15:23 07/02/2007

Kiện chống bán phá giá: Cách nào giảm nguy cơ?

TS. Phan Minh Ngọc

Chắc chắn rằng sau gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều các vụ kiện chống bán phá giá ở nước ngoài

Việc thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cũng sẽ góp phần giảm nguy cơ bị kiện chống bán phá giá - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cũng sẽ góp phần giảm nguy cơ bị kiện chống bán phá giá - Ảnh: Việt Tuấn.
Chắc chắn rằng sau gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều các vụ kiện chống bán phá giá ở nước ngoài.

Cho đến nay, Việt Nam đã là đối tượng bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá trong hàng chục vụ việc khác nhau. Đặc biệt, những mặt hàng nhạy cảm, dễ bị kiện bán phá giá như dệt may, kim khí, hóa chất, thiết bị và dụng cụ điện... lại là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước đang phát triển nói chung và cả Việt Nam nói riêng hiện tại và trong tương lai.

Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam gồm những điều khỏan đặc biệt về chống bán phá giá và biện pháp tự vệ mà các nước đối tác thương mại có thể sử dụng chống lại hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý nhất trong số này là việc các đối tác lợi dụng tư cách “nền kinh tế phi thị trường” của Việt Nam trong vòng 12 năm quá độ sau khi gia nhập WTO để tiến hành các điều tra về bán phá giá.

Chưa kể, họ cũng có khả năng sẽ sử dụng biện pháp “tự vệ đối với từng sản phẩm” trong thời kỳ quá độ.

Tất nhiên, tư cách thành viên WTO của Việt Nam cho phép Việt Nam sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để chống lại sự lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá của các nước đối tác thương mại. Nhưng cơ chế này chỉ có tác dụng hạn chế và trong ngắn hạn, vì nhiều lý do, trong đó có năng lực pháp lý và tài chính để theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá của các chủ thể có liên quan ở Việt Nam là khá hạn chế.

Vì vậy, Việt Nam cần phải dựa chủ yếu vào chính sách riêng của mình để chủ động hạn chế rủi ro bị áp đặt các biện pháp chống bán phá giá, bắt đầu với chính sách thương mại.

Tư cách “nền kinh tế phi thị trường” cho phép các nhà điều tra chống bán phá giá nước ngoài sử dụng các ước định về giá cả để ước tính giá cả nội địa và giá thành hàng xuất khẩu của Việt Nam để kết luận liệu có hay không bán phá giá. Những ước định này làm cho việc chứng minh được sự tồn tại của phá giá dễ dàng hơn nhiều, và làm tăng thêm biên độ phá giá, so với trường hợp của các nền kinh tế thị trường.

Vì vậy, biện pháp đối phó đầu tiên mà Việt Nam cần làm là nhanh chóng cải cách chính sách thương mại và công nghiệp của mình để được các nước đối tác công nhận là “nền kinh tế thị trường” càng sớm càng tốt.

Bởi, các nhà điều tra bán phá giá nước ngoài sẽ tự động trao tư cách “nền kinh tế thị trường” cho các nhà xuất khẩu Việt Nam nào thỏa mãn 3 điều kiện sau:

- Biểu thuế tối huệ quốc của Việt Nam đánh lên một sản phẩm liên quan ở mức vừa phải (ví dụ 10% hay thấp hơn); 

- Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam không áp đặt “các biện pháp vùng xám chủ chốt” (core gray-area measures) lên sản phẩm liên quan; 

- Các công ty phân phối độc quyền nhà nước không được liên quan đến việc phân phối các chủng loại sản phẩm (trong nước hoặc nước ngoài sản xuất) tương tự như sản phẩm liên quan. (Các doanh nghiệp sản xuất độc quyền nhà nước thì được phép, vì sự bảo hộ chủ yếu bằng một biểu thuế vừa phải sẽ loại bỏ rủi ro dẫn đến độc quyền của một nhà sản xuất nội địa duy nhất.)

Cần nói thêm về điều kiện thứ nhất. Nếu Việt Nam vẫn áp đặt mức thuế nhập khẩu cao lên các mặt hàng nhạy cảm dễ bị kiện bán phá giá nói trên thì sẽ làm tăng khả năng bị kiện bán phá giá, đặc biệt ở những mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm này.

Ngoài chuyện dễ bị áp đặt biện pháp chống bán phá giá để trả đũa cho mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam cao, biểu thuế nhập khẩu cao còn làm tăng giá hàng hóa nội địa, tạo điều kiện cho các lời cáo buộc bán phá giá dễ chứng minh hơn vì hàng xuất khẩu của Việt Nam thường có giá bán tính toán trên cơ sở giá cả tại nước nhập khẩu.

Vì vậy, việc áp dụng các biểu thuế vừa phải và đồng bộ để giảm bóp méo về giá cả trên thị trường nội địa sẽ góp phần đáng kể giảm khả năng bị kiện bán phá giá (các nhà điều tra bán phá giá nước ngoài sẽ coi những bóp méo này là dấu hiệu của bán phá giá).

Tất nhiên, một biện pháp hữu hiệu khác, nhưng không dễ thực hiện, là nâng cấp cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tránh tập trung quá nhiều vào các mặt hàng dễ bị kiện như nói trên (rút ra từ kinh nghiệm của Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Singapore).

Ở khía cạnh này, các biện pháp chống bán phá giá của nước ngoài có thể nói là có tác dụng giúp nền kinh tế nội địa nâng cấp lợi thế so sánh và tiến lên trên bậc thang phát triển nhờ nâng cấp và thay đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu.

Chừng nào Việt Nam còn tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng mũi nhọn như thủy sản, dệt may, da giầy, đồ gỗ v.v... thì nguy cơ bị kiện bán phá giá ngày càng nhiều vẫn còn đó. Trong những năm ngay sau gia nhập WTO, do cơ cấu sản xuất và xuất khẩu không thể có ngay những biến chuyển đáng kể nên nếu chính sách thương mại không có những cải thiện lớn theo hướng nói trên thì Việt Nam cần phải tiên lượng trước và sẵn sàng đương đầu với những vụ kiện mới.

Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng cần nhận thức rõ rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ít bị rủi ro kiện bán phá giá nếu ta cũng tích cực mở cửa thị trường của mình theo đúng cam kết với WTO, rằng họ cần phải giám sát chặt chẽ và ủng hộ mạnh mẽ quá trình tự do hóa nền kinh tế, trong đó có giám sát và quản lý chặt chẽ việc sử dụng các biện pháp chống phá giá đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngược lại, các nhà xuất khẩu ở nước ngoài cũng sẽ làm như vậy nếu họ biết rằng họ có thể tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng và ổn định. Đây là một điều rất quan trọng mà nhiều người ở Việt Nam, kể cả các cơ quan có thẩm quyền trong nước, chưa nhận thức được, vì người ta có xu hướng coi chống bán phá giá hàng nước ngoài ở Việt Nam và đối phó với chống bán phá giá hàng Việt Nam ở nước ngoài là 2 lĩnh vực khác nhau và không liên quan đến nhau.

Tóm lại, việc mở cửa thị trường nội địa và sử dụng thận trọng các biện pháp chống bán phá giá hàng nước ngoài tại Việt Nam, đi đôi với việc thỏa mãn 3 điều kiện để được trao tư cách nền kinh tế thị trường, và việc thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, là những giải pháp chính và hữu hiệu giúp Việt Nam tránh phải đương đầu ngày càng nhiều với các biện pháp chống bán phá giá của các nước đối tác trong những quá độ sau gia nhập WTO.