Các chủ hộ có đăng ký kinh doanh mới tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thống nhất chỉ bổ sung nhóm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, và không áp dụng đối với người đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định...
Trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được các góp ý về việc mở rộng nhóm đối tượng là hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hiện nay, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh nhưng các chủ hộ vì không có hợp đồng lao động, không có tiền lương nên chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cơ quan soạn thảo Luật cho rằng, việc bổ sung các đối tượng này đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Góp ý về nội dung này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn băn khoăn về tính khả thi, bởi, theo phân loại thống kê, chủ hộ kinh doanh là cá thể, là đối tượng thuộc khu vực phi chính thức, không làm việc theo hợp đồng lao động, không được trả lương; có chủ hộ thuê mướn, sử dụng lao động nhưng cũng có chủ hộ không sử dụng lao động; có chủ hộ kinh doanh trong độ tuổi lao động nhưng cũng có người ngoài độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Do đó, nếu quy định họ là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ, cần có giới hạn về tuổi, và chỉ nên áp dụng đối với những chủ hộ kinh doanh có thuê mướn và sử dụng lao động.
Giải trình và tiếp thu ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với đặc thù của nhóm đối tượng này, cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ áp dụng đối với chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (không áp dụng đối với người đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và không có thời gian đóng bảo hiểm xã hội).
Theo Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tại khoản 2 Điều 79 về hộ kinh doanh quy định: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện".
Đánh giá tác động khi mở rộng nhóm chủ hộ kinh doanh vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cơ quan soạn thảo cho biết, với khoảng hơn 5 triệu chủ hộ kinh doanh, mỗi cá nhân chủ hộ sẽ phát sinh kinh phí đóng bảo hiểm xã hội (25%, trong đó 22% vào Quỹ hưu trí, tử tuất, 3% vào Quỹ ốm đau, thai sản), trong khoảng từ 500 nghìn đồng/tháng cho đến 9 triệu đồng/tháng (tương đương từ 6 triệu đồng/năm đến 108 triệu đồng/năm).
Mức kinh phí cụ thể phụ thuộc vào mức đóng do người tham gia là chủ hộ kinh doanh lựa chọn tham gia dựa trên khả năng đóng góp.
Tuy nhiên, bù lại người tham gia là chủ kinh doanh cá thể sẽ được bảo vệ khỏi những rủi ro sự kiện bảo hiểm, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, mức hưởng tương đương với mức đóng góp.
Ngoài ra, còn một vấn đề cần được quan tâm đó là chi phí thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội.
Do quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội thì chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ phải tự đăng ký và đóng theo từng tháng. Vì vậy, nếu không có hình thức đăng ký tham gia và phương thức thu tiền đóng phù hợp và tiện lợi, thì sẽ phát sinh chi phí đánh đổi đối với mỗi cá nhân là chủ hộ kinh doanh cá thể trong việc thực hiện quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo từng tháng.
Hiện không phải hộ kinh doanh nào cũng đủ lớn để có thể thuê hoặc có một cá nhân đảm nhiệm các công việc liên quan đến kê khai bảo hiểm xã hội, nhân sự...mà sẽ phải tự thực hiện các thủ tục này.
Do điều kiện của các chủ hộ kinh doanh cá thể là khác nhau, hoạt động kinh doanh cũng khác nhau. Hiện nay, quy định tại dự thảo Luật cũng chưa có sự phân biệt giữa chủ hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động và không còn hoạt động.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2022, cả nước mới chỉ có gần 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn, nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.