09:04 03/04/2007

Kinh tế Mỹ ít có nguy cơ suy thoái

Trung Việt

Giá cổ phiếu ở Mỹ đã được hỗ trợ từ những dấu hiệu tăng trưởng mạnh hơn và một thị trường việc làm lâu bền

Kinh tế Mỹ vẫn “khoẻ mạnh” và đang tăng trưởng ổn định và có chừng mực.
Kinh tế Mỹ vẫn “khoẻ mạnh” và đang tăng trưởng ổn định và có chừng mực.
Cuối tuần qua, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ông Rodrigo De Rato, nhận định rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay nhưng ít có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Nhận định này cũng phù hợp với đánh giá của Chủ tịch Cục dự trữ LB Mỹ (FED), ông Ben Bernanke.

Ông Ben Bernanke đưa ra nhận định nói trên trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 28/3 rằng kinh tế Mỹ đang xuất hiện những khó khăn, sẽ phát triển ở mức khiêm tốn trong năm 2007, song ít có khả năng sa vào một thời kỳ suy thoái.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/3 cũng công bố thông báo cho biết GDP của Mỹ quý 4/2006 đã tăng 2,5%, cao hơn mức tăng 2,2% được loan báo cách đây một tháng. Như vậy, tình hình kinh tế Mỹ không ảm đạm như một số nhận định trước đây.

Nền kinh tế hướng tới “hạ cánh mềm”

Phát biểu với báo giới ngày 29/3 tại La Hay (Hà Lan), ông Rato cho biết IMF sẽ hạ bớt mức dự báo tăng trưởng GDP 2,9% của kinh tế Mỹ trong năm 2007 bởi lẽ "những khó khăn và rủi ro của thị trường thế chấp cho vay và tình trạng ế ẩm kéo dài trong lĩnh vực kinh doanh nhà đất sẽ làm chậm sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ".

Ông Rato cho rằng, nền kinh tế Mỹ "đang hướng tới một sự hạ cánh mềm" và nhiều khả năng sẽ phục hồi đà tăng trưởng vào đầu năm 2008.

Những đánh giá lạc quan nói trên là tương phản với những cảnh báo đưa ra trước đó của một số chuyên gia kinh tế, trong đó có cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan, rằng kinh tế Mỹ "có vẻ đang hướng vào một thời kỳ suy thoái vì đã chấm dứt sự bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và lợi nhuận của các công ty Mỹ cũng trên đà thu nhỏ lại".

Ủy ban kinh tế thương mại Quốc gia (NABE) dự báo có nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế trong năm 2007 sẽ ở mức chậm nhất trong 5 năm qua. Đây được xem là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2002 với GDP chỉ tăng 1,6%.

Theo các số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố cuối tuần qua, chi cho tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 2, nhờ thu nhập cá nhân tăng 0,6%.

Trong khi đó, số tiền rót vào các dự án xây dựng khách sạn, trung tâm mua sắm và những dự án khác của Chính phủ liên bang cũng như của chính quyền bang đã tăng mạnh, bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động đầu tư vào xây dựng nhà ở và giúp ngành xây dựng tăng 0,3% - mức tăng khả quan nhất trong 11 tháng quan.

Số lượng đơn đặt mua các loại hàng hóa lâu bền trong tháng 2/07 tăng 2,5%, phục hồi rất mạnh so với mức giảm tới 9,3% trong tháng 1/07.

Mặc dù lĩnh vực nhà ở đang đứng trước sức ép ngày càng tăng do tình trạng thế chấp cho vay tích tụ, nhưng các nhà hoạch định chính sách khẳng định những trở ngại này sẽ không lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Giá cổ phiếu ở Mỹ đã được hỗ trợ từ những dấu hiệu tăng trưởng mạnh hơn và một thị trường việc làm lâu bền.

Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ trong quý 4/2006 đã tăng 2,5%, cao hơn mức tăng 2,2% được loan báo cách đây một tháng.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế nói trên là do khối lượng hàng hóa (nhất là các loại xe ôtô) còn tồn trong kho của các công ty và doanh nghiệp Mỹ trong quý 4/2006 đã lên tới 22,4 tỷ USD, so với mức thông báo 17,3 tỷ USD trước đây.

Những dự báo lạc quan hơn

Bộ trưởng BTài chính Mỹ Henry Paulson tuần qua cũng khẳng định, kinh tế Mỹ vẫn “khoẻ mạnh” và đang tăng trưởng ổn định và có chừng mực. H. Paulson nói: “Một điều đặc biệt quan trọng đối với tôi là mức thu nhập từ lương của người dân trong năm qua đã tăng 2,1%”.

Theo ước tính của IMF, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đạt mức 3,5% trong năm 2006 và sẽ giảm xuống 2,5% trong năm 2007.

Về vấn đề lạm phát, Tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới Morgan Stanley dự báo, lạm phát của Mỹ trong năm 2006 ước tính là 3,3% và sẽ giảm xuống 1,6% trong năm 2007.

Tập đoàn này cũng dự đoán rằng FED sẽ giữ lãi suất không đổi trong suốt cả năm 2007.

Tuy nhiên, 2/3 trong tổng số 58 nhà kinh tế lớn của Mỹ dự báo FED sẽ giảm lãi suất trong năm 2007 trong bối cảnh thị trường nhà ở suy yếu, hoạt động trong một số khu vực sản xuất suy giảm...

Chủ tịch FED, ông Bernanke cũng dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải trong năm 2007; chi tiêu cá nhân sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ thu nhập gia tăng và sự giảm giá năng lượng trong thời gian gần đây; các tác động tiêu cực của khu vực nhà ở và ô tô lên nền kinh tế sẽ dần dần mất đi.

Ngành sản xuất ô tô đã có những dấu hiệu mở rộng sản xuất trong thời gian tới, quá trình điều chỉnh trên thị trường nhà ở sẽ tiếp tục tác động lên nền kinh tế Mỹ trong năm 2007.

Triển vọng về đầu tư của doanh nghiệp vào máy móc, thiết bị và phần mềm là sáng sủa hơn.

Lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng. Lợi nhuận sẽ hỗ trợ tăng trưởng đầu tư của doanh nghiệp vào các máy móc, thiết bị mới và do đó đầu tư vốn sẽ vẫn là một trong những điểm sáng của triển vọng kinh tế Mỹ năm 2007.