Luật Giá (sửa đổi): Nâng cao về "chất", mạnh tay loại trừ những "con sâu" trong hoạt động thẩm định giá
Sáu tháng đầu năm 2022 chỉ có vỏn vẹn 3 doanh nghiệp thẩm định giá được cấp mới trong khi đó số lượng doanh nghiệp bị "tuýt còi", tước giấy chứng nhận tăng nóng. Luật Giá (sửa đổi) dự kiến sẽ kiện toàn các quy định để nâng "chất" và xử nghiêm sai phạm, loại trừ những "con sâu" trong hoạt động thẩm định giá...
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa phối hợp với Tổ chức quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về thẩm định giá, từ đó, góp phần củng cố và phát triển hoạt động thẩm định giá nói chung và dịch vụ thẩm định giá nói riêng chuyên nghiệp, chuyên sâu các giao dịch về tài sản trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
Đồng thời, Luật Giá (sửa đổi) cũng sẽ kiện toàn các quy định, tăng cường hoạt động quản lý kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá; đồng thời, thực hiện nghiêm, kịp thời việc xử lý thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá. Từ đó, ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong hoạt động thẩm định giá.
DOANH NGHIỆP "DÈ DẶT" ĐĂNG KÝ MỚI, SỐ LƯỢNG BỊ "TUÝT CÒI" TĂNG NÓNG
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết Luật Giá được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
Sau gần 9 năm thực hiện, đến nay bối cảnh kinh tế - xã hội có những thay đổi, hệ thống pháp luật dân sự kinh tế ngày càng được hoàn thiện hơn, cũng có những tác động nhất định đến công tác quản lý giá và thẩm định giá.
Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trình Chính phủ hồ sơ sửa đổi Luật Giá với 9 nhóm chính sách, trong đó có 3 nhóm chính sách liên quan đến thẩm định giá.
Theo Cục Quản lý giá, đến thời điểm hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về thẩm định giá về cơ bản được ban hành đầy đủ và đồng bộ.
Bộ Tài chính ban hành Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam bao gồm 13 tiêu chuẩn quy định và hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ đối với dịch vụ thẩm định giá, trong đó, quy định cụ thể về các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá đối với các loại tài sản như: bất động sản, máy thiết bị, doanh nghiệp, tài sản vô hình…
Thống kê Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, các doanh nghiệp thẩm định giá được cấp mới tăng nhanh, nhất là năm 2016 tăng 48 doanh nghiệp, năm 2018 tăng 50 doanh nghiệp, năm 2020 tăng 51 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ khi quy định về cấp mới có hiệu lực theo Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/2/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá và có hiệu lực từ ngày 1/5/2021, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá cấp mới giảm đáng kể.
Theo đó, từ khi Nghị định số 12 có hiệu lực, trong 8 tháng còn lại của năm 2021 chỉ có 8 doanh nghiệp được cấp mới và 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có 3 doanh nghiệp.
Như vậy, tính đến hết tháng 6/2022 cả nước có 431 doanh nghiệp được cấp mã giấy chứng nhận, trong đó chỉ có hơn 300 doanh nghiệp đủ điều kiện và đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Về rà soát điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá năm 2022 theo quy định mới tại Nghị định số 12, kết quả chỉ có 279 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động từ ngày 1/1/2022 so với tổng số 364 doanh nghiệp hoạt động trong năm 2021, giảm sâu 23%. Đồng thời cũng chỉ bằng 84% so với số doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động được công bố vào đầu năm 2021.
Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Việc áp dụng quy định mới tại Nghị định số 12 cũng siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá, hướng tới nâng cao chất lượng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được đánh giá là còn quá "mở" dẫn đến số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng vượt quá định hướng phát triển nghề giai đoạn 2013 - 2020.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), bên cạnh những thành công trong công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ thẩm định giá giai đoạn qua, phát sinh hàng loạt tồn tại.
Theo đó, hiệu quả quản lý Nhà nước chưa đạt kỳ vọng. Cùng với đó, hình thành nhiều doanh nghiệp nhỏ với số lượng thẩm định viên tối thiểu.
Đáng quan ngại, xuất hiện hiện tượng tiêu cực và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ… dẫn đến tình trạng không bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, gây bức xúc trong dư luận và xã hội.
Cùng với đó, nhiều ý kiến bày tỏ nỗi lo về loạt hiện tượng tiêu cực giữa thẩm định viên với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong các dự án đấu giá, đấu thầu, mua sắm công để đẩy giá, dìm giá khiến Nhà nước phải mua đắt, bán rẻ trong nhiều dự án.
Gần đây nhất, dư luận không khỏi hoài nghi vì hiện tượng sai phạm, tiêu cực của một số doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá hành nghề cố tình vi phạm tiêu chuẩn đạo đức hành nghề, vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, thông đồng với khách hàng làm sai lệch kết quả thẩm định giá ngày càng gia tăng. Đặc biệt là trong việc thẩm định giá phục vụ đấu thầu mua sắm thiết bị vật tư y tế, kit test Covid-19 khiến hàng loạt bác sỹ, quan chức vướng vòng lao lý.
Trước "báo động" về đạo đức thẩm định viên và chất lượng thẩm định giá đi xuống, Bộ Tài chính tăng cường quản lý chặt các doanh nghiệp thẩm định giá.
Theo đó, tính đến hết tháng 6/2022, Bộ Tài chính thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của 123 doanh nghiệp; tiến hành đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với 68 lượt doanh nghiệp do không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật giá.
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp bị Bộ Tài chính "tuýt còi" đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và tước giấy chứng nhận chỉ trong những tháng đầu năm 2022 tăng "nóng" so với nhiều năm trước đây.
NGĂN NGỪA THẨM ĐỊNH VIÊN CẤU KẾT ĐỂ TRỤC LỢI
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian tới, nền kinh tế thị trường nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, các giao dịch kinh tế ngày càng phong phú đa dạng với các yêu cầu về phát triển kinh tế bền vững, minh bạch và lành mạnh.
Điều đó đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với sự phát triển ngành nghề dịch vụ thẩm giá trong thời gian sắp tới.
Do đó, các đại biểu đều đồng tình rằng nghề thẩm định giá cần phải được tiếp tục củng cố và có bước tiến bộ vượt bậc, khi đó, mới có thể đáp ứng được sự phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới với yêu cầu cao hơn, đó là các doanh nghiệp cần phải có quy mô, năng lực thẩm định giá lớn hơn.
Cùng với đó, thẩm định viên về giá yêu cầu phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn và chuyên sâu, có tính chuyên nghiệp cao hơn. Đồng thời, quản lý nhà nước về lĩnh vực này chặt chẽ hơn.
Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thẩm định giá một các đầy đủ và đồng bộ, nghiên cứu sửa đổi Luật giá về thẩm định giá, cũng như các văn bản hướng dẫn…
Góp ý về Luật Giá (sửa đổi) tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng cần loại bỏ các quy định về vốn điều lệ của doanh nghiệp thẩm định giá; việc tiết lộ thông tin về hồ sơ khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá, trừ trường hợp được khách hàng thẩm định giá hoặc cho phép.
"Cần sửa đổi quy định cấm làm việc trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên, thay bằng cấm hành nghề thẩm định giá cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên.
Cùng với đó, tất cả các quy định thông đồng về giá, thẩm định giá đều phải bổ sung cụm từ “để trục lợi” (Khoản 3, Điều 4) hoặc thông đồng, cấu kết là phải có đối tác họ “câu kết với nhau” chứ không thể mình câu kết với mình", ông Thoả góp ý.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Thẩm định giá cũng đề nghị bổ sung các quy định Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá; về người cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn thẻ thẩm định viên về giá không được đăng ký hành nghề thẩm định giá.
Quy định về thẩm định viên phải chịu trách nhiệm chính về kết quả thẩm định giá được ban hành tại Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá; hay nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá khi có khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp thẩm định giá cùng tham gia thẩm định giá một loại tài sản có thông số kỹ thuật và điều kiện tương đồng...
Cùng với đó, theo ông Thoả, không nên quy định cứng “Có Thẻ thẩm định viên về giá về thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp” mà cần quy định theo hướng mở tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp, tức là “Có Thẻ thẩm định viên về giá về thẩm định giá tài sản và/hoặc thẩm định giá doanh nghiệp...