Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia tăng gấp 3 lần
Trong 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam – Vương quốc Campuchia đạt 2,69 tỷ USD, tăng 103,68% so với cùng kỳ năm 2020...
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2010-2019, kim ngạch thương mại Việt Nam – Vương quốc Campuchia đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 18%/năm. Năm 2020, kim ngạch thương mại đã đạt 1,83 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với năm 2010.
Đặc biệt trong năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam – Campuchia đã đạt 5,2 tỷ USD. Vượt mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra là 5 tỷ USD vào năm 2020.
Tính riêng 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,69 tỷ USD, tăng 103,68% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 1,22 tỷ USD, tăng 15,83% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chính là: sắt thép các loại (đạt 240 triệu USD, tăng 20,8%, tỷ trọng 19,7% trong tổng xuất khẩu); hàng dệt may (đạt 187,5 triệu USD, tăng 15,5 tỷ trọng 15,3%); xăng dầu các loại (đạt 98,3 triệu USD, tăng 18,4%, tỷ trọng 8%); nguyên phụ liệu dệt may, da giày (đạt 81 triệu USD, tăng 10,6%, tỷ trọng 6,6%).
Nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia cũng tăng đáng kể, đạt 1,47 tỷ USD tăng 443% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: hạt điều đạt 711 triệu USD, tăng 497%, tỷ trọng 48,1%; cao su 318,3 triệu USD, tăng 999%, tỷ trọng 21,5%; hàng rau quả 13,3 triệu USD, tăng 48,2%, tỷ trọng 1%; phế liệu sắt thép 10,7 triệu USD, tăng 216,7%, tỷ trọng 0,7%.
Ghi nhận những kết quả tích cực, tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ông Chay Navuth, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam, hai bên tin tưởng, kim ngạch thương mại hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
"Bộ Công Thương luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan và Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Campuchia ngày càng đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, trên cơ sở thảo luận các khó khăn hiện nay, hai bên thống nhất 7 biện pháp để trao đổi với các cơ quan liên quan thực hiện trong thời gian tới, nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng.
Thứ nhất, duy trì và cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại cửa khẩu đường bộ, đường sông.
Thứ hai, đảm bảo không gián đoạn chuỗi cung ứng, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu như y tế và thực phẩm.
Thứ ba, rà soát, sửa đổi bổ sung và ký kết mới các khuôn khổ pháp lý về thương mại, đặc biệt là Bản Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về việc thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2022-2023.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về kết nối và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Thứ năm, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và kênh phân phối.
Thứ sáu, tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới.
Thứ bảy, tiếp tục tăng cường quan hệ mua bán điện, khắc phục dứt điểm tình trạng dao động công suất trên đường dây truyền tải Châu Đốc – Takeo, đảm bảo sự ổn định và an toàn hệ thống điện của mỗi nước.