12:56 12/05/2009

Ba kịch bản bội chi ngân sách năm nay

Lê Châu

Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn mức thâm hụt ngân sách là 8%, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra ngày 20/5 tới

Thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào khai thác dầu mỏ.
Thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào khai thác dầu mỏ.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn mức thâm hụt ngân sách là 8%, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra ngày 20/5 tới.

Như vậy, mức thâm hụt ngân sách đã tăng tới 3% so với mức phê chuẩn cuối năm trước. Hiện, nhiều đại biểu Quốc hội chưa đồng tình với con số này, mà cho rằng chỉ nên là dưới 7%.

Thông tin từ Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm nay giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2008. Bộ Tài chính dự kiến, số thu ngân sách sẽ hụt giảm khoảng 29.000 - 63.000 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, giảm thu do suy giảm kinh tế và miễn, giảm, giãn các loại thuế vào khoảng 40.000 tỷ đồng.

Băn khoăn mức trần bội chi

Trong các phiên họp toàn thể của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế, trong khi hầu hết các thành viên của Ủy ban Kinh tế chấp nhận mức bội chi 8% mà Chính phủ đề xuất thì nhiều thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều cho rằng đó là một con số “nguy hiểm”.

Uỷ viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Bá Thanh dứt khoát cho rằng mức trần quá lắm chỉ nên chiếm 6% GDP bởi nếu không tính toán kỹ sẽ phải “trả giá đắt” cho việc bội chi.

Các đại biểu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đều đã thống nhất thông qua kiến nghị mức bội chi ngân sách năm 2009 là 7%, thấp hơn một điểm phần trăm so với đề xuất của Chính phủ gửi Quốc hội.

Nhìn ở một góc độ khác, các thành viên của Ủy ban Kinh tế đưa ra nhận định mức bội chi ngân sách 8% mà Chính phủ đã đề xuất là có thể chấp nhận trong tình hình suy giảm kinh tế, vì Chính phủ sử dụng nhiều gói kích cầu, trong khi nguồn thu thì thu hẹp do giảm, miễn và giãn nhiều loại thuế để đảm bảo phát triển sản xuất và an sinh xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, để đảm bảo cho tăng trưởng hợp lý thì phải tính toán cân đối vĩ mô, từ trước mắt đến trung hạn.

Đa số thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội tán thành mức bội chi này nhưng muốn làm rõ ba vấn đề: nguồn tiền để sử dụng vào việc bội chi, sử dụng bội chi như thế nào và tại sao không thể giảm con số bội chi khi còn có thể tiết kiệm được chi tiêu cho hội họp, lễ hội...

Vẫn chưa có giải pháp thực sự an toàn?

Theo TS. Trần Văn Giao, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, xử lý bội chi ngân sách Nhà nước là một vấn đề nhạy cảm, bởi nó không chỉ tác động trước mắt đối với nền kinh tế mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Có nhiều cách để Chính phủ bù đắp thiếu hụt ngân sách như tăng thu từ thuế, phí, lệ phí; giảm chi ngân sách; vay nợ trong nước, vay nợ nước ngoài; phát hành tiền để bù đắp chi tiêu; tăng các khoản thu, đặc biệt là thuế; triệt để tiết kiệm các khoản đầu tư công và chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước...

Sử dụng phương cách nào, nguồn nào tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và chính sách kinh tế tài chính trong từng thời kỳ của mỗi quốc gia.

Nếu Nhà nước phát hành thêm quá nhiều tiền và đưa ra lưu thông để xử lý bội chi ngân sách Nhà nước, thì sẽ gây ra lạm phát. Đặc biệt, khi nguyên nhân bội chi ngân sách Nhà nước là do thiếu hụt các nguồn vốn đối ứng để đầu tư cho phát triển gây “tăng trưởng nóng” và không cân đối với khả năng tài chính của quốc gia.

Hoặc nếu chọn phương án vay nợ cả trong và ngoài nước như phương án mà Bộ Tài chính đang nghĩ tới thì sẽ kéo theo vấn đề phụ thuộc nước ngoài và làm giảm dự trữ ngoại hối, làm cạn dự trữ quốc gia, dẫn đến khủng hoảng tỷ giá.

Vay nợ trong nước sẽ làm tăng lãi suất, và cái vòng nợ - trả lãi - bội chi sẽ làm tăng mạnh các khoản nợ công chúng và kéo theo gánh nặng chi trả của ngân sách Nhà nước cho các thời kỳ sau...

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cảnh báo: “Việc gia tăng thâm hụt ngân sách sẽ có thể dẫn đến giảm đầu tư tư nhân hay gia tăng thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai, làm xói mòn niềm tin đối với năng lực điều hành vĩ mô của Chính phủ. Nó cũng làm tăng mức lạm phát kỳ vọng của người dân và nhà đầu tư vì họ cho rằng Chính phủ trước sau gì cũng sẽ phải in thêm tiền để tài trợ thâm hụt”.

Ông cũng cho rằng, để thu hẹp thâm hụt ngân sách, song song với việc giảm chi tiêu, Chính phủ cũng cần cải thiện nguồn thu, tránh tình trạng ngân sách phụ thuộc quá nhiều (hiện là 40%) vào các nguồn thu không bền vững như dầu mỏ và thuế nhập khẩu như hiện nay. Tăng thuế thu nhập cá nhân và thuế bất động sản để thu hẹp thâm hụt ngân sách cũng là một phương án nên tính đến.

Còn Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tiếp tục tăng cường quản lý thu chi ngân sách và sử dụng linh hoạt các nguồn thu từ thuế, khai thác tốt các nguồn thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công và cơ cấu lại chi cho hợp lý, giảm những khoản chi mang tính bao cấp, đẩy mạnh sang cơ chế thị trường để giảm dần gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

* 3 kịch bản của bội chi ngân sách năm 2009 như sau:

Nếu giá dầu thô bình quân đạt 60 USD/thùng thì ngân sách sẽ hụt thu khoảng 7.600 tỷ đồng. Khi đó, mức bội chi sẽ là 6,4% GDP.


Trường hợp giá dầu xuống còn 50 USD/thùng, sẽ giảm 27.300 tỷ đồng, với mức bội chi tương ứng là 7,2% GDP.

Nếu giá dầu xuống mức 40 USD/thùng thì sẽ giảm thu tới 47.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi khi đó sẽ là 8,3% GDP.