08:50 28/05/2024

Cúm gia cầm được phát hiện trong thịt bò, Mỹ chuẩn bị vaccine H5N1

Hoài Phương

Hiện có gần 20 loại vaccine ngừa cúm A/H5N1 được cấp phép sử dụng nếu xảy ra đại dịch và những loại vaccine này có thể được điều chỉnh phù hợp với chủng virus cụ thể lưu hành…

Ảnh: MedPage Today
Ảnh: MedPage Today

Trên tờ CNN, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thông báo hôm thứ Sáu rằng thịt của một con bò sữa bị loại khỏi đàn và đưa đi giết mổ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1. Tuy nhiên, giới chức USDA lưu ý việc xét nghiệm được thực hiện như một phần tiêu chuẩn của quy trình kiểm tra thực phẩm, do đó số thịt bò bị nhiễm cúm gia cầm chưa lọt vào nguồn cung thực phẩm, thịt bò bán trên thị trường vẫn an toàn.

Việc phát hiện một con bò có kết quả xét nghiệm dương tính với H5N1 sau khi chết, sau khi mắc bệnh toàn thân, cho thấy rằng một số động vật bị bệnh sẽ không bị phát hiện. Điều này đồng nghĩa người chủ có thể đã không xét nghiệm con vật trước khi giết mổ và những con bò khác trong đàn có thể bị nhiễm bệnh. USDA cho biếtcơ quan này đã thông báo cho các chủ sở hữu và đang truy tìm con vật xuất phát từ đàn bò đó để có thêm thông tin.

USDA cho biết các mẫu lấy từ 95 con bò khác đã bị tiêu hủy và loại bỏ vì bệnh tật đã được xét nghiệm âm tính với virus kể từ ngày 22/5 và việc xét nghiệm đang được tiến hành trên khoảng chục mẫu nữa. Các thử nghiệm trước đây trên các mẫu thịt bò xay sử dụng một loại virus khác tương đương thay thế cho H5N1 cho thấy virus này bị tiêu diệt khi nấu ở nhiệt độ ít nhất là 160 độ.

USDA công bố hồi cuối tháng 3 rằng một con bò sữa đã có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm H5N1.
USDA công bố hồi cuối tháng 3 rằng một con bò sữa đã có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm H5N1.

Đồng thời, hãng Reuters ngày 23/5 đưa tin, nước Mỹ vừa ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người tại tiểu bang Michigan. Trước đó, trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 4 vừa qua ở tiểu bang Texas. Tương tự như trường hợp đầu tiên ở Texas, các bác sĩ phát hiện virus cúm H5N1 trong mẫu xét nghiệm lấy từ dịch mắt của bệnh nhân tại Michigan.

Nhà dịch tễ học Nirav Shah nhận định việc phát hiện virus cúm H5N1 ở dịch mắt là một dấu hiệu đáng mừng. “Kết quả xét nghiệm trên làm giảm khả năng lây truyền qua đường hô hấp. Bởi họ không phát hiện virus H5N1 trong mẫu xét nghiệm lấy ở mũi bệnh nhân”, ông Shah nói. Theo cơ quan y tế của Michigan, bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ và đã hồi phục. Người này thường xuyên tiếp xúc với đàn gia súc bị nhiễm cúm H5N1. Vì thế, giả thiết hàng đầu về nguyên nhân mắc bệnh là do lây nhiễm từ bò sang người.

Cũng trong ngày 23/5, giới chức bang Victoria, Đông Nam Australia, xác nhận dịch cúm gia cầm chủng H7N3 độc lực cao đã xuất hiện tại một trang trại gia cầm ở thị trấn Terang thuộc bang này. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Australia báo cáo trường hợp nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người và dịch cúm gia cầm tại một trang trại khác ở thị trấn Meredith cùng bang.

Trong bối cảnh này, Mỹ đã áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu đối với một số sản phẩm gia cầm và phụ phẩm từ bang Victoria (Australia). Cơ quan Kiểm dịch Động vật và Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo lệnh hạn chế có hiệu lực từ ngày 22/5 đến khi có thông báo mới. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết các sản phẩm và phụ phẩm gia cầm chưa qua chế biến có nguồn gốc hoặc vận chuyển qua bang Victoria sẽ không được phép nhập khẩu vào Mỹ.

Nước Mỹ vừa ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người tại tiểu bang Michigan.
Nước Mỹ vừa ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người tại tiểu bang Michigan.

Cúm gia cầm đã lây lan sang người và các loài động vật có vú khác, trong đó có bò sữa ở Mỹ vào tháng 3, làm dấy lên lo ngại về việc virus có thể đột biến thành dạng dễ lây truyền giữa người với người và gây ra đại dịch. Tháng 4, Colombia trở thành quốc gia đầu tiên hạn chế nhập khẩu thịt bò và các sản phẩm thịt bò từ các bang của Mỹ nơi bò sữa có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm. Trong một thông báo ngày 24/5, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khẳng định cơ quan chức năng nước này thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về kiểm dịch đối với các sản phẩm thịt bò nhằm đảm bảo thịt bò nhiễm virus không được đưa ra thị trường.

Trong ngắn hạn, WHO khuyến cáo các chính phủ phải hành động từ bây giờ để triển khai các năng lực xử lý của mình để ứng phó trước sự lan truyền không thể kiểm soát của virus H5N1 nếu nó tiến hóa để lan truyền giữa người với người. Điều này bao gồm việc tại trợ cho nghiên cứu về vaccine hiệu quả chống lại virus, tiếp tục giám sát gia súc và người, đồng thời lên kế hoạch phản hồi khẩn cấp.

Các quan chức y tế Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết hiện có gần 20 loại virus vaccine tiềm năng H5N1 hiện có sẵn cho các nhà sản xuất nếu virus cúm gia cầm bắt đầu lây lan sang người. Ngoài ra, CDC đã phát triển một loại virus vaccine ứng cử viên gần giống với protein trong chủng hiện tại. Nếu cần thiết, loại virus này có thể sử dụng để sản xuất vaccine cho người.

Theo phân tích sơ bộ, vaccine này dự kiến mang lại khả năng bảo vệ tốt chống lại chủng H5N1 hiện tại. Cả hai loại ứng cử viên vaccine đều có trong kho dự trữ của chính phủ với số lượng hạn chế và hàng trăm nghìn ống tiêm và lọ thuốc đã được chuẩn bị, sẵn sàng xuất xưởng.

"Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy cúm gia cầm đang lây lan giữa người với người. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu thấy sự lây truyền sang người, vaccine có thể giúp ích", tiến sỹ y khoa William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư tại Trường Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết. “Việc chuẩn bị một loại vaccine sẽ đảm bảo các quan chức y tế công cộng luôn sẵn sàng trong trường hợp cần thiết”.

Hiện có gần 20 loại virus vaccine tiềm năng H5N1 hiện có sẵn cho các nhà sản xuất nếu virus cúm gia cầm bắt đầu lây lan sang người.
Hiện có gần 20 loại virus vaccine tiềm năng H5N1 hiện có sẵn cho các nhà sản xuất nếu virus cúm gia cầm bắt đầu lây lan sang người.

Tiến sĩ John Sellick, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học Buffalo SUNY, cũng cho biết vaccine thường không được sản xuất trước khi có vấn đề lớn về sức khỏe, nhưng đó là "một phần của quá trình chuẩn bị và suy nghĩ trước đại dịch”.

"Nếu virus phát triển khả năng lây lan dễ dàng từ người sang người, chúng ta sẽ phải đối mặt với một đại dịch khác. Tiêm chủng là nền tảng của việc ứng phó, vaccine giúp hạn chế lớn thiệt hại về người", TS. Sellick nói. Theo các chuyên gia, những người làm việc trong quy trình sản xuất các sản phẩm từ sữa và gia cầm có thể cần tiêm vaccine trước hết.

Mặc dù có tên là "cúm," song các chủng cúm gia cầm độc lực cao không chỉ gây bệnh về đường hô hấp mà thường ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và não của động vật có vú. Điều đáng lo ngại là nếu H5N1 trở nên phổ biến ở động vật có vú, nó có thể biến đổi và lây lan rộng rãi hơn sang con người. Tuy nhiên, theo WHO, cho đến nay những nguy cơ mà H5N1 gây ra cho con người là thấp, tổng cộng có 868 trường hợp và 457 trường hợp tử vong kể từ năm 2003. Hiện tại, chủng cúm gia cầm độc lực cao H7N9 được cho là gây ra nhiều nguy cơ hơn cho con người.