07:59 05/07/2008

Kinh tế Anh cũng giống kinh tế Mỹ…

Kiều Oanh

Nhân tố chính kéo kinh tế Anh đi xuống không gì khác chính là sự lao dốc của thị trường nhà đất

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa phải đối mặt với một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, vừa phải đương đầu với lạm phát cao.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa phải đối mặt với một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, vừa phải đương đầu với lạm phát cao.
Thị trường địa ốc “rơi tự do”, lạm phát ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm, nền kinh tế sắp sửa rơi vào suy thoái, hoặc thậm chí đã suy thoái rồi…

>>Kinh tế Mỹ: Vui đâu chưa thấy… / Kinh tế Ấn Độ: Phía sau là chân tường?

Đó là những điểm chung dễ nhận thấy nhất giữa kinh tế Mỹ và kinh tế Anh hiện nay.

Giống như “người anh em” bên kia bờ Đại Tây Dương, kinh tế Anh đã nhiều lần phải đương đầu khó khăn. Và cũng không ít lần trong số đó, tình cảnh của hai nền kinh tế này giống nhau như... hai giọt nước. Trên thực tế, sự tan rã của ngân hàng cho vay cầm cố Northern Rock của Anh là một trong những sự kiện khiến cụm từ “khủng hoảng” tín dụng ăn sâu vào tâm trí của toàn thế giới.

Những số liệu đáng ngại

“Kinh tế Anh có thể suy thoái trước thời điểm cuối năm nay”, ông Peter Newland, nhà nghiên cứu phụ trách về kinh tế Anh cho Ngân hàng Lehman Brothers nhận xét sau khi nêu ra một chuỗi những dữ liệu u ám về nền kinh tế này trong thời gian gần đây. Chính những số liệu này đã khiến các nhà kinh tế học đồng loạt điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế trên quốc đảo này trong thời gian qua.

“Các hoạt động trong toàn bộ nền kinh tế dường như đang đi xuống”, ông Newland nhận xét.

Chỉ số FTSE100 của thị trường chứng khoán London đã giảm mất 19% so với mức đỉnh hồi tháng 6/2007. Như vậy, chỉ cần hàn thử biểu này giảm thêm 1% nữa là thị trường chứng khoán Anh chuyển sang trạng thái thị trường “con gấu” (bear market) mà giới đầu tư vẫn thường sợ hãi.

Niềm tin người tiêu dùng Anh hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 1990. Trong khi đó, giá dầu đang tiến về mức 150 USD/thùng và tỷ lệ lạm phát cũng tăng liên tục trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Trong bản tuyên bố bằng văn bản gửi tới một ủy ban thuộc Nghị viện Anh mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhận xét tình hình kinh tế Anh hiện nay là “nhiều thách thức nhất kể từ những năm 1990 hoặc thậm chí còn trước đó”.

Nhân tố chính kéo kinh tế Anh đi xuống không gì khác chính là sự lao dốc của thị trường nhà đất từng một thời chứng kiến sự tăng giá như vũ bão, làm giàu cho không ít nhà đầu tư với nguồn tín dụng giá rẻ gần như ở Mỹ.

Theo Nationwide Building Society, một tổ chức cho vay cầm cố ở Anh, giá nhà ở nước này đã có 8 tháng giảm liên tiếp. Tháng 6, giá nhà giảm 6,3 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất từ năm 1992, khiến giá của một ngôi nhà điển hình ở nước này rớt xuống mức 172.415 Bảng (tương đương 343.000 USD), giảm khoảng 13.500 Bảng so với mức giá đỉnh trướcđây.

Đầu tuần này, BoE cho biết, số hợp đồng cho vay thế chấp được thông qua ở nước này trong tháng 5 đã giảm xuống còn 42.000 hợp đồng, một mức thấp kỷ lục, so với mức 58.000 hợp đồng trong tháng 4.

Thị trường địa ốc sụt giảm, tiêu dùng cũng sụt giảm theo. Cổ phiếu của hãng bán lẻ hàng đầu nước Anh Marks & Spencer vốn được coi là “nhiệt kế” của nền kinh tế Anh đã sụt giảm mất 25% trong vòng 2 ngày sau khi hãng này công bố mức doanh số giảm mạnh.

BoE sẽ làm gì?

Thủ tướng Anh Gordon Brown cố gắng nhìn vào mặt sáng của nền kinh tế, trong khi vẫn phải thừa nhận rằng, thời kỳ thịnh vượng kéo dài khoảng một thập kỷ qua của nước Anh đã đi đến hồi kết.

“Nhiệm vụ lúc này là giữ cho nền kinh tế tiến về phía trước”, ông Brown phát biểu trong một cuộc họp của một ủy ban nghị viện ở London. Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng kinh tế Anh hiện đã vững mạnh hơn rất nhiều so với khi nền kinh tế này phải đối mặt với hai cú sốc dầu lửa trước đây và khi kinh tế thế giới đi xuống vào đầu thập niên 1990”.

Tuy nhiên, những lời trấn an này dường như không mấy có sức thuyết phục đối với người Anh vào thời điểm này. Các tổ chức công đoàn đang lên tiếng đòi tăng lương, khi mà tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 đã lên tới 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức trần 3% của giới hạn mà BoE cho là “dễ chịu”.

Và bất chấp niềm tin đi xuống giới lao động và doanh nghiệp của Anh, các nhà kinh tế học vẫn không dám kỳ vọng BoE sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo một cuộc điều tra do hãng tin Reuters tiến hành ngay trong tuần này, các nhà kinh tế được hỏi để dự báo rằng Thống đốc BoE Mervyn King và các đồng sự của ông trong Ủy ban Chính sách tiền tệ sẽ duy trì lãi suất đồng Bảng trong cuộc họp diễn ra vào ngày 10/7 tới đây. Chỉ có một số ít nhà kinh tế dự báo lãi suất đồng Bảng sẽ được giảm xuống trong thời gian còn lại của năm.

“Lúc này, nhìn vào đâu cũng thấy những dữ liệu thật u ám”, nhà kinh tế học Howard Archer thuộc tổ chức nghiên cứu Global Inside ở London nhận xét. “Thật khó cho BoE”, ông nói thêm. Hiện mức lãi suất cơ bản 5% áp dụng cho đồng Bảng đã là mức lãi suất cao nhất trong số các nước thuộc khối công nghiệp phát triển G7.

Các nhà kinh tế học cho rằng nền kinh tế Anh có chậm hơn chút ít so với kinh tế Mỹ trong chu kỳ nền kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã rất mạnh tay trong việc cắt giảm lãi suất, đưa lãi suất cơ bản đồng USD từ mức 5,25% vào mùa hè năm ngoái xuống còn 2% hiện nay. Đồng thời, Quốc hội Mỹ cũng hành động nhanh chóng để cho phép 130 triệu hộ gia đình Mỹ được nhận khoản khấu trừ thuế theo chương trình kích thích kinh tế trọn gói trị giá 168 tỷ USD do Tổng thống Bush đề xuất.

Ngược lại, Chính phủ Anh không dễ gì hành động để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy giảm. Ngân sách công ở Anh bị kiểm soát bởi hai nguyên tắc. Thứ nhất là “nguyên tắc vàng” theo đó Chính phủ chỉ được vay tiền để đầu tư mà không được dùng tiền vay để chi thường xuyên. Thứ hai là nguyên tắc đầu tư bền vững, theo đó nợ khu vực công phải được giữ ở mức “ổn định và sáng suốt”.

Chuyên gia Archer dự báo, kinh tế Anh sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,4% trong năm nay, giảm mạnh so với mức 3,6% trong năm ngoái, và có thể chỉ tăng 0,9% trong năm 2009. Khu vực sử dụng đồng Euro có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% trong năm nay, so với mức 2,6% trong năm ngoái, và sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm tới.

Nhà kinh tế học Newland của Lehman Brothers thì dự báo BoE có thể sẽ cắt giảm lãi suất đồng Bảng 0,25% vào tháng 11 năm nay, và cắt giảm thêm 1,25% vào năm 2009. “Giá dầu là một yếu tố lớn khó đoán định. Nếu giá dầu không giảm, tăng trưởng kinh tế sẽ yếu hơn nhiều và lãi suất sẽ còn được duy trì ở mức cao trong một thời gian dài hơn”, ông nói.

(Theo New York Times)