09:19 27/11/2008

Khủng hoảng tài chính len lỏi vào Hollywood

Kiều Oanh

Tình hình đối với Hollywood những ngày này nghe chừng có vẻ khả quan, nhưng thực tế thì không phải vậy

Việc tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài biên giới nước Mỹ đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với Hollywood.
Việc tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài biên giới nước Mỹ đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với Hollywood.
Sau khi bộ phim “ bom tấn” Điệp viên 007  mang tên “Quantum of Solace” (Định mức khuây khỏa) đem lại mức doanh thu bán vé khởi đầu kỷ lục 70 triệu USD ngay trong vài ngày đầu công chiếu, giới hâm mộ điện ảnh thế giới lại náo nức chờ đợi sự ra mắt của bộ phim được kỳ vọng “Twilight” (Chạng vạng), giữa lúc mùa nghỉ lễ cuối năm đang tới gần.

Tình hình đối với kinh đô điện ảnh của thế giới Hollywood những ngày này nghe chừng có vẻ khả quan, nhưng thực tế thì không phải vậy.

Vấn đề đến từ Phố Wall

Trong mấy tháng gần đây, tất cả trong số 10 hãng phim có doanh thu cao nhất, chiếm 91% thị trường “xi-nê” ở Mỹ, đã cắt giảm hoặc sáp nhập hoạt động. Trong nỗ lực cắt giảm chi phí, hãng phim có doanh thu cao nhất năm nay ở Hollywood, hãng Warner Brothers Entertainment, đã đóng cửa hai bộ phận độc lập là Picturehouse và Warner Independent Pictures, đồng thời mua lại một hãng phim khác có tên New Line Cinema. Số phim mà hãng Warner Brothers sản xuất trong năm nay sẽ chỉ là 20 phim, giảm 25% so với năm ngoái.

Các hãng phim Paramount và 20th Century Fox cũng thực hiẹn các biện pháp cắt giảm chi phí tương tự.

Tuy nhiên, lý do dẫn tới sự cắt giảm này không phải là do kinh tế Mỹ đi xuống. Dù kinh tế có suy giảm, người dân ở Mỹ và ở các nơi khác trên thế giới vẫn tới rạp chiếu phim. Vấn đề ở đây xuất phát từ Phố Wall. Không có tiền từ các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân và các ngân hàng đầu tư, các hãng phim đành phải thay đổi cách làm ăn. Trong vòng 4 năm qua, các nhà đầu tư này đã đổ từ 10 - 18 tỷ USD vào Hollywood.

Theo ông Harold Vogel, CEO của công ty quản lý quỹ Vogel Capital Management, ngành công nghiệp điện ảnh của Mỹ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao hay thu hút được nguồn vốn lãi suất thấp như những gì họ đã làm được cách đây 1 - 2 năm.

Do chi phí vay vốn gia tăng, chi phí sản xuất mỗi bộ phim vì thế cũng leo thang theo. Điều này đồng nghĩa với việc Hollywood sẽ sản xuất ít phim hơn. Ông Vogel cho rằng, từ nay tới năm 2010, sự giảm sút số lượng phim sẽ không có ảnh hưởng xấu tới tình hình doanh thu của ngành điện ảnh Mỹ, mặc dù số bộ phim ra mắt sẽ giảm từ 5 - 10% trong vòng vài năm tới.

Tổng số phim mà Hollywood cho ra đời và được công chiếu rộng rãi trong năm 2007 đã lên tới 631 phim, tăng 32% so với mức 478 phim trong năm 2000.  Cũng trong khoảng thời gian 7 năm đó, số vé vào rạp bán ra chỉ tăng có 1%.

Hoạt động của các hãng phim độc lập, tức các hãng phim ngoài Hollywood, thậm chí sẽ còn giảm  mạnh hơn. Theo ông Mark Gill, CEO của The Film Department, công ty chuyên về tài chính điện ảnh và phát hành phim, trong số 5.000 bộ phim tham gia liên hoan phim Sundance của Mỹ năm ngoái, may ra chỉ có khoảng 5 phim là có thể đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Liên hoan phim này là một trong những liên hoan phim lớn nhất thế giới, chủ yếu dành cho phim của các hãng phim tư nhân, độc lập.

Theo Liên minh Điện ảnh và Truyền hình độc lập của Mỹ, năm 2007, các hãng phim độc lập ở nước này sản xuất 477 bộ phim, với chi phí bình quân là 16,5 triệu USD mỗi phim.

“Từ trước tới nay vẫn chỉ có một nguồn tiền đổ vào Hollywood. Hiện các hãng phim đang cạnh tranh nhau mạnh mẽ hơn bao giờ hết vì nguồn tiền này đang giảm. Vào lúc này, chưa thể biết số lượng phim sẽ giảm xuống ra sao”, Chủ tịch John Fithian của Hiệp hội Giới chủ rạp của Mỹ cho biết.

Bởi thế, việc tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài biên giới nước Mỹ đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với Hollywood. Mới đây, hãng truyền thông Abu Dhabi Media của Trung Đông đã tuyên bố sẽ chi 1 tỷ USD vào việc sản xuất phim truyện ở Mỹ trong vòng 5 năm tới. Hãng phim mới của đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg thì đang được một tập đoàn có tên Reliance ADA của Ấn Độ đầu tư cho 1,5 tỷ USD.

Các rạp chiếu phim gặp khó

Về phần mình, các rạp chiếu phim ở Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức trong việc việc chuyển từ các thiết bị chiếu phim truyền thống sang các thiết bị chiếu kỹ thuật số.

“Các nguồn tài chính trước kia đã giảm mạnh trong thời gian gần đây”, CEO Bud Mayo của công ty Access IT chuyên về lắp đặt các hệ thống chiếu phim kỹ thuật số ở Mỹ cho biết.

Trong quý 3, hãng này công bố kế hoạch lắp đặt thêm 10.000 màn hình kỹ thuật số nữa trong thời gian từ nay tới quý 1/2011. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, hãng mới chỉ lắp đặt được 8 màn hình.

Trước đây, nguồn vốn vay từ các ngân hàng đầu tư giúp các công ty như Access IT có vốn để lắp đặt thiết bị mới. Các hãng phim thì trả cho các công ty này một mức phí nhất định, thường là trên dưới 1.000 USD, cho mỗi bản kỹ thuật số mà họ bán cho các rạp chiếu sử dụng hệ thống chiếu của công ty đó lắp đặt.

Tuy nhiên, ông Mayo tỏ ra khá lạc quan: “Miễn là các rạp chiếu phim tiếp tục chiếu phim, chúng tôi vẫn có tiền. Chúng tôi tin vào ngành điện ảnh”.

Mặc dù việc thay thế toàn bộ hệ thống chiếu phim truyền thống trên toàn nước Mỹ sang hệ thống chiếu kỹ thuật số sẽ tốn mất 3 tỷ USD, việc hiện đại hóa này sẽ giúp tiết kiệm cho các hãng phát hành phim và các rạp chiếu mỗi năm gần 1 tỷ USD. Hiện đã có 5.200 màn chiếu ở các rạp phim, tương đương 13% tổng số màn chiếu phim ở Mỹ, là màn chiếu kỹ thuật số.

Các rạp chiếu phim không sử dụng công nghệ kỹ thuật số sẽ mất khách trong những năm tới, một mặt do không đáp ứng được đòi hỏi của khán giả, một mặt do số phim dạng 3D tăng lên. Từ năm 2010, sẽ có khoảng 20% số phim được sản xuất ở Mỹ sẽ có định dạng 3D và chỉ có thể chiếu trên máy chiếu kỹ thuật số.

Ông Fithian thì tỏ ra vẫn lạc quan: “Lịch sử cho thấy, ngành điện ảnh còn ăn nên làm ra hơn trong những thời kỳ xảy ra suy thoái. Chúng tôi cần có những bộ phim hay để kéo khách đến rạp”. Nhưng chưa chắc, Hollywood có thể sản xuất thêm nhiều phim hay trong năm tới.

(Theo Forbes)