08:59 12/09/2007

Kinh tế Nga đang phát triển thần kỳ

Nguyễn Thế Nghiệp

Kinh tế Liên bang Nga tăng trưởng bình quân hàng năm 6,4% sau khi bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998

IMF cho rằng kinh tế Nga tăng trưởng 7% năm 2007, cao hơn dự báo trước 0,6%.
IMF cho rằng kinh tế Nga tăng trưởng 7% năm 2007, cao hơn dự báo trước 0,6%.
Kinh tế Liên bang Nga tăng trưởng bình quân hàng năm 6,4% sau khi bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, IMF cho rằng kinh tế Nga tăng trưởng 7% năm 2007, cao hơn dự báo trước 0,6%.

Bộ Thương mại và Phát triển kinh tế Nga cho biết, GDP của nước này có thể tăng trưởng ở mức cao từ 6,5% đến 7%/năm cho tới năm 2020. Các nhà kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga dự báo GDP của Nga sẽ tăng khoảng 8% từ nay cho tới năm 2030. Giám đốc Viện dự báo kinh tế Nga, ông Viktor Ivantrev đưa ra có 3 nguyên nhân thúc đẩy kinh tế nước này tăng trưởng cao.

Thứ nhất, LB Nga đã khắc phục đựợc hậu quả của tình trạng gián đoạn quan hệ kinh tế với các nước thuộc Cộng hoà Xô Viết cũ từ năm 1992.

Thứ hai, kinh tế Nga phát triển mạnh theo hướng kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, hoạt động có hiệu quả.

Thứ ba, Chính phủ Nga đã có các cơ chế điều chỉnh phù hợp đưa nền kinh tế vượt qua nhiều trở ngại. Nga là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là dầu mỏ, khí tự nhiên, kim loại quý, than đá và gỗ. Trữ lượng tài nguyên đã thăm dò chiếm 21% của thế giới với tổng giá trị 30.000 tỷ USD, gấp 3 lần so với Mỹ.

Nga chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ, sản lượng khai thác đạt 9,3 triệu thùng/ngày; chiếm 34% trữ lượng khí đốt của thế giới. Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và xuất khẩu dầu thô đứng thứ 2. Sản lượng điện chiếm 12% tổng sản lượng điện toàn cầu. Tổ hợp nhiên liệu - năng lượng Nga phát triển nhanh nhất, chiếm khoảng 1/4 GDP, chiếm 1/3 sản lượng công nghiệp và 1/2 nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Nga đã tăng cường sự có mặt về năng lượng tại các phần lãnh thổ thuộc Liên Xô trước đây và Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay EU chiếm tới 93% lượng dầu xuất khẩu của Nga, chiếm tới 40% nhu cầu tiêu dùng khí đốt trong nội khối. Theo Hội đồng năng lượng thế giới (WEC), những năm tới Nga vẫn là nước cung ứng năng lượng quan trọng nhất cho châu Âu.

Nga còn đạt nhiều thành tựu quan trọng về nghiên cứu khoa học vũ trụ, thiết bị quân sự, năng lượng hạt nhân, phát triển mạnh lĩnh vực tin học bắt kịp trình độ tiên tiến trên thế giới.

Phát biểu tại cuộc Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Maks-2007 tại Zhukovsky, ngày 21/8, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sẽ khôi phục ngành hàng không hùng mạnh của nước này. Chính phủ có kế hoạch thay thế hàng trăm máy bay chở khách cũ trong 10 năm tới bằng các loại máy bay Sukhoi và Tupolev mới.

Ông ra lệnh cho các công ty hàng không Nga sáp nhập thành Tập đoàn Hàng không thống nhất (UAC) và cho biết sẽ đầu tư 18 tỷ Ruble (696,6 triệu USD) trong thời kỳ 2008-2010. Nga sẽ sản xuất khoảng 4.500 máy bay dân sự hiện đại trong 25 năm và sẽ đầu tư 250 tỷ USD để cho ngành hàng không tăng tốc.

Nga còn là vựa lúa mì của thế giới, hàng năm xuất khẩu khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc, sản lượng thịt và sữa tăng cao.

Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế tổ chức ở thành phố Saint Petersburg, đại diện các tập đoàn kinh tế lớn thế giới cho rằng Nga đang là sự lựa chọn an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nga đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài 150 tỷ USD năm 2006 và đã đầu tư ra nước ngoài 140 tỷ USD cùng năm.

Ông Pascal Lamy nói WTO đã tích cực đàm phán và mong muốn Nga sớm trở thành thành viên chính thức, vì thiếu Nga thì WTO không thực sự là một tổ chức đa phương như mong muốn. Chủ tịch Hiệp hội các chuyên gia về thị trường và tài chính của Nga, ông Igor Suzdaltsev nói Liên bang Nga là một trong những nước mạnh, có đủ năng lực kiểm soát cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế.

Vị thế và tiếng nói của Nga có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và bảo vệ hoà bình trên thế giới, thúc đẩy thế giới phát triển theo xu hướng đa cực.

Việt Nam có quan hệ hữu nghị và hợp tác với Nga rất chặt chẽ kể từ khi Chính phủ Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước ta ngày 30/1/1950.

Những dự án đầu tư của Nga có vị trí quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh. Lĩnh vực Nga đầu tư mạnh nhất là công nghiệp dầu khí, chiếm 24% tổng vốn đầu tư.

Về phía Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại Nga, chủ yếu trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng.