17:51 30/10/2017

Khuyết điểm trong cải cách bộ máy: Khó chỉ đích danh

Nguyên Vũ

Đều bấm nút tranh luận, một vị đại biểu "đòi" chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, nhưng vị khác nói rất khó nêu đích danh

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại nghị trường.
Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại nghị trường.

Đều bấm nút tranh luận, một vị đại biểu "đòi" chỉ rõ trách nhiệm cá nhân, nhưng vị khác nói rất khó nêu đích danh.

Trong phiên giám sát tối cao của Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính nhà nước ngày 30/10 có khá nhiều đại biểu dùng quyền tranh luận (không theo thứ tự đăng ký phát biểu).

Trước khi đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) sử dụng quyền này, nhiều đại biểu đánh giá báo cáo kết quả của đoàn giám sát là toàn diện, đầy đủ, sâu sắc và hoàn toàn thống nhất với nội dung báo cáo.

Không đồng tình lắm 

Mặc dù không phủ nhận tinh thần làm việc công phu, trách nhiệm và rất chu đáo của đoàn giám sát, đại biểu Học nói ông không đồng tình lắm với ý kiến trên.

"Tôi nói như vậy bởi vì một trong những mục đích, yêu cầu của nghị quyết Quốc hội khi đặt ra giám sát nội dung này là phải đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Như vậy, phần đánh giá phải nêu kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, phải nêu rõ trách nhiệm này là trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm của cá nhân. Thế nhưng nội dung báo cáo tôi thấy chưa nêu được tinh thần này", đại biểu Học giải thích.

Nhận xét của đại biểu Học là phần khuyết điểm, hạn chế này báo cáo chỉ nêu tập thể, chưa nêu cá nhân, mà mục đích, yêu cầu của nghị quyết giám sát của Quốc hội là phải chỉ rõ cá nhân.

Cá nhân nào đã thực hiện không đúng những quy định của pháp luật về sử dụng biên chế, sử dụng không đúng về tổ chức bộ máy; để chúng ta đưa vào nghị quyết, phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ và xử lý trách nhiệm, như thế thì hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội mới phát huy hiệu lực, hiệu quả, ông Học đề nghị.

Cũng dùng quyền tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) mời đại biểu Nguyễn Thái Học đọc kỹ báo cáo giám sát. Theo ông Vân thì từ trang 47 đến 49 của báo cáo đã chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. "Ở đây có chỉ rõ trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng và Bộ trưởng các ngành", ông Vân nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu Cà Mau cũng chia sẻ với đại biểu Phú Yên, đó là báo cáo giám sát chưa chỉ dẫn đích danh ai thôi. "Mà cái này xác định rất khó, vì công cuộc cải cách hành chính tiến hành từ năm 2001 đến nay, tính từ Đại hội 9. Đến nay có hai chương trình cải cách hành chính, bây giờ xác định trách nhiệm tôi nghĩ xác định trách nhiệm một cách ước lệ, chỉ rõ trách nhiệm cho từng nhân vật chính trị hay quản lý, hay từng nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ là điều rất khó", ông Vân phát biểu.

Xưa chọn quan phải tinh thông thao lược

Phiên thảo luận chiều, đến lượt được phát biểu theo danh sách đăng ký, đại biểu Lê Thanh Vân nói trong bộ máy thời gian qua nhấn mạnh phối hợp chứ chưa nhấn mạnh phân công và kiểm soát quyền lực nên đẻ ra nhiều cái chưa thực quyền.

Ở Trung ương Quốc hội phân quyền nhưng lại không gắn với kiểm soát ngân sách, biên chế. Quốc hội không quyết định bộ máy Chính phủ nhưng lại quyết định ngân sách trong khi Quốc hội quyết định phần biên chế với khối cơ quan tư pháp nhưng lại không có tiền rót cho nhóm cơ quan này, đại biểu Vân bình luận.

Về cơ chế tuyển chọn, lựa chọn cán bộ, theo đại biểu Vân thì không đong đếm được số lượng càng không đong đếm được chất lượng nên cán bộ số lượng thì đông nhưng chất lượng thì kém.

Ông Vân nói rằng thời gian qua có những vị ở vị trí khá cao nhưng phát ngôn gây sốc cho xã hội, chẳng hạn như Ngô Quyền sáng tạo ra cột gỗ để đánh lại quân Nguyên, hay xây dựng nghĩa trang để phát triển bền vững...

Xưa chọn quan lại là chọn người tinh thông thao lược, thu phục nhân tâm thì mới thu hút được người dân đi theo, đại biểu Vân nhìn nhận.

Về giải pháp, ông Vân cho rằng cần lập ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới hệ thống chính trị do Tổng bí thư đứng đầu. Vừa qua Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng đã làm xuất sắc thì việc này cũng cần ban chỉ đạo như vậy, ông Vân phát biểu.

Vị đại biểu Cà Mau cho rằng cần hoàn thiện thể chế nhân sự theo hướng đi sâu định ra số lượng tiêu chuẩn cán bộ để chọn được đội ngũ thực sự xuất sắc, nếu ai không ngang tầm với nhiệm vụ lập tức thay thế ngay.

Vừa qua nhiều đại biểu nêu tình trạng gian dối bằng cấp, khai gian lý lịch, dối trên lừa dưới thì cần chấn chỉnh ngay ở nhóm này. Làm được thì sẽ chấn chỉnh  được bộ máy, ông Vân nói.

Có một điều khá "đặc biệt" ở phiên thảo luận chiều là có một số đại biểu đã giơ biển tranh luận để "chen luận", nghĩa là không trực tiếp trao đổi, tranh luận với ý kiến của đại biểu nào trước đó mà phần lớn trình bày nội dung liên quan đến báo cáo, đã được chuẩn bị sẵn.