17:24 15/05/2024

Kiểm tra việc xử lý vi phạm trốn đóng bảo hiểm tại 7 địa phương

Phúc Minh

Thông qua việc kiểm tra nhằm đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết vừa ban hành Quyết định kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2024 tại Bảo hiểm xã hội 7 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Vĩnh Long.

Việc kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thông qua kiểm tra cũng nhằm phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, khắc phục.

Đồng thời, phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, còn phát hiện các quy định bất cập, chưa thống nhất, đồng bộ, hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào việc triển khai thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể như: Việc bố trí nguồn lực và các điều kiện khác để bảo đảm cho việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; tổng số người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh tại cơ quan, đơn vị.

Việc thực hiện trách nhiệm của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh trong tổ chức thực hiện, và áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật khác có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính…

Cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Đơn cử như về tổng số vụ vi phạm; tổng số vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính; số vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực; số vụ chuyển cơ quan tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự; số vụ việc cơ quan tố tụng chuyển để xử phạt vi phạm hành chính.

Kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiến nghị khởi tố đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015. Thời gian thực hiện việc kiểm tra trong quý 2, quý 3 năm nay.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2018 đến hết năm 2023, toàn ngành đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra, trong đó có có 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Riêng năm 2023, toàn ngành phát sinh 8 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216.

Tuy nhiên, tính đến nay, trên thực tế chưa có vụ án nào liên quan Điều 216 được đưa ra xét xử, do cơ quan Công an xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa đủ điều kiện thụ lý.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở, tiền đề để xử lý hình sự về tội trốn đóng.

Mặt khác, theo Điều 216 chỉ xử lý được với pháp nhân, khó áp dụng với cá nhân do chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cá nhân là người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động.