Kịch bản nào cho chứng khoán tháng 12?
Nếu xuất hiện những thông tin và diễn biến bất lợi trong nước cũng như trên thế giới, VN-Index có thể lui về các vùng điểm thấp hơn đã thiết lập trước đó.
Trong báo cáo vĩ mô và chiến lược thị trường vừa cập nhật, BSC nhận định tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ chậm lại khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh. Trong kịch bản tiêu cực, xuất khẩu có thể tăng 11,8% và nhập khẩu tăng 9,8%.
Tại Mỹ và châu Âu, chi phí, giá cả tăng cao khiến cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ giảm. Tuy nhiên, lạm phát tại 2 khu vực này đang có dấu hiệu tạo đỉnh. Tại Trung Quốc, diễn biến dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng, chính sách zeroCOVID tại nhiều thành phố lớn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, gián đoạn.
Trong bối cảnh vĩ mô thế giới kém tích cực, trong nước thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do khan hiếm nguyên liệu đầu vào, số lượng đơn đặt hàng giảm do cầu giảm khiến tình hình sử dụng lao động có xu hướng đi xuống trong những tháng gần đây. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm lao động.
Tốc độ giải ngân vốn Ngân sách nhà nước đã có cải thiện, tuy nhiên với tốc
độ hiện tại thì không thể hoàn thành kế hoạch năm. BSC dự báo đến hết tháng 12/2022, vốn Ngân sách Nhà nước sẽ giải ngân được ~83% kế hoạch.
11T2022, vốn FDI đăng ký cấp mới dần thu hẹp đà giảm nhờ riêng trong tháng 10 đã đón gần 3 tỷ USD vào Việt Nam. Xu hướng thu hút dòng vốn FDI đăng ký cấp mới vào giai đoạn cuối năm tương tự như các năm trước dường như đã trở lại. Ngược lại, vốn FDI đăng ký tăng thêm đang có xuhướng thu hẹp đà tăng trưởng do dòng vốn này giảm so với cùng kỳ trong những tháng gần đây.
Trên cơ sở đó, BSC đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán. Ở kịch bản thứ nhất, dòng tiền khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng mạnh mẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường. Thông điệp giảm nhịp độ tăng lãi suất của FED kể từ T12/2022 sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh và các động thái từng bước gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Chính phủ thực thi các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
Giải ngân vốn đầu tư công được khẩn trương triển khai trong tháng cuối cùng bên cạnh những tín hiệu lạc quan về thị trường trái phiếu sẽ tạo động lực để VN-Index quay trở lại vùng 1.180 – 1.200.
Ở kịch bản thứ hai, diễn biến trên thị trường trái phiếu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng. Mặt khác đà tăng ròng của khối ngoại chậm lại bên cạnh tâm lý chốt lời lấn át sự hồi phục tích cực trước đó sẽ khiến VN-Index có thể quay trở lại kiểm tra ngưỡng 1.000 điểm. Nếu xuất hiện những thông tin và diễn biến bất lợi trong nước cũng như trên thế giới, VN-Index có thể lui về các vùng điểm thấp hơn đã thiết lập trước đó.
Một số thông tin tích cực hỗ trợ thị trường gồm: Hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh vào cuối năm nhằm đạt mục tiêu đã đề ra, bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn FDI thực hiện tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Thị trường ngoại hối, lãi suất và thanh khoản bớt phần căng thẳng.
Áp lực trả nợ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn phần nào được giảm bớt bên cạnh những thông tin về việc nới room tín dụng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Các ETF ngoại cơ cấu danh mục quý IV bên cạnh động thái các Quỹ khi kết thúc năm tài khóa.
Trung Quốc từng bước gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 bên cạnh các giải pháp hỗ trợ cho thị trường bất động sản và người dân trong nước từng bước có hiệu quả.
Tuy nhiên, cần theo dõi kỹ một số diễn biến bất lợi như FED và ECB phát đi thông điệp bắt đầu giảm nhịp độ tăng lãi suất kể từ T12/2022, không loại trừ khả năng FED và ECB có thể sẽ tăng +50bps trong cuộc họp diễn ra vào giữa tháng. Mâu thuẫn giữa Nga và các quốc gia phương Tây tiếp tục căng thẳng sau khi Liên minh châu Âu thống nhất áp mức trần giá dầu đối với Nga bên cạnh tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.