Kỳ vọng chặn đường vi phạm trong thẩm định giá, cớ sao Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gây tranh cãi?
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đề xuất hàng loạt điểm mới trọng yếu trong dịch vụ thẩm định giá nhằm hướng tới phát triển nghề thẩm định giá ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch hơn, tránh những “vết xe đổ” thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều quy định đang vấp phải ý kiến trái chiều…
Nhằm kiện toàn và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thẩm định giá, góp phần hạn chế tiêu cực trong quản lý và sử dụng tài sản, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội, cũng như bảo đảm tính tương đồng đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính tương tự, Bộ Tài chính đang tích cực lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật Giá.
TÁCH BIỆT HAI LĨNH VỰC XOÁ TÌNH TRẠNG THẨM ĐỊNH VIÊN "BIẾT TUỐT"
Tại Dự thảo sửa đổi Luật Giá, nhiều điểm mới được dự kiến bổ sung như: tiêu chuẩn đối với thẩm định viên về giá theo hướng chuyên môn hóa lĩnh vực tài sản thẩm định giá; tăng cường các quy định về điều kiện trong khâu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; luật hóa nhiều điều kiện, nâng cao tiêu chí với người đứng đầu doanh nghiệp…
Một điểm nổi bật tại dự thảo lần này là bổ sung thêm quy định mới về thẻ thẩm định viên về giá theo hướng:
"1. Thẻ thẩm định viên về giá là chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá doanh nghiệp cấp cho người đạt yêu cầu tại kỳ thi thẩm định viên về giá.
2. Người tham dự kỳ thi thẩm định viên về giá phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các nhóm ngành về kinh tế, kỹ thuật, luật theo quy định của pháp luật;
c) Có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo về thẩm định giá cấp, trừ trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá.
3. Bộ Tài chính quy định về thi, cấp, quản lý, thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá”.
Lý giải về đề xuất mới này, ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho hay về Thẻ thẩm định viên về giá tại dự thảo Luật Giá, ngoài các nội dung kế thừa như quy định hiện hành thì được củng cố theo hướng chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản.
Cụ thể, một là, thẩm định giá tài sản thông thường như bất động sản, máy móc, thiết bị và các hàng hóa, dịch vụ thông thường.
Hai là, thẩm định giá doanh nghiệp như thẩm định giá doanh nghiệp, tài sản tài chính, tài sản vô hình...gắn với thẩm định viên có nghiệp vụ chuyên sâu về phân tích tài chính.
Để được cấp thẻ, theo quy định hiện hành, mỗi người phải thi đủ các môn, gồm cả những môn về thẩm định giá doanh nghiệp. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ số lượng ít ỏi thẩm định viên, khoảng 20-30% làm về giá trị doanh nghiệp. Về nguyên tắc, một người “biết tuốt” sẽ gây lo ngại về sự chuyên sâu trong từng lĩnh vực.
Vì vậy, đúc rút từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định mới về Thẻ thẩm định viên về giá, áp dụng với những thẩm định viên đăng ký mới. Đây là một “mũi tên trúng nhiều đích”.
Đại diện Cục Quản lý giá phân tích, nhờ việc chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực sẽ giúp thẩm định viên chuyên sâu hơn về chuyên môn, từ đó, nâng cao chất lượng. Đặc biệt sẽ giảm lãng phí nguồn lực xã hội và rút ngắn thời gian đào tạo đến tận khi hành nghề.
Bởi nếu chỉ hướng đến thẩm định giá tài sản thông thường, thẩm định viên chỉ thi những môn học chuyên về loại tài sản đó như bất động sản, máy thiết bị mà không phải học, thi dàn trải. Hơn nữa, trong thời gian hành nghề sau này, thẩm định viên chỉ cần cập nhật lĩnh vực liên quan, gói gọn trong lĩnh vực tài sản đó.
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định mới về Thẻ thẩm định viên về giá, áp dụng với những thẩm định viên đăng ký mới. Đề xuất này lúc đầu tưởng chừng sẽ gây khó khăn, phức tạp và gây nhiều phiền hà nhưng thực chất là tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho thẩm định viên và doanh nghiệp.
Điều đáng lưu ý, trong quy định chuyển tiếp, thẻ thẩm định viên về giá được cấp trước ngày Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực vẫn được công nhận; thẩm định viên về giá (có thẻ) không mất quyền lợi gì mà vẫn hành nghề thẩm định giá với mọi loại tài sản, gồm cả thẩm định giá đất, thẩm định giá doanh nghiệp…
Cùng với đó, để khắc phục nhầm lẫn khi coi người có “Thẻ thẩm định viên” về giá đồng thời là “Thẩm định viên về giá”, tại dự thảo Luật Giá quy định ‘Thẩm định viên về giá” phải là những người có “Thẻ thẩm định viên” và đang hành nghề thẩm định giá.
Điều kiện để đăng ký hành nghề phải là người có “Thẻ thẩm định viên” về giá có kinh nghiệm 36 tháng làm việc thực tế tại doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá; có giấy chứng nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo lĩnh vực chuyên môn trừ trường hợp Thẻ thẩm định viên về giá được cấp dưới 1 năm tính đến thời điểm đăng ký hành nghề. Như vậy, cùng với việc tách biệt hai loại hình thẻ sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá.
Nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với các “Thẩm định viên về giá”, dự thảo cũng quy định về những điều cấm đối với “Thẩm định viên về giá”, quy định một số trường hợp xử lý đối với “Thẩm định viên về giá” khi vi phạm pháp luật về thẩm định giá như tước thẻ, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.
Qua đó, tăng cường tính răn đe đối với thẩm định viên và yêu cầu các thẩm định viên không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
NHIỀU ĐỀ XUẤT VẤP PHẢI SỰ PHẢN ĐỐI
Tại Dự thảo sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung các điều kiện nhằm siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá, như tại điều luật về cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá như sau:
"1. Khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp phải có ít nhất 5 người có Thẻ thẩm định viên về giá đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 47 Luật này đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, đồng thời, phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp như sau:
a) Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty hợp danh,
doanh nghiệp tư nhân: Chủ doanh nghiệp, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân; Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty hợp danh phải đáp ứng yêu cầu quy định.
Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên hợp danh công ty hợp danh phải là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải có vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng;
b) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần phải có vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng, Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 53 Luật này, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện sau:
Có ít nhất 02 thành viên góp vốn, 02 cổ đông phải là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp; trường hợp thành viên góp vốn, cổ đông là tổ chức thì người đại diện của tổ chức góp vốn phải là người có Thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, tổng phần vốn góp của tổ chức tối đa 35% vốn điều lệ.
Tổng số vốn góp của các thành viên, cổ đông là người có Thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp…”
Tuy nhiên, quy định này gặp nhiều ý kiến trái chiều từ các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành.
Góp ý về đề xuất bổ sung nêu trên, một số cơ quan, đơn vị như Bộ Công Thương, Hội Thẩm định giá Việt Nam và nhiều doanh nghiệp thẩm định giá đều đề nghị không quy định điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng áp dụng đối với doanh nghiệp thẩm định giá. Bởi quy định này chỉ có giá trị hạn chế việc thành lập doanh nghiệp, không tăng cường được chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, hoạt động này chủ yếu là cung cấp dịch vụ tư vấn, không thương mại hay sản xuất nên các doanh nghiệp này đều không có nhu cầu sử dụng vốn lớn. Hơn nữa, đối với doanh nghiệp tư nhân, việc quy định vốn điều lệ tối thiểu là không cần thiết vì các doanh nghiệp này chịu trách nhiệm vô hạn đối với các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các ý kiến cho rằng số lượng thẩm định viên không quyết định đến chất lượng dịch vụ của loại hình doanh nghiệp này mà chủ yếu là trình độ, năng lực cá nhân các thành viên tham gia để cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Cũng theo đại diện Công ty Cổ phần Định giá và Tư vấn đầu tư Quốc tế (Valuinco), thông lệ thế giới cho thấy, đối với các dịch vụ như kiểm toán, luật sư, công chứng, đấu giá và thẩm định giá các dịch vụ không phải là “đối vốn” mà là “đối nhân”.
Người sáng lập và điều hành hoạt động của công ty cần người có kiến thức chuyên môn, chứ không cần vốn để hoạt động. Ngược lại, để vốn pháp định trong công ty không phải “đối vốn” là lãng phí nguồn lực xã hội.
Thay vào đó, để kiểm soát rủi ro nghề nghiệp, có thể quy định mức bảo hiểm tối thiểu hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Doanh nghiệp ký nhiều hợp đồng thì rủi ro càng cao; do đó, trích lập dự phòng rủi ro là hợp quy luật bởi tỷ lệ rủi ro sẽ tương ứng với việc thực hiện. Theo đó, doanh nghiệp này đề xuất cần nâng tỷ lệ trích lên 5% và phải báo cáo thường xuyên với Cục Quản lý giá.
Qua đánh giá sơ bộ, khoảng 90% doanh nghiệp thẩm định giá hiện sẽ bị tác động bởi quy định về vốn pháp định và tỷ lệ vốn góp của thẩm định viên về giá.
Vậy tại sao cơ quan soạn thảo cương quyết giữ quy định về vốn điều lệ tối thiểu và tỷ lệ vốn góp của thành viên, cổ đông là người có Thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ?
Trao đổi với VnEconomy, đại diện Cục Quản lý giá cho biết quy định vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng đối với các mô hình doanh nghiệp này là cần thiết, quy định này cũng tương đồng với quy định doanh nghiệp kiểm toán phải có vốn pháp định tối thiểu 5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ý tưởng cho đề xuất này phần lớn do lĩnh vực này đòi hỏi chuyên môn, doanh nghiệp nếu bị chi phối, “lọt” quyền điều hành vào tay những cá nhân không phải thẩm định viên về giá sẽ mất kiểm soát về chất lượng dịch vụ và dễ bị tác động làm sai lệch kết quả do chạy theo lợi nhuận.
Quy định vốn điều lệ, tăng số lượng thẩm định viên cũng nhằm siết chặt hơn điều kiện hoạt động các doanh nghiệp thẩm định, tránh tình trạng thành lập số lượng lớn các doanh nghiệp thẩm định giá như vừa qua.
Doanh nghiệp nếu bị chi phối, “lọt” quyền điều hành vào tay những cá nhân không phải thẩm định viên về giá sẽ mất kiểm soát về chất lượng dịch vụ. Quy định vốn tối thiểu 5 tỷ còn có ý nghĩa ràng buộc về trách nhiệm bồi thường nếu sai phạm xảy ra.
"Quy định vốn tối thiểu 5 tỷ còn có ý nghĩa ràng buộc về trách nhiệm bồi thường nếu sai phạm xảy ra, bởi dù doanh nghiệp có mua bảo hiểm hoặc trích dự phòng rủi ro nhưng rất nhỏ”, đại diện Cục Quản lý giá khẳng định.
Bộ Tài chính cũng từng đề xuất bỏ hình thức công ty cổ phần do lo ngại việc chuyển nhượng vốn và việc thay đổi nhân sự cấp cao dễ dàng khi chỉ cần nắm nhiều cổ phần, gây sai lệch trong đường hướng hoạt động.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối không nên bỏ loại này bởi công ty cổ phần tồn tại từ lâu, trước khi cả Luật Giá năm 2012 được ban hành và có tới gần 50% tổng số doanh nghiệp thẩm định giá đang đủ điều kiện hoạt động thuộc loại hình này. Do đó, trên cơ sở rà soát đánh giá thận trọng, Bộ Tài chính báo cáo lên Chính phủ thống nhất phương án kế thừa như hiện hành...