là cựu nhân viên của Sony Pictures, anh ta đã đầu tư 12.000 USD để vài năm sau thu được nửa triệu khi bán lại. Có vợ và ba con trai học hành rất giỏi. Bốn năm trước đây anh ta bán căn nhà của tổ tiên để lại với giá 700.000 USD, rồi đi thuê một căn nhà sang trọng ở tây bắc Los Angeles và đem toàn bộ số tiền tiết kiệm mua chứng khoán. Ngày 16/9/2008, anh ta lén mua... thêm một khẩu súng ngắn. Ngày 4/10 Karthik giết cả vợ, ba con trai, mẹ vợ rồi tự sát.

Bên hai bờ Đại Tây Dương, thảm kịch này đang lan rộng. Chủ một công ty cho vay thế chấp tại Maryland, Walter Buczynski, 59 tuổi và vợ Barry Fox (tự sát tháng 1/2008), cựu nhân viên Ngân hàng Bear Stearns, phá sản vào tháng 5/2008. Nhà môi giới tại Chicago, Joseph Luizzi, 44 tuổi (tháng 10/2008). Steven L.Good, tổng giám đốc công ty bán đấu giá bất động sản lớn nhất nước Mỹ, tự kết liễu đời mình ngày 5/1/2009. Là một kẻ trước giờ chỉ biết thắng và thắng, cho đến cách nay vài tuần ông ta đã phải thú nhận: “Thị trường đang khó quá!”. Thi thể ông ta được tìm thấy trong chiếc xe hơi Jaguar, một viên đạn nằm trong đầu.

Danh sách đen này còn rất dài... Nhiều bạn bè của Kirk Stephenson không bao giờ nghĩ tên của ông bố tuyệt vời, người chồng lý tưởng và nhà tài chính lừng danh này lại nằm trong số đó. Anh chàng gốc New Zealand, 46 tuổi, định cư tại London từ 20 năm qua, thành công liên tục.

Một căn nhà năm tầng ở Chelsea, căn nhà thứ nhì nữa ở Opéra, đi du lịch khắp thế giới: anh ta từ giã vợ và con trai sau bữa ăn sáng, cười nói vui vẻ lúc 9 giờ ngày 25/9/2008, chỉ nửa tháng sau khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, làm biến mất 900 triệu USD của mình. Nửa giờ sau Kirk lao vào đầu xe lửa tại nhà ga Taplow, ngay trước mắt lái tàu tốc hành Iain Basset, tuyến đường Plymouth - Waddington. Một kết thúc luôn ám ảnh những người thân, với những lời phân ưu tràn ngập trên Internet.

Một chủ ngân hàng xuất sắc khác, có ba con, được mệnh danh là một trong những chủ ngân hàng giỏi nhất thế giới, Alex Widmer, 52 tuổi, tổng giám đốc ngân hàng lớn thứ ba tại Thụy Sĩ Julius Bar. Dáng người thanh nhã, tóc quăn, chỉ hút thuốc xì gà, đi xe mui trần tuyệt hảo. Ông ta treo cổ trong căn nhà ở Baden, đêm ngày 3 rạng sáng 4/12.

Bản thông cáo chính thức của ngân hàng, mà trị giá chứng khoán đã giảm sút 60% trong năm 2008, nêu rõ: “Không liên can gì đến hoạt động của ngân hàng”. Nhưng đêm trước khi chết, khi trả lời cuộc phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông ta đã nói bóng gió: mô hình tài chính của chúng ta đã đến mức giới hạn rồi. Và công bố một kế hoạch khắc khổ chưa từng thấy.

Một bậc thầy khác của thế giới, nhà giàu đứng hàng thứ năm của nước Đức, thứ 94 của thế giới, nhà thầu khoán tài năng, sử dụng 100.000 nhân viên, với doanh số 30 tỉ Euro/năm, Adolf Merckle, 74 tuổi, vẫn còn chưa hài lòng với số phận. Ông chỉ thích di chuyển bằng xe đạp hay xe hơi Golf đời cổ, say mê leo núi, đã từng vượt 10 đỉnh cao hơn 6.000m và ghiền cá cược chứng khoán. Con người đầy tham vọng này đã quá đà và thua trắng. Mua hết cổ phiếu của Volkswagen vào mùa thu, ông ta chỉ muốn kiếm lời vài trăm triệu Euro, nhưng rồi đã hủy hoại cả tập đoàn của mình và cả cuộc đời mình.

Mấy ngày sau, tất cả tài sản của đế quốc kinh doanh này đã được rao bán để trả nợ. Thất bại này không thể nào chấp nhận được đối với người thân của ông ta.

Duy nhất một người may mắn nằm ngoài danh sách đen này. Addie Polk, một bà lão trên 90 tuổi tại Ohio, tự bắn hai phát súng vào ngực, đã công nhận tại bệnh viện cấp cứu rằng hành động tự tử của mình là điên rồ. Quá cảm động, Ngân hàng Fannie Mea đã hủy bỏ số nợ cho bà. Addie chết một ngày sau đó, tại nhà.

Đinh Công Thành (Tuổi Trẻ)