16:27 03/09/2014

Kinh tế châu Âu bắt đầu “toát mồ hôi” vì Ukraine

An Huy

Các biện pháp trừng phạt mà EU nhằm vào Nga đang “phản đòn”

Tổng thống Nga Putin. Đang có những đồn đoán cho rằng, Nga sẽ cắt
 cung cấp khí đốt cho châu Âu vào mùa đông năm nay để trả đũa các lệnh 
trừng phạt - Ảnh: AP.<br>
Tổng thống Nga Putin. Đang có những đồn đoán cho rằng, Nga sẽ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu vào mùa đông năm nay để trả đũa các lệnh trừng phạt - Ảnh: AP.<br>
Các biện pháp trừng phạt mà Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine đang “phản đòn”, khiến nền kinh tế khu vực này chao đảo và có nguy cơ trệch hướng hồi phục sau cuộc khủng hoảng nợ công khắc nghiệt mới kết thúc.

Tờ Fiscal Times cho hay, khi các nhà lãnh đạo EU họp vào cuối tuần vừa rồi ở Brussels, Bỉ để bàn về tình hình Ukraine và biện pháp trừng phạt Nga đối với điều mà phương Tây cho là Moscow hậu thuẫn quân nổi dậy ở Ukraine, sự bất đồng đã thể hiện rõ nét. Các nhà lãnh đạo khối chưa thể đạt được sự đồng thuận về gia tăng trừng phạt Nga như thế nào.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu thậm chí kêu gọi kiềm chế trong bối cảnh kinh tế Eurozone rơi vào trì trệ.

“Tôi tin rằng các biện pháp trừng phạt là vô nghĩa và sẽ gây ra tác dụng ngược. Slovakia có thể sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình trong vấn đề này”, Thủ tướng Slovakia Robert Fico phát biểu hôm Chủ nhật.

Các thống kê kinh tế công bố hôm thứ Hai tuần này cho thấy, Slovakia đang quan ngại về các đòn trừng phạt mà châu Âu áp lên Nga. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), một thước đo về sức khỏe khu vực sản xuất của một nền kinh tế, của nước này trong tháng 8 giảm xuống mức 50,7 điểm thấp nhất trong 13 năm, từ mức 53,8 điểm trong tháng 7. Nói ngắn gọn hơn là, sản lượng kinh tế của Slovakia đang sa sút nhanh chóng.

“Ảnh hưởng tiêu cực từ bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng đối với các nhà sản xuất đang trở nên rõ ràng hơn”, chuyên gia kinh tế cấp cao Rob Dobson thuộc hãng nghiên cứu Markit đánh giá.

Ngay cả nền kinh tế “anh cả” của Eurozone là Đức cũng đang giảm tốc mạnh. Theo cơ quan thống kê của châu Âu Eurostat, nền kinh tế Đức đã suy giảm trong quý 2 vừa qua. Hai nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba của châu Âu là Pháp và Italy cũng đang “có vấn đề”.

“Kinh tế Pháp tiếp tục là một mối lo thực sự. Kinh tế Italy thì sa sút từ tăng trưởng vững sang trì trệ. Đã có những dấu hiệu gần như chắc chắn cho thấy động lực tăng trưởng đang suy giảm nhanh chóng tại các đầu tàu công nghiệp chủ chốt của Eurozone như Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan”, chuyên gia Dobson phát biểu.

Theo số liệu từ Eurostat, trong tháng 8, lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu là 0,3%. Đây là mức lạm phát thấp nhất của Eurozone kể từ tháng 10/2009. Ông Mario Draghi, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) coi lạm phát dưới mức 1% là nguy hiểm, bởi đây là một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng giảm chi tiêu.

Với mức lạm phát thấp như vậy, châu Âu không chỉ lo tăng trưởng rơi vào ngưng trệ mà còn đang lo giảm phát.

Tình hình thậm chí còn tệ hơn khi có những đồn đoán cho rằng, Nga sẽ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu vào mùa đông năm nay để trả đũa các lệnh trừng phạt. Có nguồn tin nói, EU đang gấp rút chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp cho tình huống này, bao gồm cấm tái xuất khẩu khí đốt và giảm tiêu thụ khí đốt trong công nghiệp nhằm tăng nguồn dự trữ. Tuy vậy, đây đều là các biện pháp gây thiệt hại cho các doanh nghiệp châu Âu.

Sự giảm tốc của kinh tế châu Âu đã dẫn tới những lời kêu gọi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đưa ra biện pháp kích thích nào đó để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào của ECB cũng sẽ đòi hỏi sự phối hợp của một số quốc gia với chính sách tài khóa không giống nhau.

Thực tế này khiến nhiều người quan ngại về một vấn đề đã từng khiến châu Âu điêu đứng trong thời gian khủng hoảng nợ công. Đó là, EU có chính sách tiền tệ chung, nhưng không có chính sách tài khóa chung, khiến một số thành viên “va nhau chan chát” trong các biện pháp đối phó khủng hoảng.

Vào ngày thứ Năm (4/9), ECB có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ, và giới phân tích dự báo cơ quan này có thể cắt giảm lãi suất cơ bản đồng Euro. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, thì động thái của ECB cho thấy, thực sự nền kinh tế Eurozone đang trong thế bí.

Việc kinh tế châu Âu rơi vào đình trệ có thể sẽ là một chủ đề quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Wales, Anh trong tuần này.

Châu Âu hiện đang đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: nếu tăng cường trừng phạt Nga, thì nền kinh tế EU cũng “chịu trận”; còn nếu không, EU sẽ bị xem là thờ ơ trong vấn đề Ukraine.