11:24 10/02/2012

Kiểm toán các “ông lớn”: Biết dư luận quan tâm, nhưng...

Trang Anh

Kế hoạch kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước đã khiến không ít người bất ngờ

Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái: "Do số lượng đầu mối được kiểm toán quá nhiều nên chúng tôi không thể tổ chức công bố với báo giới được."
Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái: "Do số lượng đầu mối được kiểm toán quá nhiều nên chúng tôi không thể tổ chức công bố với báo giới được."
Kế hoạch kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố đã khiến không ít người bất ngờ, vì sự vắng mặt của hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn.

Không những thế, với một số tập đoàn đang có “tai tiếng” trong hoạt động, quản lý như EVN, Petrolimex, các ngân hàng... dù đến thời điểm này đã hoàn tất kiểm toán năm 2011, song kết quả thì vẫn chưa thể công khai, dù luật không cho phép như vậy.

Trao đổi với VnEconomy và báo giới tại buổi họp báo ngày 9/2, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái đã lý giải những “bất thường” trên.

Thưa ông, tại sao Kiểm toán Nhà nước tổ chức công bố kế hoạch kiểm toán năm 2012 nhưng vẫn chưa công bố kết quả kiểm toán cụ thể đối với một số tập đoàn lớn trong năm 2011?

Trong năm 2011, chúng tôi đã tiến hành kiểm toán 151 đầu mối, trong đó có 34 tỉnh, thành phố, 20 bộ, ngành, 27 tập đoàn, tổng công ty, 39 dự án đầu tư... Đến thời điểm 10/12/2012, toàn bộ các cuộc kiểm toán đã được hoàn tất.

Tuy nhiên, do số lượng đầu mối được kiểm toán quá nhiều nên chúng tôi không thể tổ chức công bố với báo giới được. Còn thực tế, ngay sau khi kết thúc kiểm toán, chúng tôi đã gửi lại cho đơn vị được kiểm toán, một số đơn vị liên quan để đối chiếu.

Còn đối với kết quả kiểm toán tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chúng tôi cũng đã gửi tới các đơn vị liên qua, đã sử dụng kết quả kiểm toán để kiến nghị, tham vấn cho các bộ, ngành, Thủ tướng trong việc quản lý, điều hành đối với tập đoàn này. Với báo chí, có thể sẽ tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm toán EVN vào giữa năm nay.

Vậy còn kết quả kiểm toán tại các ngân hàng thương mại lớn thì sao, thưa ông?

Trong năm 2011, Kiểm toán Nhà nước có kiểm toán một số ngân hàng thương mai, trong đó có Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Công Thương (Viettinbank).

Với VDB, đây là một tổ chức kinh tế thực hiện chính sách có điều kiện. Vốn của ngân hàng này do nhà nước cấp hoặc huy động từ các tổ chức, trong đó nhà nước có hỗ trợ về chi phí huy động.

Đối với ngân hàng Viettinbank thì theo một số thông tin chúng tôi biết được, đây là ngân hàng có mức lãi nhất hiện nay, khoảng trên 8.000 tỷ đồng. Còn qua kiểm toán vừa qua, tình hình thanh khoản bình thường, không có vấn đề gì đáng ngại như một số cơ quan truyền thông đưa tin.

Còn các ngân hàng thương mại khác mà nhà nước không chiếm cổ phần chi phối thì theo quy định, chúng tôi không tiến hành kiểm toán.

Thưa ông, tại sao trong kế hoạch kiểm toán năm nay lại vắng mặt hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn?

Năm nay chúng tôi chỉ chọn kiểm toán hai tập đoàn là Hóa chất và Xăng dầu. Thực tế thì hiện nay, tập đoàn, tổng công ty hiện khá nhiều, lên tới hàng chục đơn vị,  trong khi năng lực kiểm toán Nhà nước lại có hạn. Chúng tôi chỉ lựa chọn những đơn vị ưu tiên để kiểm toán, trong đó phần lớn là các đơn vị, dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn ODA.

Như vậy liệu kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán nhà nước có quá cứng nhắc không, làm theo kiểu tuần tự, bởi trong năm 2011 các vấn đề về quản lý, sử dụng vốn, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn là khá nóng và dư luận hiện cũng rất quan tâm?

Kiểm toán chuyên đề năm nay mới bắt đầu làm, nếu chúng ta làm nhiều quá có khi sẽ không thành công. Tuy nhiên, dù không kiểm toán chuyên đề nhưng tất cả các tập đoàn, tổng công ty trong những năm vừa qua chúng tôi đều có đánh giá hết, đặc biệt là trong vấn đề đầu tư ngoài ngành, từ đó có những cảnh báo, kiến nghị rõ ràng.

Vẫn biết rằng, đó là những vấn đề dư luận đang rất quan tâm, trông chờ vào kết quả kiểm toán nhưng chúng ta không thể đòi hỏi làm ngay được mà cần phải có kế hoạch, có thời gian, có lộ trình xây dựng cụ thể.

Còn kế hoạch trong những năm tới, vấn đề đầu tư, quản lý vốn của các tập đoàn kinh tế sẽ là một trong những nội dung chúng tôi sẽ xem xét để có thể làm một chuyên đề bao quát.

Tại sao Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa được kiểm toán trong năm 2011, năm nay lại tiếp tục có mặt trong danh sách. Liệu tập đoàn này đang “vấn đề”?

Trong năm 2011, chúng tôi không kiểm toán báo cáo tài chính của Petrolimex, mà đó là kiểm toán chuyên đề về quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 10 đầu mối, trong đó có Petrolimex. Thông thường với kiểm toán báo cáo tài chính thì phải 2 -3 năm mới quay lại, song nếu xét thấy cần thiết thì chúng tôi vẫn có thể kiểm toán trong 2 năm liên tiếp đối với bất kỳ một đơn vị nào.

Vậy năm nay sẽ kiểm toán Petrolimex ở những nội dung nào, thưa ông?

Chúng tôi sẽ tập trung vào kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại tập đoàn này có hiệu quả không hay có bất thường, rủi ro gì không...

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tập trung kiểm toán việc bù lỗ giá xăng dầu, bình ổn giá xăng dầu... đối với Petrolimex. Đối với nội dung này, chúng tôi không chỉ triển khai tại Petrolimex mà sẽ kiểm toán cả Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Saigon Petro.

Hơn nữa, trong khi năm ngoái chỉ kiểm toán quỹ bình ổn giá, thì năm nay sẽ đi sâu kiểm toán về vấn đề giá mua, bán để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên.

Trong quá trình lên kế hoạch kiểm toán năm nay, Kiểm toán Nhà nước có nhận được đề nghị xin trì hoãn kiểm toán nào không, có tình trạng chạy chọt từ các đơn vị không, thưa ông?

Tôi cũng xin nói thật là có một đơn vị xin trì hoãn, đó là Tổng công ty Cụm Cảng hàng không miền Bắc. Tuy nhiên, việc xin trì hoãn kiểm toán của đơn vị này là do đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Lý do là vì đơn vị này đang tiến hành sáp nhập, cổ phần hóa, đầu tư các dự án dở dang...

Hiện các đơn vị liên quan đang tổng hợp xem xét để trình Tổng kiểm toán Nhà nước có ý kiến chính thức về cuộc kiểm toán này.