07:21 18/04/2023

Kinh tế biến động, 75% lãnh đạo doanh nghiệp vẫn quyết đầu tư mạnh vào phát triển bền vững

Anh Nhi

75% nhà lãnh đạo toàn cầu cho biết tổ chức của họ đã tăng cường đầu tư vào phát triển bền vững trong năm qua; trong đó, gần 20% số này có các khoản đầu tư đạt mức “tăng đáng kể”…

Báo cáo Phát triển bền vững từ kết quả khảo sát dành cho các nhà lãnh đạo toàn cầu 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi xanh” vừa được Deloitte phát hành cho thấy biến đổi khí hậu đang là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều biến động xảy ra liên tiếp trên toàn cầu.

Khi được yêu cầu xếp hạng các vấn đề cấp bách nhất đối với tổ chức của các nhà lãnh đạo được khảo sát, nhiều người đã xếp hạng “biến đổi khí hậu” trong nhóm “3 vấn đề hàng đầu”, xếp trên 7 yếu tố khác, bao gồm đổi mới sáng tạo, cạnh tranh nhân tài và thách thức đối với chuỗi cung ứng. Chỉ có triển vọng kinh tế được xếp hạng cao hơn biến đổi khí hậu với tỷ lệ chênh lệch không đáng kể.

Đồng thời, 75% các nhà lãnh đạo toàn cầu cho biết tổ chức của họ đã tăng đầu tư vào phát triển bền vững trong năm qua với gần 20% trong này có các khoản đầu tư đạt mức “tăng đáng kể”.

Theo ông Joe Ucuzoglu, Tổng Giám đốc Deloitte Toàn cầu, năm 2022 khép lại đã xóa bỏ những hoài nghi và khẳng định biến đổi khí hậu là một vấn đề trọng yếu trong hoạt động kinh doanh.

“Trước bối cảnh nhiều biến động, gián đoạn và thách thức cạnh tranh liên tiếp trong năm qua, các mối đe dọa do biến đổi khí hậu được các lãnh đạo nhận định là vấn đề hàng đầu”, ông Joe nói và cho rằng “việc các lãnh đạo nhận định phát triển bền vững là một trong những ưu tiên và tăng đầu tư vào lĩnh vực này để tiên phong dẫn lối hướng đến phát triển bền vững là một tín hiệu đáng mừng.”

NỖ LỰC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MANG LẠI LỢI ÍCH CHO DOANH NGHIỆP

Dù quan ngại về tác động của biến đổi khí hậu tới tình trạng khan hiếm tài nguyên (46% ý kiến), làm thay đổi mô hình tiêu dùng (45%), sức khỏe thể chất (37%)… song 78% các lãnh đạo vẫn “tương đối” hoặc “cực kỳ” lạc quan về triển vọng sắp tới khi cho rằng thế giới sẽ có những biện pháp cần thiết để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cũng theo khảo sát của Deloitte, các tổ chức đang gặp phải áp lực phải hành động từ tất cả các nhóm hữu quan. 68% nhà lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy áp lực ở mức độ tương đối đến cao từ các nhóm Thành viên Hội đồng quản trị và ban điều hành, cơ quan quản lý và chính phủ, và nhóm người tiêu dùng và khách hàng. Các nhóm cũng gặp phải áp lực từ các cổ đông và nhà đầu tư (66%), nhân viên (64%), và cộng đồng xã hội (64%).

Tương tự như kết quả báo cáo năm 2022, các nhà lãnh đạo cũng chọn “mức độ nhận diện và danh tiếng của Thương hiệu”, “sự hài lòng của khách hàng”, “sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của nhân viên” là 3 trong số 4 lợi ích hàng đầu mà nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững mang lại. Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo nhìn nhận các hành động vì khí hậu là một phương thức mang lại lợi ích cho các bên hữu quan.

THÁCH THỨC CHO HÀNH ĐỘNG

Để phát triển bền vững, nhiều tổ chức đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi năng lượng như 59% sử dụng nhiều nguyên liệu bền vững, hơn, 59% tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, 50% đào tạo nhân viên về những hành động chống biến đổi khí hậu, 49% đang phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường.

Kinh tế biến động, 75% lãnh đạo doanh nghiệp vẫn quyết đầu tư mạnh vào phát triển bền vững - Ảnh 1

Tuy nhiên, giống như năm ngoái, các công ty ít có khả năng thực hiện được các hành động chứng minh rằng họ đã lồng ghép những cân nhắc về khí hậu vào văn hóa doanh nghiệp và có được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao để tạo ra những thay đổi thực sự ý nghĩa. Ví dụ, 21% nhà lãnh đạo cho biết tổ chức của họ không có kế hoạch ràng buộc lương thưởng của lãnh đạo cấp cao với hiệu suất của các hoạt động bền vững và 30% cho biết họ không có kế hoạch thuyết phục chính phủ hỗ trợ các sáng kiến về khí hậu.

Ngoài ra, khi được hỏi về mức độ tận tâm đối với các nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu của các khu vực kinh tế, chỉ có 29% nhà lãnh đạo cho biết họ tin rằng các doanh nghiệp tư nhân thể hiện sự tận tâm “rất cao”. Gần một phần tư nhà lãnh đạo cho biết một trong những rào cản hàng đầu là khó khăn trong việc đo lường tác động đến môi trường, và gần 1/5 nhận định chi phí cùng tập trung vào các ưu tiên ngắn hạn là rào cản.

Để các nhà lãnh đạo bắt đầu hành động, Deloitte cho rằng các tổ chức phải tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính, bao gồm: Lồng ghép mục tiêu khí hậu vào chiến lược tổng quan và mục đích của doanh nghiệp; xây dựng niềm tin thông quan việc triển khai những hành động chống biến đổi đáng tin cậy; trao quyền cho hội đồng quản trị; khuyến khích các bên liên quan hành động; đầu tư vào công nghệ của hôm nay và mai sau; hợp tác để thúc đẩy thay đổi ở cấp độ hệ thống.

Bà Trần Thúy Ngọc, Lãnh đạo phụ trách dịch vụ Quản trị Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững, Deloitte Việt Nam cho rằng tại Việt Nam, các doanh nghiệp có thể ở những mức độ thách thức và có những mối quan ngại khác nhau trên hành trình chống biến đổi khí hậu, nhưng tất cả đều cần nhanh chóng chuyển từ giai đoạn từ nhận thức - “tại sao” sang hành động - “làm thế nào”. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm được cách đi của riêng mình để chính thức bắt đầu hành trình phát triển bền vững một cách bài bản và tiệm cận nhất với cách tiếp cận trên toàn cầu.