12:14 17/05/2010

Khủng hoảng nợ châu Âu trước những lo ngại mới

Nguyễn Thanh

Nỗ lực lấy lại sự cân bằng cho ngân sách công của châu Âu sẽ là "khắc tinh" đối với tăng trưởng kinh tế khu vực trong nhiều năm tới

Euro đã trượt về mức đáy hơn 4 năm qua so với USD - Ảnh: Trade.
Euro đã trượt về mức đáy hơn 4 năm qua so với USD - Ảnh: Trade.
Thị trường tài chính toàn cầu chỉ có một khoảng thời gian hứng khởi ngắn ngủi sau khi kế hoạch giải cứu trị giá gần 1.000 tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU) được công bố hồi tuần trước. Tới lúc này, những nỗi lo sợ mới lại hình thành và nổi lên, đẩy tỷ giá đồng Euro trượt về mức đáy của hơn 4 năm qua.

Theo tờ New York Times, nỗi lo lớn nhất của giới đầu tư lúc này, là những rắc rối liên quan tới vấn đề nợ công mà các ngân hàng “cỡ bự” ở châu Âu phải đương đầu, cộng với nguy cơ nợ nần bóp nghẹt sự tăng trưởng còn mong manh của kinh tế khu vực.

Hôm 14/5, tỷ giá Euro/USD đã giảm về mức thấp nhất từ khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ hồi tháng 9/2008. Sáng ngày 17/5, cặp tỷ giá này tiếp tục trượt xuống mức đáy kể từ tháng 4/2006, với 1 Euro tương đương trên 1,22 USD. Trong vòng một tháng qua, căng thẳng xung quanh tình hình nợ nần của các chính phủ trong khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã khiến đồng tiền chung này mất 8% giá trị so với đồng USD. Đồng Euro đang bị giới đầu tư bán tháo để chuyển vốn sang thị trường vàng và đồng USD.

New York Times cho biết, trong một bài phát biểu được đăng báo cuối tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet đã lên tiếng cảnh báo rằng, châu Âu đang đối mặt với “những căng thẳng nghiêm trọng” và các thị trường vẫn còn đang trong trạng thái mong manh. Theo ông Trichet, sự sa sút niềm tin của giới đầu tư vẫn còn khả năng nghiêm trọng hơn, thúc đẩy tạo ra những làn sóng bán tháo tài sản mới.

Đối với các ngân hàng của châu Âu, rắc rối lúc này không chỉ là một. Chi phí vay vốn ngắn hạn đang trên đà gia tăng, khiến các nhà băng có thể cắt giảm vốn vay mới và thu hồi các khoản vốn vay đã cấp, làm hạn chế đà tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, những ngân hàng có vẻ an toàn ở những nền kinh tế đầu tàu của khu vực, như Pháp và Đức, lại nắm giữ khối lượng trái phiếu khổng lồ của các nước láng giềng đang điêu đứng như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Giới đầu tư lo ngại rằng, sức nặng của những khoản thâm hụt ngân sách lớn có thể buộc một số quốc gia yếu trong Eurozone cơ cấu lại nợ, làm số trái phiếu mà họ đang nắm giữ mất đi phần lớn giá trị. Nếu xảy ra, điều đó sẽ là một đòn giáng nặng vào các định chế tài chính ở châu Âu, và có thể tạo ra những đợt “sóng thần” tấn công toàn bộ hệ thống tài chính thế giới.

“Thực chất, gói giải cứu được đưa ra không phải để cứu Hy Lạp mà để cứu các ngân hàng của Đức và Pháp”, giáo sư sử học Niall Ferguson thuộc Đại học Havard nhận định.

Tình trạng vay mượn chéo nhau giữa ngân hàng các nước trong khu vực cũng khá phức tạp. Chẳng hạn, theo thống kê của tổ chức chuyên phục vụ các ngân hàng trung ương có tên Bank for International Settlements, các ngân hàng của Bồ Đào Nha nợ các ngân hàng Tây Ban Nha 86 tỷ USD, các nhà băng Tây Ban Nha lại nợ các ngân hàng ở Đức 238 tỷ USD và các ngân hàng Pháp 220 tỷ USD. Các ngân hàng Mỹ cũng là chủ nợ lớn của các ngân hàng Tây Ban Nha, với lượng nợ lên tới gần 200 tỷ USD.

Để có tiền cho gói giải cứu trị giá 750 tỷ Euro, các chính phủ châu Âu sẽ thực hiện việc đi vay thông qua phát hành trái phiếu. Điều này khiến gánh nặng nợ nần của họ tăng thêm, và có khả năng sẽ tạo thêm một rào cản nữa đối với sự phục hồi kinh tế.

Trong một báo cáo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới thực hiện đã cảnh báo, chính nợ nần đã đẩy châu Âu tới tình trạng rối ren hiện nay, và mức nợ công cao có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm.

Báo cáo của IMF cho biết, thâm hụt ngân sách của thế giới so với GDP hiện ở mức 6%, so với mức 0,3% ở thời điểm trước khủng hoảng tài chính. Định chế này cho rằng, nếu thâm hụt ngân sách không được giảm về mức trước khủng hoảng, thì tăng trưởng tại những nền kinh tế lớn sẽ bị “gọt” mất 0,5% mỗi năm.

Tuy nhiên, trong cái rủi ít nhiều cũng có cái may. Đồng Euro yếu có tác dụng tích cực đối với hàng hóa xuất khẩu của châu Âu. Ngoài ra, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã bắt đầu có những bước tiến đầu tiên nhằm giảm bội chi.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách lúc này đã gần như “hết đạn”. Sau khi vay mượn hàng ngàn tỷ USD để kéo kinh tế khỏi vũng lầy khủng hoảng tài chính và suy thoái, các chính phủ không thể vay thêm hàng ngàn tỷ USD nữa mà không châm ngòi cho sự leo thang của lạm phát, và lấy mất cơ hội vay vốn của các đối tượng khác như người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thêm vào đó, mức lãi suất vốn đã rất thấp, ở mức 0-0,25% ở Mỹ, không thể thấp hơn được nữa. Những biện pháp khác như tăng thuế hay hạn chế chi tiêu có thể chặn đứng sự phục hồi mới manh nha ở các nước Bắc Âu, hay làm tình hình thêm tệ hại ở những nước còn trong suy thoái như Tây Ban Nha, nơi tỷ lệ thất nghiệp gần đây đã vượt quá 20%.

Ngoại trừ thời chiến tranh, “tình hình tài chính công tại phần lớn các quốc gia công nghiệp phát triển đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào từ cách mạng công nghiệp. Việc lấy lại cân bằng cho ngân sách công sẽ là một rào cản đối với tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm tới”, New York Times trích báo báo của chuyên gia kinh tế trưởng Willem Buiter thuộc Citigroup.