12:59 18/04/2022

Kiến nghị dùng ngân sách mua lại dự án BOT trên Quốc lộ 14 qua Đắk Lắk, hoàn trả vốn cho nhà đầu tư

Ánh Tuyết

Để xử lý dứt điểm bất cập tại dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) qua tỉnh Đắk Lắk, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án báo cáo Quốc hội cho phép bố trí ngân sách nhà nước hoàn trả vốn đầu tư cho các nhà đầu tư BOT...

Trạm thu phí của Công ty cổ phần BOT Quang Đức trên Quốc lộ 14.
Trạm thu phí của Công ty cổ phần BOT Quang Đức trên Quốc lộ 14.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về vướng mắc của dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km 1738+148 – Km 1763+610 tỉnh Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT.

Văn bản chỉ rõ, những bất cập ở dự án trên và các dự án BOT khác từng được Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý từ năm 2017. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có vướng mắc về quy định pháp luật nên đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Việc giải quyết dứt điểm những vướng mắc bất cập của các trạm thu phí, dự án BOT là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu quy định pháp luật, quy định của hợp đồng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 

Về dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, về cơ bản, các bộ, cơ quan dự họp có ý kiến thống nhất hướng giải quyết như đề xuất kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải theo phương án báo cáo Quốc hội cho phép bố trí ngân sách nhà nước để hoàn trả vốn đầu tư cho các nhà đầu tư BOT để xử lý dứt điểm bất cập của dự án.

Tuy nhiên, để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan dự họp, rà soát, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra tồn tại, bất cập của dự án.

Đồng thời, đề xuất phương án khắc phục và làm rõ thẩm quyền quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ.

Quốc lộ 14 là tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nối với các tỉnh Duyên hải Miền Trung, các tỉnh Tây nguyên với vùng Đông Nam bộ.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Km 1738+148 - Km 1763+610 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào tháng 5/2013 và đưa vào khai thác từ tháng 11/2015 có vốn đầu tư 836 tỷ đồng.

Điểm đầu dự án tại Km 1738+148 (trùng với Km 678+734 Quốc lộ 14); điểm cuối tại Km 1763+610 (trùng với Km 704+00 Quốc lộ 14).

Toàn bộ chiều dài tuyến dự án khoảng 25,46 km nằm trong địa phận tỉnh Đắk Lắk được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, hai làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 – 80 km/h.

Dự án do Liên danh Công ty Kinh doanh xuất nhập khẩu Quang Đức, Công ty cổ phần Đông Hưng Gia Lai và Công ty Cổ phần Sê San 4A làm làm nhà đầu tư. Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công trình có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian thu phí hoàn vốn 20 năm 2 tháng 22 ngày.

Thời gian đầu, doanh thu của dự án khá ổn định, đáp ứng được các tiêu chí theo phương án tài chính được phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi thu phí chưa được 5 tháng, đến tháng 4/2016, Bộ Giao thông vận tải ra Quyết định 1313 ngày 28/4/2016 về việc phê duyệt dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía tây thị xã Buôn Hồ với tổng mức đầu tư gần 574 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Điều đáng nói là tuyến tránh này chạy gần song song và chỉ cách tuyến đường BOT vừa khai thác chỉ 5 km về phía tây khiến các phương tiện giao thông chuyển sang đi tuyến đường này, “né” trạm thu phí hiện hành, gây sụt giảm doanh thu 70 - 80% so với phương án tài chính được duyệt.

Những vấn đề bất cập, sai sót, việc đầu tư tuyến tránh có tổng mức đầu tư gần 575 tỷ đồng bằng vốn trái phiếu Chính phủ được đoàn thanh tra dự án chỉ rõ từ lâu. Đó là việc chưa cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư, không đánh giá đầy đủ tác động của dự án, ảnh hưởng đến việc thu phí hoàn vốn của dự án BOT và nhiều bất lợi khác về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay những vướng mắc được chỉ ra vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Chủ đầu tư Quang Đức liên tiếp có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải xem xét, bố trí nguồn vốn ngân sách mua lại dự án, đảm bảo trả nợ cho ngân hàng và quyền lợi của nhà đầu tư.