22:09 20/04/2022

Kiến nghị bổ sung loạt dự án điện gió, điện mặt trời vào Quy hoạch điện 8, Bình Thuận kỳ vọng gì?

Song Hoàng

Việc xem xét đưa các dự án điện lớn của Bình Thuận vào Quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo tính đột phá, tạo động lực phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng khí và kinh tế - xã hội cho địa phương này...

Bình Thuận kiến nghị đưa nhiều dự án điện gió vào quy hoạch điện 8
Bình Thuận kiến nghị đưa nhiều dự án điện gió vào quy hoạch điện 8

Theo Sở Công thương Bình Thuận, Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận được quy hoạch đầu tư 2 Trung tâm Điện lực lớn là Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (6.180 MW), Trung tâm điện lực Sơn Mỹ (4.500 MW) và hệ thống truyền tải giải phóng công suất của các nguồn cung điện trên địa bàn.

Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành 4 nhà máy nhiệt điện là Vĩnh Tân 1 (1.240 MW), Vĩnh Tân 2 (1.244 MW), Vĩnh Tân 4 (1.200 MW) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW). Tổng cộng đến nay, tỉnh Bình Thuận có 48 nhà máy điện đã thi công hoàn thành và đang hoạt động, phát điện với tổng công suất 6.521 MW.

Sản lượng điện thiết kế của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 31,8 tỷ kWh/năm. Trong giai đoạn 2021 - 2030, theo quy hoạch phát triển điện lực đã được duyệt, dự kiến tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (1.980 MW), Nhà máy điện khí LNG Sơn Mỹ I (2.250 MW) và Sơn Mỹ II (2.250 MW) và các dự án thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời trên đất liền (khoảng 570 MW).

Với vị trí địa lý thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có hệ thống đường dây truyền tải 500 kV và 220 kV, Bình Thuận rất thuận lợi để phát triển các dự án điện và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và điện khí LNG để cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam.

Do đó, để khai thác các lợi thế và tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét bổ sung và phê duyệt danh mục phát triển các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045, gồm: 08 dự án điện gió ngoài khơi, công suất 22.200 MW; Dự án điện khí LNG mũi Kê Gà, công suất 3.200 MW; Dự án thủy điện tích năng tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, công suất 600 MW; cập nhật 14 dự án điện gió trên đất liền, với tổng công suất 378 MW; 62 dự án điện mặt trời với tổng công suất 3.371 MW.

Đồng thời, xem xét bổ sung vào quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 các hệ thống đường dây truyền tải và các trạm biến áp 500 kV, 220 kV, triển khai đồng bộ để phục vụ đấu nối, truyền tải, giải tỏa công suất và phát huy hiệu quả các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó, có các công trình đường dây 500 kV và các trạm biến áp để giải tỏa công suất các dự án điện.

Việc xem xét đưa các dự án điện nêu trên vào Quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo tính đột phá, tạo động lực phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng khí và kinh tế - xã hội của địa phương; phát huy hiệu quả hệ thống truyền tải 500 kV từ Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận về Long Thành (Đồng Nai) và tỉnh Bình Dương.