10:45 28/09/2009

Kinh tế vĩ mô: “Đâu đó vẫn âm ỉ một số vấn đề”

Anh Quân

Phó viện trưởng CIEM Võ Trí Thành nói về những rủi ro vĩ mô Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt

"Để có chính sách đúng thì việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là cực kỳ quan trọng" - Ảnh: Anh Quân.
"Để có chính sách đúng thì việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là cực kỳ quan trọng" - Ảnh: Anh Quân.
Đã xuất hiện một số dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 3/2009 có thể đạt trên 5,7%, cao hơn hẳn con số 4,5% của quý 2/2009 và 3,1% của quý 1/2009.

Nhưng, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Benedict Bingham mới đây đã cảnh báo, song hành cùng tăng trưởng - phục hồi, thâm hụt cán cân tổng thể của Việt Nam có thể lên tới trên 3 tỷ USD, trở thành rủi ro vĩ mô lớn nhất hiện nay.

Phân tích những rủi ro đối với nền kinh tế, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) Võ Trí Thành nói:

- Một tháng trước, IMF dự báo thâm hụt có thể lên tới 3 tỷ USD, nhưng do chúng ta vừa vay được một số khoản từ nước ngoài, bối cảnh hiện nay cũng khác, kiều hối cũng vào khá hơn một chút. Theo con số mới nhất mà tôi được biết, dự báo thâm hụt cán cân tổng thể chỉ khoảng 1 tỷ USD trong năm nay.

Một tỷ USD thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát, xét về dự trữ ngoại tệ, xét tương quan vay ngắn hạn phải trả, xét về vay nợ, tỷ lệ nợ so với xuất khẩu…

Vẫn đối mặt nhiều rủi ro

Tức là ông không phủ nhận vẫn tồn tại những rủi ro vĩ mô?

Với cán cân vãng lai, theo nhiều dự báo năm nay sẽ giảm thâm hụt, nhưng vẫn còn cao. Trong khi ấy, các nguồn vốn vào để bù đắp thâm hụt vãng lai giảm, cho nên thâm hụt tổng thể vẫn có. Thâm hụt cả năm dự báo trên dưới 1 tỷ USD. Trong khi lượng USD của Việt Nam rất nhiều, luẩn quẩn đâu đó trong nền kinh tế, nhưng vấn đề là thị trường ngoại hối rất phân khúc với tâm lý rất khác nhau, nên áp lực vẫn cao.

Thứ hai là có có nhiều nhân tố có thể dẫn tới lạm phát, ví dụ như do tăng chi tiêu Chính phủ, tăng tín dụng. Cung tiền vừa qua là cao. Ngoài ra còn do tăng lương, vừa rồi điều tra cho thấy thu nhập danh nghĩa một số khu vực tăng tới 16-17%.

Trong khi đó, giá thế giới dù không tăng mạnh, nhưng giá nguyên vật liệu không còn xu hướng giảm mà chỉ chững lại, hoặc đang tăng dần, mặc dù có thể không cao như trước đây.

Cho nên, các yếu tố đóng góp cho việc giảm lạm phát từ bên ngoài cho đến hiện nay là không còn.

Đó là chưa tính đến những vấn đề liên quan đến ổn định hệ thống tài chính. Hiện nay, mặc dù hệ thống đã ổn định hơn so với cuối năm 2008, nhưng đâu đó vẫn âm ỉ một số vấn đề.

Nhưng hệ thống tài chính vừa qua được cho là đang trong vòng kiểm soát?

Cho đến nay, những chỉ số liên quan đến hệ thống tài chính vẫn được cho là nằm trong tầm kiểm soát, ví dụ dư nợ cho vay bất động sản, dư nợ cho vay tiêu dùng dân cư, cho vay chứng khoán… Con số là như vậy, nhưng nhiều khi không thể kiểm soát được dòng tiền.

Nếu nhìn xa hơn, rủi ro vẫn còn. Dư nợ quá hạn, cho vay hỗ trợ lãi suất có thể có rủi ro.

Thứ hai là tình trạng Đô la hóa tại Việt Nam còn cao. Với phân khúc của thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn có những cái không liên thông, cùng với những biến động từ thanh toán quốc tế, cộng với cho vay không tốt… sẽ dẫn đến rủi ro về lãi suất và tỷ giá, dẫn tới câu chuyện sai lệch về cơ cấu đồng tiền và sai lệch cơ cấu thời hạn, mà vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã phải khống chế xuống 30% (tỷ lệ huy động ngắn hạn được cho vay dài hạn - PV).

Những rủi ro vĩ mô ông vừa nói liệu sẽ diễn biến thế nào trong năm 2010?

Năm tới, có một số vấn đề có thể dự báo được. Cụ thể, kinh tế nhiều khả năng sẽ phục hồi, xuất khẩu tăng, nhưng nhập khẩu cũng sẽ tăng, nên thâm hụt thương mại vẫn còn. Kể cả kiều hối vào nhiều thì thâm hụt vãng lai vẫn tăng hơn năm nay, xét trên cả giá trị tuyệt đối và tương quan so với GDP.

Trong khi đó cũng có nhiều dự báo cho rằng nguồn vốn vào Việt Nam sẽ khá hơn, cho nên cán cân tổng thể sẽ tốt hơn. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng chưa chắc chắn với kịch bản ấy.

Một yếu tố nữa là lạm phát năm sau tăng, theo ADB mới dự báo là khoảng 8-9%, vẫn trong 1 con số, nhưng như thế đã đạt mức cao hơn năm nay.

Bên cạnh sự phục hồi là thông tin tốt, bên cạnh luồng vốn vào nhiều hơn thì vẫn còn thâm hụt thương mại, thâm hụt vãng lai còn cao. Bản thân phân khúc thị trường ngoại hối không thể xử lý ngày một ngày hai được, cộng thêm một số rủi ro lạm phát và một số yếu tố còn bất ổn như đã nói ở trên thì tình hình vẫn chưa phải đã hết khó khăn.

Phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa là quan trọng

Gần đây, khi bàn về kế hoạch 2010, điểm được quan tâm nhiều nhất vẫn là chính sách kích thích kinh tế. Theo ông, các chính sách này đã đến lúc hết vai trò chưa?

Liên quan đến chính sách tiền tệ, liên quan đến việc hỗ trợ của Chính phủ, liên quan đến việc điều hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, thì năm tới có thể gọi là năm mà Chính phủ nên rút lui sự can thiệp mạnh.

Chúng ta đều biết, hỗ trợ là cần thiết, nhưng hỗ trợ ồ ạt thì phải rất ngắn. Bởi vì các nước nói chung, bao gồm cả Việt Nam, nguồn lực không có nhiều.

Thêm nữa, chúng ta biết là can thiệp của Nhà nước, cần thì phải làm, nhưng sẽ dẫn đến méo mó vì “kẻ khóc, người cười”, người được hưởng lợi, người không được… Đã là ưu đãi thì bao giờ cũng có méo mó. Mà tính về lâu dài, phân bổ nguồn lực mà méo mó thì sẽ không hiệu quả. Như thế thì phải rút lui.

Thứ ba là hỗ trợ như thế này thì mâu thuẫn với tái cơ cấu, với cải cách về dài hạn, về nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cứu và cải cách thì bao giờ cũng có mâu thuẫn.

Ba lý do ấy, thì phải rút. Nhưng rút như thế nào thì còn phải phụ thuộc vào mấy yếu tố sau.

Thứ nhất, quan trọng là vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu rút lui mà hệ thống tài chính “liểng xiểng”, nợ xấu tăng thì không được.

Thứ hai, rút nhưng không được gây sốc.

Thứ ba, rút để xã hội ý thức được rằng cơ bản vẫn phải đảm bảo theo thị trường, cơ bản là phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, phân bổ nguồn lực không méo mó.

Ông có thể nói rõ những rủi ro có thể xảy ra cho nền kinh tế, nếu chính sách kích thích kinh tế được kéo dài trong năm tới?

Nếu để kéo dài sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn quá, tạo ra những rủi ro kinh tế vĩ mô. Nới lỏng lâu quá sẽ dẫn đến lạm phát, bội chi ngân sách, liên quan đến khả năng trả nợ nước ngoài…

Hoặc vấn đề cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam vẫn còn, thâm hụt năm sau có thể còn cao. Mặc dù các nguồn vốn hy vọng là sẽ vào nhiều hơn.

Trong khi Việt Nam vẫn cần tiếp tục huy động trái phiếu để đảm bảo nguồn tiền cho những dự án đã cam kết rót vốn, và những dự án có thể có vào năm sau, chúng ta lại phải đối đầu với vấn đề lạm phát trong năm tới

Vậy theo ông, chính sách tiền tệ và tài khóa nên được kết hợp như thế nào?

Hãy nhìn lại 4 nhóm chính sách bao gồm tiền tệ, thuế, tài khóa, và an sinh xã hội. Về chính sách tiền tệ có thể nói rằng, khó có khả năng nới lỏng tiếp. Lý do là bởi vì tổng phương tiện thanh toán đã cao.

Gói hỗ trợ 4% lãi suất ngắn hạn, hiện nay nói chung đồng thuận là vẫn nên có một gói hỗ trợ nữa, nhưng cách làm thì phải khác trước. Cũng có ý kiến cho rằng nên thu hẹp phạm vi được hưởng để tránh đầu cơ trên nguồn vốn được hỗ trợ. Nhiều người nói là nên để mức 2% hoặc ít hơn một chút.

Hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn đến 2011 thì đến nay mới giải ngân được mấy chục ngàn tỷ. Gói ấy chúng tôi đề nghị nên bỏ. Hỗ trợ cho nông dân mua thiết bị, máy móc thì gói này cũng rất nhỏ. Nói chung, quan điểm của tôi là càng giúp được nông dân, giúp được người nghèo bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Thứ hai, về nhóm chính sách thuế thì tôi cũng đồng tình nên quay lại bình thường. Có chăng thì ưu đãi thuế cho những đối tượng mới bị đánh thuế thu nhập, vì chủ yếu họ dành tiền đó cho tiêu dùng.

Nhóm thứ ba liên quan đến chính sách tài khóa, liên quan đến trái phiếu huy động và giải ngân, liên quan đến thâm hụt ngân sách. Cho nên, vấn đề là mức độ chi tiêu phải gắn với tổng thu như thế nào? Liên quan đến kế hoạch ngân sách trong năm sau, phụ thuộc vào thuế, phụ thuộc vào chi tiêu mà chúng ta sẽ quyết như thế nào?

Toàn bộ cái ấy lại liên quan đến lãi suất, liên quan đến chính sách tiền tệ… Để có chính sách đúng thì việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là cực kỳ quan trọng.

Còn với nhóm thứ tư, hỗ trợ an sinh xã hội thì nguyên tắc là làm được càng nhiều càng tốt, để hỗ trợ cho người bị tổn thương. Nhưng vấn đề là nguồn lực đến đâu.