Kinh tế Nhật tăng trưởng 7 quý liên tiếp
Đây là chuỗi quý tăng trưởng dài nhất của nền kinh tế đất nước mặt trời mọc trong vòng hơn 1 thập kỷ
Bất chấp tiêu dùng suy giảm, nền kinh tế Nhật Bản vẫn tăng trưởng trong quý 3, đánh dấu quý tăng trưởng thứ 7 không nghỉ. Đây là chuỗi quý tăng trưởng dài nhất của nền kinh tế đất nước mặt trời mọc trong vòng hơn 1 thập kỷ trở lại đây, cho thấy những yếu tố nền tảng đang vững mạnh.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng thứ Tư cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật tăng 1,4% trong quý 3 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức dự báo tăng 1,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Nhân tố chính giúp kinh tế Nhật đạt tốc độ tăng trưởng này là xuất khẩu mạnh.
Trong quý 2, kinh tế Nhật tăng trưởng 2,6%.
Tiêu dùng yếu được dự báo sẽ chỉ còn là vấn đề tạm thời ở Nhật, bởi nền kinh tế đang tiến gần tỷ lệ thất nghiệp 0%. Người lao động nào cũng có công ăn việc làm sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong tương lai.
Đầu tư cơ bản và xuất khẩu mạnh cũng được nhận định sẽ tiếp tục giữ cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng, theo đó giảm bớt những lo ngại về lạm phát thấp.
Chuỗi tăng trưởng liền 7 quý mà kinh tế Nhật đạt được tính đến quý 3 vừa qua là thời kỳ tăng trưởng dài nhất của nước này kể từ chuỗi 8 quý tăng trưởng trong thời gian quý 2/1999 đến quý 1/2001.
Nhu cầu bên ngoài, tức xuất khẩu trừ đi nhập khẩu, là yếu tố đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng GDP quý 3 của Nhật, với mức đóng góp 0,5 điểm phần trăm.
Tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực chiếm khoảng 2/3 GDP Nhật, giảm 0,5% trong quý 3 so với quý 2, mạnh hơn mức dự báo giảm 0,3% và là quý giảm đầu tiên kể từ quý 4/2015. Đầu tư cơ bản tăng 0,2% so với quý trước, thấp hơn mức dự báo tăng 0,3%.
Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm, Chính phủ Nhật sẽ công bố một gói kích cầu tăng trưởng mới, trong đó tăng đầu tư vào việc đào tạo các kỹ năng cho người lao động và tăng năng suất.
Đà tăng trưởng kéo dài có thể sẽ khuyến khích Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay, với lập luận rằng áp lực lạm phát sẽ lan tỏa trong nền kinh tế chừng nào tăng trưởng còn được duy trì.