10:15 09/03/2017

Kỳ vọng gì ở RCEP sau khi TPP đổ vỡ?

Hải Yến

Góc nhìn của Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam về triển vọng kinh tế Việt Nam sau khi TPP đổ vỡ

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.
"Nếu chỉ xét đơn thuần về khía cạnh thương mại, RCEP có thể là giải pháp thay thế cho TPP do phù hợp ở nhiều khía cạnh", ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nói trong cuộc trò chuyện với VnEconomy.

Nhiều điểm khác biệt


Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng đổ vỡ khiến nhiều doanh nghiệp vốn được dự báo hưởng lợi trước đó vỡ mộng. Nhiều đánh giá cho rằng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) có thể là giải pháp thay thế, quan điểm của ông như thế nào?

Một trong những việc làm đầu tiên của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donand Trump là tuyên bố rút khỏi TPP, như ông đã hứa trong thời gian tranh cử.

Sau tuyên bố của Mỹ, 11 nước còn lại chưa tuyên bố rút khỏi hay tiếp tục TPP. Hiện tại, Nhật Bản và Úc đang có những bước đi để tìm kiếm sự thỏa thuận trong 11 nước còn lại để tiếp tục TPP mà không có sự tham gia của Mỹ. Tôi nghĩ đối với Việt Nam, nước được đánh giá sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, đây là một thực tế đáng thất vọng.

Với Việt Nam, Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế đất nước. Kể cả khi TPP vẫn được thực thi, không có sự tham gia của Mỹ, những lợi ích được dự đoán dành cho Việt Nam có được sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với ban đầu.

RCEP bao trùm một thị trường lớn gồm 16 nước, có đến 3 tỷ dân, chiếm gần 30% thương mại toàn cầu. Nếu so sánh với thị trường các nước tham gia TPP, RCEP cũng không thua kém nhiều, thậm chí còn lớn hơn nếu so sánh về dân số và khối lượng thương mại.

Tuy nhiên, RCEP cũng có nhiều điểm khác biệt so với TPP.

Điều khác biệt lớn nhất là các tiêu chuẩn của RCEP thấp hơn nhiều so với TPP. Sự khai thông thương mại của RCEP dựa nhiều vào việc hạ thấp thuế quan hơn là nâng cao chất lượng kinh tế của các thành viên, bao gồm cả các yêu cầu về bảo vệ người lao động, các tiêu chuẩn về môi trường, sở hữu trí tuệ.

Nếu chỉ xét đơn thuần về khía cạnh thương mại, RCEP có thể là giải pháp thay thế cho TPP do phù hợp ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, thị trường này có thể so sánh được về độ lớn so với TPP. Và thứ hai, rõ ràng trước mắt, các doanh nghiệp của chúng ta vẫn đang ở trình độ nhất định, thị trường này sẽ phù hợp hơn với cuộc chơi.

Tuy nhiên, RCEP sẽ không là một giải pháp thay thế hoàn toàn TPP, do với điều kiện mở, các nước tham gia vẫn được áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước.

Đồng thời, với sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước có dân số lớn nhưng cũng là hai nước có thặng dư thương mại lớn, lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam là rất thấp.

Mỹ vẫn đang là một thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chúng ta vẫn phải tìm cách để duy trì và mở rộng thị trường này. Có lẽ đồng thời với việc tham gia RCEP, với xu hướng tiếp tục mở cửa nền kinh tế, Việt Nam sẽ tiếp tục cam kết đổi mới, nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn của TPP, và tiếp tục tìm kiếm, đàm phán các hiệp định song phương để mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong nước.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng

Từ góc nhìn của ông, doanh nghiệp Việt hiện còn gặp những rào cản lớn nào khi gia nhập thị trường quốc tế?

Việt Nam đã khẳng định việc tiếp tục mở cửa nền kinh tế, hội nhập ngày càng sâu và rộng với kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có thời gian để chuẩn bị cho việc tham gia các hiệp định lớn, với các sân chơi lớn và các đối thủ lớn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp của chúng ta, ngoài một số nhỏ doanh nghiệp đã rất cố gắng chuẩn bị, có lẽ vẫn đang còn nhiều khó khăn cho cuộc chơi “hội nhập” này.

Điều thứ nhất là rõ ràng năng lực của đa phần các doanh nghiệp còn yếu. Phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ. So với các tập đoàn kinh tế của các nước phát triển, các doanh nghiệp của ta có nhiều điểm yếu về năng lực tài chính, khả năng tiếp cận thị trường, việc áp dụng công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp…

Thứ hai là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam thấp. Theo như khảo sát của nhiều tổ chức, năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam tương đối thấp so với các doanh nghiệp của các nước láng giềng, chưa nói đến các doanh nghiệp ở các nước phát triển.

Điều đáng lo ngại hơn là năng suất lao động này lại không được cải thiện, ngược lại có xu hướng giảm đi trong những năm vừa qua, đặc biệt đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sử dụng công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ tay nghề thấp… Cùng với việc phát sinh các khoản chi phí ngoài kinh doanh, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, dịch vụ có xu hướng tăng.

Thứ ba, phần lớn các doanh nghiệp thiếu chiến lược dài hạn. Tư tưởng làm ăn ngắn hạn hay có người đánh giá là “chộp giật” còn phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Họ chỉ coi trọng vào các lợi ích trước mắt mà không có chiến lược phát triển dài hạn, tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu ngắn hạn mà không chú trọng vào đầu tư, phát triển doanh nghiệp một cách bền vững, lâu dài.

Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chưa sẵn sàng cho cuộc chơi ở tầm quốc tế. Hội nhập kinh tế thế giới yêu cầu các doanh nghiệp phải có hiểu biết về thị trường, hệ thống luật pháp các nước sở tại, quan tâm nhiều đến các tác động đến xã hội, môi trường…. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu mới về quyền lao động, yêu cầu về đảm bảo phúc lợi cho người lao động, cũng như thúc đẩy bảo vệ tài nguyên môi trường.

Hậu quả của việc không tuân thủ các vấn đề này sẽ là các kỷ luật thương mại. Các cam kết môi trường và trách nhiệm xã hội sẽ làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng ngược lại sẽ đảm bảo được sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Rõ ràng, để thành công trong môi trường kinh tế phẳng, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều chuyện phải làm để chuẩn bị cho cuộc chơi lớn hơn với nhiều cơ hội lớn nhưng cũng rất khốc liệt.

Kỳ vọng tăng trưởng 2017

Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017 này, liệu có dễ thở hơn cho các doanh nghiệp?

Bước vào năm 2017 trên thế giới, người ta đang hy vọng vào sự khởi sắc của kinh tế toán cầu nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng, mặc dù có những ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ.

Giá dầu mỏ từng bước hồi phục, dù đang ở mức thấp, sẽ có ảnh hưởng tích cực đến kinh tế, đặc biệt cho các nước xuất khẩu dầu mỏ. Đồng USD đang lên giá so với các đồng tiền khác…

Ở trong nước, sản xuất đã có nhiều biến chuyển tốt sau các sự kiện về môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì. Sự cam kết cải cách nền kinh tế, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cải tiến các thủ tục hành chính, môi trường đầu tư của “Chính phủ kiến tạo” sẽ tạo động lực mạnh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Sự ổn định của kinh tế vĩ mô cũng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức không nhỏ. Vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng tiếp tục là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự ổn định và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Vấn đề nợ công đã và đang là một đề tài gây chú ý. Cùng với việc phục hồi của giá dầu và lên giá của USD, sức ép về lạm phát sẽ quay trở lại.

Với bức tranh tổng thể như trên, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục duy trì được khả năng tăng trưởng, các tổ chức tài chính lớn đều dự đoán khả năng tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay.

Như vậy, các doanh nghiệp đang có nhiều điệu kiện thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng. Vấn đề là liệu các doanh nghiệp có tiếp tục đổi mới, áp dụng công nghệ mới nhằm cải thiện năng lực nội tại của chính doanh nghiệp để tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hay không.