17:35 06/10/2022

Kiểm toán nội bộ phải phát hiện được gian lận trong doanh nghiệp bảo hiểm

Trâm Anh

Đó là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo "Thông tư quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài"...

Tuyến bảo vệ thứ ba: bộ phận kiểm toán nội bộ, phải đảm bảo tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp.
Tuyến bảo vệ thứ ba: bộ phận kiểm toán nội bộ, phải đảm bảo tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp.

Nhằm hướng dẫn thực hiện Điều 84, Điều 85, Điều 86 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo "Thông tư quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài". 

XÂY 3 TUYẾN BẢO VỆ ĐỘC LẬP

Theo dự thảo thông tư, hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải được tổ chức với 3 tuyến bảo vệ độc lập.

Cụ thể, tuyến bảo vệ thứ nhất là các bộ phận nghiệp vụ; tuyến bảo vệ thứ hai: bộ phận kiểm soát tuân thủ, bộ phận quản trị rủi ro và chuyên gia tính toán bảo hiểm; tuyến bảo vệ thứ ba: bộ phận kiểm toán nội bộ.

 

Tuyến bảo vệ thứ 3 là kiểm toán nội bộ có nhiệm vụ rà soát, đánh giá độc lập, khách quan đối với hoạt động kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro; đánh giá độc lập về tính thích hợp và tuân thủ quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đã được thiết lập trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

Cùng đó, dự thảo cũng kiến nghị sửa chữa, khắc phục sai sót, đề xuất biện pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định nội bộ đối với nhiệm vụ tuyến bảo vệ thứ 3.

Cũng theo dự thảo thông tư, nội dung của kiểm toán nội bộ bao gồm 4 nội dung.

Cụ thể, kiểm toán tài chính để đánh giá, xác nhận tính chính xác, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính.

Kiểm toán tuân thủ để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, quy trình, quy chế nội bộ của doanh nghiệp.

Kiểm toán hoạt động để kiểm toán tính đầy đủ, chính xác và an toàn của hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm nghiệp vụ; kiểm toán việc sử dụng hiệu quả, an toàn trong hoạt động bảo vệ, quản lý và sử dụng tài sản, nguồn lực của doanh nghiệp, xác định mức độ phù hợp giữa kết quả hoạt động đạt được và mục tiêu hoạt động đề ra.

Ngoài ra, kiểm toán các nội dung khác theo yêu cầu của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài.

KIỂM TOÁN NỘI BỘ PHẢI PHÁT HIỆN ĐƯỢC GIAN LẬN

Dự thảo thông tư cũng yêu cầu kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính độc lập với các bộ phận nghiệp vụ và không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong quá trình xác định phạm vi và nội dung kiểm toán, khi thực hiện đánh giá và báo cáo kết quả kiểm toán; tính khách quan; tính chuyên nghiệp.

Kiểm toán viên nội bộ cũng phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm toán nội bộ.

 

"Kiểm toán viên nội bộ phải là người có kiến thức, trình độ và kỹ năng kiểm toán nội bộ cần thiết, có đủ kiến thức để xác định được các dấu hiệu gian lận, có kiến thức về rủi ro trong hoạt động bảo hiểm", dự thảo nêu rõ.

Cũng theo dự thảo này, về kế hoạch kiểm toán nội bộ, căn cứ mục tiêu, chính sách, quy mô, mức độ rủi ro của các hoạt động và nguồn lực hiện có, bộ phận kiểm toán nội bộ xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm, bao gồm phạm vi kiểm toán, đối tượng kiểm toán, các mục tiêu kiểm toán, thời gian kiểm toán và việc phân bổ các nguồn lực. Những nghiệp vụ có rủi ro cao phải được kiểm toán ít nhất mỗi năm một lần...

Với các bộ phận được kiểm toán, "cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, hồ sơ cần thiết cho công việc của kiểm toán nội bộ theo yêu cầu của bộ phận kiểm toán nội bộ một cách trung thực, chính xác, không được che giấu thông tin" dự thảo nêu rõ. Đồng thời, thông báo ngay cho bộ phận kiểm toán nội bộ khi phát hiện những yếu kém, tồn tại, các sai phạm, rủi ro, thất thoát lớn về tài sản, hoặc nguy cơ thất thoát tài sản.

Kể từ ngày kết thúc mỗi cuộc kiểm toán, báo cáo kiểm toán nội bộ phải được lập trong thời hạn tối đa không quá 1 tháng. 

Báo cáo kiểm toán phải trình bày rõ: nội dung kiểm toán, phạm vi kiểm toán; những đánh giá, kết luận về nội dung đã được kiểm toán và cơ sở đưa ra các ý kiến này; các yếu kém, tồn tại, các sai sót, vi phạm, các ý kiến giải trình của đối tượng kiểm toán.

Cùng với đó, kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót và xử lý vi phạm, các biện pháp nhằm cải tiến quy trình nghiệp vụ, hoàn thiện chính sách quản lý rủi ro, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài (nếu có).