23:01 01/11/2023

Kinh tế phục hồi mong manh, đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thêm nhiều sắc thuế

Trâm Anh

Hiện nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng còn khá mong manh, vì vậy, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/11, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần coi chính sách tài khóa là trọng tâm, với cơ chế đặc thù như: giảm thuế VAT toàn bộ mặt hàng, giảm thuế thu nhập, kích cầu để đưa nền kinh tế vượt khó...

Khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp.
Khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, cho biết tuy có nhiều thách thức do tình hình quốc tế nhưng tình hình kinh tế nước ta có nhiều dấu hiệu khả quan trong giai đoạn giữa và cuối năm.

Dù vậy, còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới khi tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm.

Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc khi triển khai các chính sách hỗ trợ. Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được rất ít, còn dư nhiều. Về điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng, các doanh nghiệp còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, cho rằng nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng để kích cầu nền kinh tế - Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, cho rằng nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng để kích cầu nền kinh tế - Ảnh: Quochoi.vn.

Để kích cầu nền kinh tế thời gian tới, đại biểu cho rằng nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.

Ngoài ra, để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn. Do đó, cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì những lĩnh vực ưu tiên này, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, đề nghị Chính phủ, bộ ngành và địa phương tập trung trước tiên, về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ.

 
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.

"Chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù, thực hiện chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực".

Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói ứng tín dụng ưu đãi.

"Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về Thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp", Đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đề nghị khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng và sự phúc hội và sự phục hồi của nền kinh tế.

"Giải pháp kích cầu thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế nhập doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời, giãn khoanh nợ, tăng hỗ trợ sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo", đại biểu  tỉnh Trà Vinh đề xuất.

Ngoài ra, thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. 

Cùng quan điểm về việc ưu tiên các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng GDP, Chính phủ ưu tiên các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

"Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, giãn, khoanh nợ, tăng hỗ trợ an sinh xã hội, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí, đẩy mạnh sức mua trong nước và thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước", bà Linh kiến nghị.

Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn về cơ sở hạ tầng, nhân lực, công nghệ, cải cách hành chính chưa triệt để, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ phân tích rõ các vấn đề, làm rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, nhìn nhận rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, từ đó rút ra những giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả.