09:11 19/06/2009

Kinh tế Việt Nam có thể hạn chế sự phụ thuộc vào dầu thô?

Minh Thúy

Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi nền kinh tế nước ta phụ thuộc quá nhiều vào dầu thô

Đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu trong nước là một biện pháp để hạn chế sự phụ thuộc  của nền kinh tế vào dầu thô.
Đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu trong nước là một biện pháp để hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu thô.
Chiều nay (19/6), tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách Nhà nước, trong đó có mức bội chi ngân sách.

Đầu kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội cho phép nâng mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2009 tối đa khoảng 8%GDP. Song đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách và nhiều vị đại biểu đề nghị Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2009 không vượt quá 7% GDP.

Mới đây, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, để bù đắp thiếu hụt ngân sách do sụt giảm sản xuất, giảm giá dầu thô, do chính sách giảm thuế và để tăng chi đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội thì cần thiết phải tăng bội chi ngân sách.

Theo Phó thủ tướng, xem xét diễn biến giá dầu thô trong những ngày gần đây có xu hướng tăng lên và yêu cầu thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế và đề phòng lạm phát cao trở lại thì mức bội chi khoảng 7% GDP có thể phấn đấu được.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2009 dự kiến khoảng 6,4% đến 8,3% GDP (tính theo kế hoạch đầu năm) tùy theo các phương án giá dầu thô thế giới từ 40 USD – 70 USD/thùng.

Một số vị đại biểu băn khoăn, về thực chất giá dầu có ảnh hưởng tới bội chi ngân sách không. Trong khi Việt Nam hàng năm nhập khẩu sản phẩm xăng dầu tương đương hoặc cao hơn xuất khẩu dầu thô, giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu thay đổi cùng nhau.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt gửi chất vấn đến Bộ trưởng Ninh: “Qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu thô. Trước mắt cũng như về lâu dài Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu nào để hạn chế sự phụ thuộc này?”.

Bộ trưởng Ninh khẳng định, phần lớn các nước đều coi dầu thô là mặt hàng chiến lược, có tầm ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và chính trị của Quốc gia. Vì khi giá mặt hàng này biến động sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội và cân đối ngân sách Nhà nước.

Nước ta là quốc gia vừa xuất khẩu dầu thô, vừa phải nhập khẩu xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu khác cho nền kinh tế. Vì vậy, biến động giá dầu thô thế giới có tác động lớn đến nền kinh tế. Mặc dù tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động kinh tế ngoài dầu thô những năm qua đã tăng lên đáng kể. Nhưng đến nay nguồn thu từ dầu thô vẫn chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp để hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế nước ta vào dầu thô. Đó là chủ động khai thác hợp lý nguồn tài nguyên của đất nước, có chính sách hợp lý đầu tư cho ngành dầu khí, tạo điều kiện cho ngành thăm dò, tìm kiếm, ký kết các hợp đồng khai thác dầu khí ở nước ngoài nhằm tạo thêm sự chủ động cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để khắc phục việc nhập khẩu 100% các sản phẩm xăng dầu và chế phẩm hóa dầu, Nhà nước đã và sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy lọc Dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn…

Điều tiết giá bán xăng dầu trong nước một cách hợp lý, theo Bộ Tài chính, cũng là một giải pháp. Đồng thời, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tăng thêm lượng dự trữ xăng dầu. Thời gian tới, sẽ tiếp tục dành nguồn lực để nâng mức dự trữ các mặt hàng xăng dầu lên cao hơn, nhằm chủ động đối phó  với các biến động từ bên ngoài, Bộ trưởng Ninh trả lời.

Với ngân sách Nhà nước, theo vị bộ trưởng này, Chính phủ cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng để hạn chế dần sự phụ thuộc vào yếu tố giá dầu thô, tăng dần tỷ trọng thu từ nội bộ nền kinh tế.

Đó là khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh sự phát triển hiệu quả, bền vững của các doanh nghiệp làm cơ sở cho việc tăng thu từ nội lực nền kinh tế.

Tiếp tục thực hiện cải cách chính sách thuế cho phù hợp, thực hiện nguyên tắc công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, giữa trong nước và nước ngoài; phát huy chức năng phân phối lại trong điều tiết thu nhập xã hội và dân cư.

Giải pháp cuối cùng được Bộ trưởng nhấn mạnh là tăng cường công tác thanh tra kiểm tra chống gian lận thuế, qua đó tăng thu cho ngân sách Nhà nước.