11:29 16/07/2021

Kiến nghị nâng thời hạn "giấy thông hành" Covid-19, gỡ khó lưu thông hàng hoá

Ánh Tuyết

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị nâng thời hạn hiệu lực giấy xét nghiệm Covid-19 lên 5-7 ngày, áp dụng riêng cho tài xế vận chuyển hàng hóa...

Xe tải kẹt dài tại chốt kiểm soát người từ TP.HCM về Long An
Xe tải kẹt dài tại chốt kiểm soát người từ TP.HCM về Long An

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế kiến nghị về quy định thời hạn hiệu lực của xét nghiệm Covid-19 đối với lái xe vận chuyển hàng hóa.

Văn bản nêu rõ, thực hiện Công điện số 914/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo đảm phòng chống dịch bệnh mà vẫn lưu thông hàng hóa, không gây ách tắc phương tiện vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng hướng dẫn tạo thuận lợi cho việc lưu thông phương tiện trong thời gian TP. HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

 

Hiện, TP. HCM và Bình Dương quy định thời hạn hiệu lực giấy xét nghiệm Covid là 3 ngày, Long An quy định 5 ngày, Đồng Nai quy định 7 ngày. Sự thiếu thống nhất này đã gây khó khăn cho tài xế vận chuyển hàng hóa.

Trong đó, yêu cầu xét nghiệm Covid-19 cho lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận tình trạng không thống nhất giữa các địa phương trong việc công nhận thời hạn giấy xét nghiệm Covid-19.

"Thực tế với xe tải Bắc - Nam, thời gian di chuyển dài, tối thiểu 3 ngày. Khi giao hàng xong thì giấy xét nghiệm đã hết hiệu lực, tài xế phải xét nghiệm lại gây tăng chi phí cho doanh nghiệp vận tải", Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ.

Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam điều đã lập chốt kiểm soát dịch Covid-19. Tổng số có 72 chốt trên các tuyến quốc lộ đã được lập tại các vị trí giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đề xuất trên, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản quy định rõ thời gian hiệu lực kết quả xét nghiệm để các địa phương áp dụng thống nhất.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị đối với các doanh nghiệp, phương tiện vận chuyển hàng thực phẩm thiết yếu, nông sản dễ hư hỏng, trong giấy thông hành kèm theo mã QR Code phải có dấu hiệu nhận biết riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông, cung ứng nhanh nhất phục vụ nhu cầu của người dân. Đặc biệt, cần công bố mọi thông tin chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn một cách nhanh nhất, đầy đủ và dễ tiếp cận nhất.

Trước đó, từ 0h ngày 9/7, TP. HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các chốt kiểm soát ra vào thành phố được thiết lập, yêu cầu người dân ra vào phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Sau khi TP. HCM áp dụng Chỉ thị 16, nhiều địa phương trên cả nước cũng yêu cầu người về từ TP. HCM phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.