Kinh tế Việt Nam bộ mới số 58-2021
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 58 phát hành ngày 16-8-2021 với nhiều chuyên mục...
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang có những bước phát triển đầy ấn tượng. Theo dữ liệu công bố mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2021, có 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả ấn tượng này chính là một dấu ấn rõ nét nhất trong cả hành trình hơn 10 năm hiện diện và phát triển của trái phiếu doanh nghiệp để ngày càng khẳng định vai trò cân đối kênh dẫn vốn trên thị trường tài chính; giúp các doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng; định hướng được các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn.
Mặc dù khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bám sát sự chuyển động và phát sinh của thị trường, song sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm gần đây, cho thấy vẫn tồn tại một số bất cập, tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có các nhà đầu tư cá nhân.
Với mục tiêu nhận diện bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, minh bạch và cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư, số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 16/8/2021, Kinh tế Việt Nam bộ mới số 58-2021 sẽ dành 13 trang chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư". Các bài viết bao gồm:
- Ngân hàng, bất động sản vẫn trong cơn “khát vốn”. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 7 trầm lắng hơn, giảm gần 33% so với tháng trước. Tuy nhiên, về dài hạn, nhiều chỉ dấu cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều dư địa để phát triển, nếu nâng cao “chất” mỗi đợt phát thị hành, xóa bỏ lo âu về “điểm mù” thông tin khi mua trái phiếu… (Ánh Tuyết).
- “Gồ ghề”… con đường trái phiếu doanh nghiệp. Manh nha từ 1997, phát triển từ 2006 và đột phá kể từ 2016 đến nay song “con đường” phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam nhấp nhô và “cực kỳ” không ổn định, cho dù trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. (Ngân Hà).
- Cần đẩy nhanh xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp Việt. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam được xếp vào nhóm tăng trưởng nhanh trong khu vực ASEAN nhưng việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành lại chưa phát triển tương xứng. Việt Nam mới có hai công ty xếp hạng tín nhiệm mới được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, trong khi theo quy hoạch của 10 năm tới, cả thị trường có tối đa 5 công ty xếp hạng tín nhiệm. Hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế do chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm. (Đặng Hương).
- Lấp đầy khoảng trống trong giám sát thị trường. Trái phiếu doanh nghiệp thực chất là một khoản vay nợ của doanh nghiệp theo nguyên tắc tự vay, tự trả. Trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo mong manh bằng cổ phiếu, không bảo lãnh, không kèm chứng quyền sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư. Vì vậy, thách thức lớn của Việt Nam là phải xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm. (Tuyết Nhi).
- Nhà đầu tư cá nhân hết “thèm” trái phiếu doanh nghiệp? Để tránh câu chuyện nhà đầu tư mua trái phiếu chỉ vì ham lãi cao, một loạt quy định đã được ra đời để chấn chỉnh lại hoạt động phân phối trái phiếu. Nhờ vậy, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp những tháng đầu năm 2021 đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây có phải là diễn biến thực trên thị trường? (Đào Hưng).
-Trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư.Hai năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng nóng về mặt quy mô. Thực tế này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: liệu thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển an toàn hay vẫn tiềm ẩn những rủi ro? (Nhóm phóng viên thực hiện).
- Quỹ ngoại lao đao vì “ôm” trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc. Những động thái chính sách gần đây của Chính phủ Trung Quốc đã khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước này chao đảo, ảnh hưởng không nhỏ đến các quỹ đầu tư Mỹ và châu Âu gom mua nhiều tài sản này trong những năm gần đây. (An Huy).
Cùng nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:
- Một kế hoạch quyết đoán và tự tin. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã chính thức khởi động để đi vào cuộc sống với những chỉ tiêu và các nhóm giải pháp rất cụ thể. Vấn đề còn lại là thực hiện, với trách nhiệm không của riêng ai. Kết quả thực hiện mới là thước đo đánh giá hiệu quả của một kế hoạch được dầy công xây dựng, với tầm nhìn và trí tuệ của một tập thể được coi là tinh hoa của đất nước. (Nguyễn Quốc Uy).
- Quyết tâm, quyết liệt kiểm soát dịch. Khi dịch Covid lan rộng, len sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực tại Tp. HCM cũng như các tỉnh lân cận khiến tình hình chống dịch diễn ra hết sức phức tạp. Hiện Tp.HCM rất quyết tâm phấn đấu thực hiện mọi biện pháp để đến ngày 15/9/2021 sẽ kiểm soát được đợt dịch này. (Lý Hà).
- Triển vọng phục hồi kinh tế gặp nhiều thách thức. Với diễn biến phức tạp, lan rộng và kéo dài của đợt dịch Covid-19 thứ tư, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 được nhiều tổ chức điều chỉnh giảm. Kiểm soát tình hình dịch bệnh bằng giãn cách, vaccine và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn là “chiến thuật” cho tăng trưởng Việt Nam trong thời gian tới. (Anh Nhi).
- Bao giờ doanh nghiệp nhà nước được thực quyền? Trong khi rất nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn được như doanh nghiệp nhà nước thì rất nhiều “ông chủ” của doanh nghiệp nhà nước cũng có nỗi khổ riêng khi chưa được thực quyền theo nguyên tắc thị trường… (Khánh Vy).
- Ngân hàng muốn nới rộng thời gian cơ cấu nợ vay. Con số nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03 sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần thứ tư có thể khiến tình hình nợ xấu tăng nhanh, trong khi các khoản nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý được. Đây là thách thức lớn đối với ngành ngân hàng. (Vũ Phong).
- Cổ phiếu 6 tháng cuối năm: Xung quanh câu chuyện “đắt” và “rẻ”. Tuy dòng tiền vào thị trường chứng khoán là có, nhưng sẽ không đổ vào mọi cổ phiếu. Chỉ những cổ phiếu có thể duy trì tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, có “game”, và cũng tiếp tục tăng trưởng khi kinh tế hồi phục nhờ mở cửa lại các hoạt động kinh tế mới có thể hưởng lợi. (TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh).
- Tham nhũng như “đầu voi”, thu hồi mới “đuôi chuột”. Những năm gần đây, tham nhũng trong quản lý đất đai luôn được đánh giá ở mức độ cao nhất trong tất cả các lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, kết quả thu hồi đất đai bị tham nhũng chỉ đạt 14,29% so với yêu cầu. Điều này cho thấy nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước trong lĩnh vực đất đai là rất lớn. (Nam Huyền).
- Gỡ điểm nghẽn “muôn thuở” trong đầu tư công. Tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư được xem là một giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn “muôn thuở” làm chậm tiến độ đầu tư công. (Ngân Hà).
- Điện gió “bó tay” để hưởng giá ưu đãi. Dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại khiến cho kế hoạch vận hành thương mại vào ngày 31/10/2021 của hàng loạt nhà máy điện gió đứng trước nguy cơ “sụp đổ”. Cho dù, các chủ đầu tư vẫn đang hết sức nỗ lực chạy đua để kịp tiến độ, nhưng có lẽ đây là nhiệm vụ bất khả thi, bởi thời hạn để được hưởng cơ chế giá ưu đãi cho các dự án điện gió theo Quyết định 39/2018/TTg còn lại chưa đầy 3 tháng. (Nguyễn Mạnh).
- Nghi vấn hạt điều nước ngoài mượn đường Campuchia vào Việt Nam. Tổng cục Hải quan vừa phát đi cảnh báo về nghi vấn trốn thuế, vi phạm nguồn gốc xuất xứ của một số doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều khô từ thị trường Campuchia, một thị trường đang được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Đây là lần thứ hai cơ quan Hải quan phát đi lời cảnh báo đến các doanh nghiệp ngành điều khi từ tháng 4/2021 đến nay lượng điều thô nhập khẩu từ thị trường Campuchia vào Việt Nam tăng bất thường. (Lâm Phong).
- Kết nối “vùng đệm” với “vùng xanh”. Cùng với việc các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn, thì việc thiết lập các “vùng đệm” để tập kết hàng hóa cũng quan trọng không kém. Bởi sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. (Lưu Hà).
- Bức xúc với giá phân bón tăng phi mã. Giá phân bón thời gian gần đây đã tăng 50-80% (tùy sản phẩm) so với hồi đầu năm. Mức tăng này vượt quá sức chịu đựng của người nông dân. (Chương Phượng).
- Tạo “luồng xanh” để vận chuyển lúa gạo. Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hiện nay đã qua đỉnh điểm thu hoạch vụ hè thu 2021 nhưng cả vùng vẫn còn trên 1 triệu ha lúa đang chờ thu hoạch, dự kiến gần 6 triệu tấn. Song, việc tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn, thương lái, doanh nghiệp hạn chế thu mua lúa vì gặp trở ngại trong khâu vận chuyển. (Trần Trọng Triết).
- Thị trường viễn thông đang “ngấm đòn” Covid. Đến trung tuần tháng 4/2021, nhiều doanh nghiệp viễn thông còn “hồ hởi” với hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đúng kế hoạch và đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Nhưng từ khoảng cuối tháng 4, khi “làn sóng Covid thứ 4” bắt đầu bùng phát, “dư địa tăng trưởng” của nhà mạng từng bước bị thu hẹp và xóa mờ. (Thủy Diệu).
- Chặn đứng gian lận bảo hiểm thất nghiệp. Để kịp thời phát hiện và giải quyết được tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội xây dựng dữ liệu kết nối liên thông về bảo hiểm thất nghiệp chia sẻ qua trục tích hợp quốc gia, hướng tới việc quản lý cũng như giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngày càng chặt chẽ, nhanh, gọn, chính xác. (Dũng Hiếu).