Kinh tế giảm tốc, Hàn Quốc vẫn muốn rót hàng trăm triệu USD vào Triều Tiên
Giới phân tích cảnh báo, nếu quan hệ Hàn-Triều bất ngờ xấu đi, Hàn Quốc đứng trước nguy cơ mất trắng tiền đầu tư
Giữa lúc nền kinh tế Hàn Quốc giảm tốc, Chính phủ nước này vẫn có ý định chi hàng trăm triệu USD cho các dự án kinh tế và văn hóa với Triều Tiên.
Theo hãng tin CNBC, giới phân tích cảnh báo rằng dù mang lại lợi ích cho hòa bình trong dài hạn, những sáng kiến này có thể làm gia tăng nợ nần cho Seoul và trở thành gánh nặng trong trường hợp quan hệ liên Triều lại chuyển xấu.
Dự luật bị hoãn
Trong một dự luật trình lên Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 9 năm nay, Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đề xuất chi 419 triệu USD cho một loạt dự án liên quan đến Triều Tiên, gồm đoàn tụ các gia đình bị li tán bởi chiến tranh, một văn phòng liên lạc chung giữa hai nước, cũng như trao đổi thể thao. Đây là những cam kết được đề cập lần đầu trong tuyên bố chung ký kết giữa ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 4.
Con số 419 triệu USD mới là số tiền mà Hàn Quốc dự kiến chi cho các hoạt động trên riêng trong năm 2019. Điều này khiến các chính trị gia đối lập cáo buộc Chính phủ cố tình che giấu mức chi dài hạn nhằm đề phòng sự phản đối của công chúng. Vì lý do như vậy, Quốc hội Hàn Quốc hoãn phê chuẩn dự luật.
Kế hoạch chi tiêu hàng trăm triệu USD này được đưa ra giữa lúc có nhiều lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế Hàn Quốc. Đại đa số người Hàn Quốc nói muốn có hòa bình với Triều Tiên, nhưng nhiều người tin rằng các vấn đề trong nước mới xứng đáng được ưu tiên công quỹ, nhất là vào thời điểm tăng trưởng kinh tế yếu đi như hiện nay.
Kinh tế Hàn Quốc được dự báo tăng trưởng 2,9% trong năm nay, so với mức tăng 3,1% trong năm ngoái. Tốc độ tạo việc làm mới đã chạm mức thấp nhất trong 9 năm sau khi Tổng thống Moon nâng lương tối thiểu và cắt giảm số giờ làm việc của người lao động mỗi ngày - những chính sách khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tuyển dụng lao động mới.
Những mối lo kinh tế đã đẩy tỷ lệ ủng hộ của cử tri Hàn Quốc đối với ông Moon Jae-in xuống mức 49%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái - theo kết quả một cuộc khảo sát của Gallup Korea hôm 7/9. Tuy nhiên, cuộc khảo sát một tuần sau đó cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo đã nhích lên mức 50%.
"Cho dù chính sách ngoại giao có như thế nào, thì việc chi một số tiền lớn vào Triều Tiên giữa lúc người Hàn Quốc không vui với nền kinh tế trong nước có thể sẽ là một hành động khó thuyết phục về mặt chính trị", ông Kyle Ferrier, Giám đốc phụ trách quan hệ học thuật và nghiên cứu thuộc Korea Economic Institute of America, nhận định.
Lợi ích và rủi ro
Trong kế hoạch đầu tư của Hàn Quốc vào Triều Tiên, đối mặt nhiều lo ngại hơn cả là dự án 262 triệu USD nhằm kết nối và hiện đại hóa các mắt xích giao thông liên Triều vào năm tới. Nhiều ý kiến cho rằng số tiền thực tế phải chi cho dự án này sẽ lớn hơn nhiều.
Hai dự án đường sắt ở Triều Tiên là Kaesong-Sinuiju và Kosong-Tumen có tổng chiều dài 1.190 km, nên giới chuyên gia cho rằng chi phí nâng cấp sẽ lớn hơn rất nhiều con số trên.
Korea Rail Network Authority, một doanh nghiệp được sắt của Chính phủ Hàn Quốc, ước tính rằng chi phí để nâng cấp và sửa chữa toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ của Triều Tiên có thể lên tới 38,2 tỷ USD. Hồi tháng 6, một báo cáo của Citigroup ước tính hệ thống giao thông và hạ tầng của Triều Tiên cần 63,1 tỷ USD để cải tạo.
Tất nhiên, kế hoạch đầu tư vào Triều Tiên của Tổng thống Moon có thể mang lại một số lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, khi các dự án được triển khai, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra. Ngoài ra, khi Trung Quốc và Nga triển khai các sáng kiến của mỗi nước về kết nối với Triều Tiên, thì sự kết nối giao thông liên Triều sẽ giúp doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với một thị trường rộng lớn hơn.
Tuy vậy, có nhiều ý kiến cho rằng sự khó lường của Triều Tiên khiến mọi thứ trở nên bấp bênh. Nếu quan hệ Hàn-Triều bất ngờ xấu đi, Hàn Quốc sẽ không kịp trở tay và đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã bỏ ra.
"Nếu ngoại giao đổ vỡ sau khi những khoản đầu tư lớn đã được rót vào Triều Tiên, Hàn Quốc có thể sẽ mất sạch những khoản đầu tư đó", ông Ferrier nói.
Theo vị chuyên gia này, Hàn Quốc chỉ nên rót vốn vào các dự án đường sắt và đường bộ liên Triều một khi Mỹ hoặc Liên hiệp quốc dỡ trừng phạt Bình Nhưỡng. Nếu không, các công ty tham gia vào các dự án đó có thể đối mặt những hậu quả lớn về tài chính - ông cảnh báo.