20:04 27/06/2022

"Ký cam kết khi tiêm vaccine Covid-19 là cần thiết"

Nhật Dương

Việc ký cam kết để chính quyền, người dân hiểu rõ hơn về hiệu quả của vaccine cũng như ứng phó biến thể mới, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, đặc biệt khi virus SARS-CoV-2 luôn biến hóa khôn lường...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại họp báo cung cấp thông tin y tế chiều 27/6, phản hồi về thông tin người dân phải ký cam kết khi tiêm chủng vaccine Covid-19, đại diện Bộ Y tế cho rằng đây là yêu cầu của phòng chống dịch, người dân cần đi tiêm đúng lịch.

Trao đổi về vấn đề này, GS TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết việc ký cam kết thể hiện chúng ta đặt vai trò cao hơn nữa công tác phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới và tiếp theo khi xuất hiện các biến chủng mới. “Việc ký cam kết trách nhiệm các bên là cần thiết”, ông Lân nhấn mạnh.

Theo ông Lân, việc này để chính quyền, người dân hiểu rõ hơn về các biến thể mới và hiệu quả vaccine cũng như ứng phó biến thể mới. Hiện virus SARS-CoV-2 luôn biến hóa khôn lường. Thế giới đánh giá biến hóa của virus với 5 tiêu chí như: Tốc độ lây lan; khả năng chuyển nặng; tăng sức chịu đựng với vaccine; giảm hiệu quả điều trị cũng như chẩn đoán.

“Qua theo dõi hơn 2 năm vừa qua, chúng ta thấy virus SARS-CoV-2 biến hóa rất khôn lường. Bình thường đại dịch đi theo xu hướng tăng dần miễn dịch nếu có vaccine, dẫn đến giảm dần xu thế dịch, hoặc là biến mất hoặc trở thành bệnh lưu hành.

Tuy nhiên với SARS-CoV-2 sự biến hóa là khôn lường, chúng ta đã trải qua 5 đợt dịch, từ đợt dịch đầu là chủng gốc, sau đó xuất hiện các chủng Dellta, Omicron, thậm chí trong chủng Omicron hiện có đến 5 biến thể phụ”, ông Lân nói và thông tin riêng biến thể phụ của Omicron là BA.4, BA.5 hiện nay lây lan còn nhanh hơn BA.1 và BA.2.

Thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới rất rõ là nếu có nơi nào chưa an toàn có nghĩa là vùng chưa tiêm chủng vaccine thì vẫn có nguy cơ lây nhiễm, kết hợp trở thành biến thể mới là luôn tiềm ẩn. “Vì vậy, chúng ta thấy rằng vaccine dù khác nhau giữa khả năng đáp ứng với các biến thể nhưng nhìn chung làm giảm số ca nặng phải nhập viện và tử vong", ông Lân đánh giá.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, hiện nay chưa có đánh giá và chưa xác định được lượng miễn dịch và lượng bảo vệ của vaccine ở mức bao nhiêu mới có thể bảo vệ khỏi Covid-19. “Nếu so sánh người đã măc Covid-19 và đã tiêm vaccine với người chưa tiêm sau khi mắc bệnh thì người đã mắc và tiêm kháng thể tăng rất cao và thời gian bảo vệ lâu hơn”, ông Lân thông tin.

Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng thừa nhận song song với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vaccine tại nhiều địa phương.

Nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người đã tiêm mũi bổ sung vaccine phòng Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Trong khi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.

Theo bà Hồng, hiện kho lưu trữ còn 15 triệu liều vaccine Covid-19, song việc tuyên truyền người dân tiêm chủng hiện nay không phải do thừa vaccine. Nếu để đạt 100% độ bao phủ người dân được tiêm mũi cơ bản thì chúng ta phải cố gắng sử dụng hiệu quả vacicne như giai đoạn đầu mới đáp ứng hết nhu cầu chứ không phải dư thừa vaccine.

“Nhưng hiện nay có tâm lý lơ là, tin rằng đã tiêm các mũi cơ bản và đã mắc Covid-19 nên không đồng thuận đi tiêm mũi nhắc lại. Cán bộ y tế rất vất vả vận động người dân đi tiêm, có những giấy mời đến tận nhà nhưng người dân lại viết trên giấy là chúng tôi không đồng thuận tiêm chủng, đừng gọi chúng tôi đến tiêm nữa”, bà Hồng dẫn chứng.

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Tổ chức Y tế thế giới và Covax cho phép tỷ lệ hao hụt vaccine ở tất cả các quốc gia triển khai tiêm chủng từ mũi đầu tiên đến mũi nhắc lại khoảng 10%.

Về lo ngại số vaccine không kịp tiêm chủng có nguy cơ phải hủy bỏ do quá hạn, bà Hồng nói, đối với vaccine hạn trên nhãn là 30/6, hiện nay với tốc độ tiêm trung bình 500.000 mũi tiêm một ngày, đến ngày 27/6, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã hoàn thành cơ bản hết số lượng vaccine này.

“Thách thức là tháng 7, tháng 8 tới liệu bao nhiêu người dân sẽ đến các điểm tiêm chủng để tiêm vaccine Covid-19. Do đó, tùy theo hạn sử dụng, hạn nào ngắn chúng tôi sẽ phân bổ trước để sử dụng hiệu quả hết vaccine”, bà Hồng khẳng định.