11:06 21/06/2023

Kiểm soát sử dụng nước hiệu quả, tiếp cận theo hướng tuần hoàn, tái sử dụng

Nhĩ Anh

Chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn, góp phần đảm bảo việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy tuần hoàn, tái sử dụng nước thải là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều 20/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật để khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể thế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ, quản lý, sử dụng tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước; tích cực chủ động trữ nước, điều tiết nước trong sinh hoạt và đời sống; thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước…

NƯỚC LÀ TÀI NGUYÊN VÔ GIÁ NHƯNG KHÔNG VÔ TẬN

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh nước là một nguồn tài nguyên quý giá, tối quan trọng với sự sống con người và các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội. Nhưng trong thời gian qua, ý nghĩa tài nguyên của nước chưa thực sự được coi trọng.

Việt Nam là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên nước đa dạng và dồi dào. Tuy nhiên, nước không phải nguồn tài nguyên vô tận và bất biến. “Chính vì chưa coi nước là tài nguyên quý giá nên việc khai thác, sử dụng nước thời gian qua nhiều khi chưa được quan tâm đúng mức cần tiết kiệm, hiệu quả, gắn khai thác, sử dụng với việc bảo vệ nguồn nước và hành lang nguồn nước khiến cho nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, bị cạn kiệt, ảnh hưởng tới môi sinh, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân”, đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Dự thảo luật quy định UBND tỉnh tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Quy định này là cần thiết để tăng cường tính hiệu lực, hiêu quả và trách nhiệm của chính quyền cũng như người dân trong bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, để nhân dân nắm được thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, có phương án lựa chọn sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, quy định trên còn chung chung, chưa rõ hình thức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Dự thảo luật quy định UBND tỉnh tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Quy định này là cần thiết để tăng cường tính hiệu lực, hiêu quả và trách nhiệm của chính quyền cũng như người dân trong bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, để nhân dân nắm được thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, có phương án lựa chọn sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, quy định trên còn chung chung, chưa rõ hình thức thực hiện.

Bên cạnh đó, việc sụt giảm đến mức báo động về trữ lượng nước do nhiều nguyên nhân đòi hỏi có những quy định, giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa nguy cơ mất an ninh nguồn nước. Bởi vậy, việc nhấn mạnh khía cạnh tài nguyên của nước trong tên gọi của Luật và quy định xuyên suốt trong luật, nhất quán quan điểm: nước là tài sản công và sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước là cốt lõi trong xây dựng, quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác, sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước.

Khẳng định, nước là tài nguyên vô giá, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nguồn nước ở Việt Nam đang suy giảm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tác động của thiên nhiên và con người gây ra.

Cũng theo đại biểu, việc quy định các hành vi bị cấm trong dự thảo luật là rất cần thiết. Trong thời gian qua, việc xử lý các hành vi vi phạm rất khó khăn, thiếu nghiêm minh nên ý thức chấp hành của người dân còn hạn chế. Do đó đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, hủy hoại nước, khai thác nước ngầm vô tội vạ…

Về điều phối nước, cần tính đến tổ chức, cá nhân sử dụng ở hạ lưu thường bị thiệt thòi, nhất là ở các đập thủy điện vào mùa khô, sông, suối cuối nguồn. Theo đại biểu cần phải quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng nước đầu nguồn để cuối nguồn có nước sạch sử dụng. Việc điều tiết, phân phối, điều hòa nước trong lúc hạn hán, thiếu nước là rất cần thiết.

Đại biểu cũng cho rằng cần nghiên cứu cấp phép khai thác cho phù hợp với luật chuyên ngành, xem tài nguyên nước là hàng hóa và là nguồn lợi kinh tế của chủ thể khai thác nên phải có trách nhiệm trong quản lý, sử dụng công trình của chủ sở hữu cho mục đích kinh tế như thủy điện, nuôi trồng thủy sản, du lịch, tận thu khoáng sản...

BỔ SUNG KHÁI NIỆM TÁI SỬ DỤNG NƯỚC, TUẦN HOÀN NƯỚC

Về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định trong dự thảo, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), cho rằng việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư là rất cần thiết, song quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường.

Các dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ phải lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức có liên quan. Như vậy, quy định của dự thảo luật sẽ dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện 2 lần công tác lấy ý kiến hoặc thực hiện một lần nhưng lại phải có 2 bộ hồ sơ gây tốn kém, không cần thiết.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều 20/6/2023.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều 20/6/2023.

Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) và Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này. Trong trường hợp cần thiết thì sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp.

Theo các đại biểu, trước tình trạng giảm mực nước tại một số dòng sông; việc suy kiệt nguồn nước ngầm; tình trạng hạn hán ở miền Trung, nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… đang đặt ra việc phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, sử dụng nước tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Dự thảo luật đã quy định nhiều biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhưng biện pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước chưa được đề cập rõ trong dự thảo luật.

Trong khi đó, tuần hoàn tài nguyên nói chung, tài nguyên nước nói riêng là chính sách được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn, góp phần đảm bảo việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy tuần hoàn, tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước.

Từ phân tích này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về tái sử dụng nước trong dự thảo luật, trong đó cần đưa ra định nghĩa về các khái niệm như tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước để từng bước hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên.

Đồng thời, trong quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nên bổ sung nội dung tuần hoàn nước. Với các quy định cho sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và sử dụng mục đích khác cũng cần khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và có cơ chế ưu đãi.

Về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định trong dự thảo, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), cho rằng việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư là rất cần thiết, song quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường.

Các dự án xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ phải lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức có liên quan. Quy định của dự thảo luật sẽ dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện 2 lần lấy ý kiến hoặc thực hiện một lần nhưng phải có 2 bộ hồ sơ gây tốn kém, không cần thiết.

Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình và Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đề nghị cân nhắc bỏ quy định này. Trong trường hợp cần thiết thì sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng, đặc biệt là an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến Việt Nam. Việc sửa đổi luật cũng giúp chủ động trong việc tích nước, đảm bảo đủ nước, cấp nước sinh hoạt cho sinh hoạt và sản xuất.

Ông Khánh cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để rà soát dự thảo Luật chặt chẽ hơn, kiểm soát vấn đề sử dụng nước hiệu quả, sử dụng tuần hoàn nước, có các chính sách điều tiết nguồn nước để giải quyết vấn đề thiếu nước ở mùa khô và giữ nước mùa mưa đảm bảo hiệu quả quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội…