Kỷ lục buồn của khối ngoại: 8 tháng bán ròng 32.000 tỷ đồng, gấp đôi cả năm 2020
Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng cộng khối ngoại đã bán ròng 32.064 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam, gấp đôi so với con số cả năm 2020 khối ngoại bán ròng 15.700 tỷ đồng, là kỷ lục bán ròng chưa từng có...
Trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm 2020 với tổng giá trị mua ròng là 3.602 tỷ đồng, tương đương 155 triệu USD. Trong đó, quỹ Fubon ETF là nhân tố chính khi ghi hút ròng 3.953 tỷ đồng, tương đương 171 triệu USD. Sự trở lại của khối ngoại trong tháng 7 được kỳ vọng là tín hiệu quan trọng cho thấy dòng vốn này có thể đảo chiều trong những tháng cuối năm và nhiều công ty chứng khoán cho rằng đây là động lực cho Vn-Index tiếp tục đi lên trong tháng 8.
Tuy nhiên, thống kê từ sàn giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) cho thấy, trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán mạnh 7.129,7 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam. VIC là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị bán ròng 1.533 tỷ đồng; MSN đứng thứ hai với giá trị bán ròng 934 tỷ đồng, HPG đứng thứ ba với giá trị bị bán 894 tỷ đồng. Tiếp theo là các mã như SSI, VNM, FUEVFVND, NVL, VRE, GAS, DPM, CTG.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng cộng khối ngoại đã bán ròng 32.064 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam, gấp đôi so với con số cả năm 2020 khối ngoại bán ròng 15.700 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền rút khỏi các quỹ ETF từ đầu tháng 8 với tổng giá trị là 2.284 tỷ, đặc biệt là quỹ Fubon FTSE Vietnam.
Nếu không tính trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF, khối ngoại đã bán ròng gần 37.000 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam. Đây cũng là kỷ lục buồn của khối ngoại tại thị trường Việt Nam. So với 8 tháng và cả những năm trước, khối ngoại chưa bao giờ bán ròng tại thị trường Việt Nam nhiều như vậy.
Bình luận về tín hiệu của dòng vốn ngoại, trao đổi với báo chí mới đây, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, so với các thị trường chứng khoán trong khu vực, thị trường Việt Nam có độ mở lớn hơn, việc tham gia hay rút khỏi thị trường còn phụ thuộc vào nhìn nhận đánh giá của nhà đầu tư với thị trường. Có một số nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội trong tương lai, họ có thể ở lại với thị trường và trở thành nhà đầu tư bền vững.
Còn ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam kỳ vọng, các rào cản về pháp lý gần như đã được nhận diện để làm rõ, từng bước đơn giản hóa, những quy định pháp lý mới vừa được ban hành cải thiện về mặt thủ tục, quy trình rút ngắn thời gian. Do đó, kỳ vọng trong thời gian tới thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài.
Mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vốn được xem là dòng tiền thông minh, ảnh hưởng tâm lý đối với quyết định mua bán của nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước. Song, dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước ồ ạt đổ vào thị trường trong thời gian gần đây đã đánh bật vị thế của nhà đầu tư ngoại trên sàn chứng khoán.
Theo đó, nếu như trong giai đoạn trước 2020, giao dịch của khối ngoại thường chiếm 15-20% tỷ trọng giá trị giao dịch toàn thị trường, đến 2020 - đầu năm 2021, tỷ trọng này giảm xuống còn 8-9% và hiện tại, tỷ trọng giá trị giao dịch chỉ còn lại khoảng 6%, tỷ trọng khối lượng giao dịch chỉ còn 4-5% so với toàn thị trường. Đối với nhà đầu tư cá nhân, trước sự “lép vế” của giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc nhà đầu tư ra quyết định mua bán không cần để ý quá nhiều đến giao dịch của khối ngoại nữa.